Bãi rác Nam Sơn - Hà Nội: Lượng rác còn tăng, dân còn khổ

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 04/08/2016

(TN&MT) – Như Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã phản ánh trong bài viết “Sóc Sơn (Hà Nội): Bãi rác Nam Sơn ô nhiễm, dân khổ đến bao giờ?” đăng tải ngày 25/7/2016, hàng trăm hộ dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đang từng ngày mong mỏi được ổn định cuộc sống, được thoát khỏi môi trường ô nhiễm do bãi rác Nam Sơn gây ra. Để có thêm thông tin về vấn đề này, nhóm phóng viên Báo TN&MT đã có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) và lãnh đạo chi nhánh Nam Sơn.
ông Cao Xuân Thìn – Phó Giám đốc chi nhánh Nam Sơn, URENCO
Ông Cao Xuân Thìn – Phó Giám đốc chi nhánh Nam Sơn, URENCO trao đổi với nhóm phóng viên Báo TN&MT

Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Cao Xuân Thìn – Phó Giám đốc chi nhánh Nam Sơn, URENCO cho biết: Tổng diện tích Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn) là 83,4 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 400 chuyến xe vận chuyển rác đến bãi rác để xử lý.

Theo ông Cao Xuân Thìn, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đều tiến hành quan trắc định kỳ bãi rác hàng quý. Theo kết quả quan trắc, các chỉ tiêu chất thải, tiếng ồn, không khí, chất lượng nước đều đạt yêu cầu, nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Tổng diện tích Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn) là 83,4 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
Tổng diện tích Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn) là 83,4 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

Tuy nhiên khi chúng tôi yêu cầu được cung cấp kết quả quan trắc này, ông Đinh Minh Trí – Chuyên viên Phòng Kỹ thuật của URENCO lại không cung cấp với lý do: Báo cáo kết quả quan trắc của Tổng Công ty để Tổng công ty quản lý các cơ sở vật chất, các hệ thống… Tổng công ty lấy cơ sở dữ liệu này để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty nên đối với nội bộ Công ty sẽ có giá trị nhưng nếu cung cấp ra bên ngoài, kết quả quan trắc này sẽ phần nào không phản ánh đúng và khách quan.

Trong khi trước đó, khi nói về báo cáo kết quả quan trắc này, ông Vũ Bá Tuấn Anh – Chuyên viên Phòng Kỹ thuật của URENCO cho biết sẽ cung cấp cho nhóm phóng viên báo cáo này sau buổi làm việc. Điều này khiến nhóm phóng viên đặt câu hỏi: Phải chăng kết quả quan trắc không giống như những gì ông Cao Xuân Thìn đã nói ở trên nên 2 vị chuyên viên của URENCO “dè dặt” thông tin với báo chí?

ông Vũ Bá Tuấn Anh – Chuyên viên Phòng Kỹ thuật của URENCO
Ông Vũ Bá Tuấn Anh – Chuyên viên Phòng Kỹ thuật của URENCO trong buổi làm việc với nhóm phóng viên Báo TN&MT

Liên quan nỗi lo của người dân về nước sạch, ông Cao Xuân Thìn cho biết: TP Hà Nội đã quan tâm bằng cách cấp nước sạch cho người dân sống gần bãi rác Nam Sơn trong phạm vi từ 0 - 500 mét. Tuy nhiên, người dân sống trong phạm vi từ 500 – 1.000 mét và thậm chí ngoài 1.000 mét cũng muốn được dùng nước sạch, do đó, các sở, ban, ngành đã yêu cầu các cơ quan liên quan khảo sát để quy hoạch cấp nước cho người dân, cố gắng đến mức tốt nhất.

Về ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí, ông Cao Xuân Thìn cho rằng: “Do trước đây, khi bãi rác Nam Sơn chưa hoạt động, Nam Sơn là một vùng quê yên tĩnh nhưng hiện nay các xe vận chuyển rác lưu thông thường xuyên nên việc gây ra tiếng ồn như họ phản ánh là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, bãi rác càng ngày càng lớn do lượng rác tăng nhanh nên sẽ sinh ra lượng khí, lượng mùi lớn hơn, trong khi quy trình xử lý mùi chưa có, do đó, chắc hẳn sẽ gây ra mùi khó chịu trong khu dân cư”.

Về công nghệ xử lý nước rỉ rác, theo ông Cao Xuân Thìn, có công nghệ dây chuyền chạy theo quy trình và có 3 đơn vị xử lý nước thải, đặc biệt, có tổ giám sát hoạt động ở xã Bắc Sơn gồm 20 hộ dân sống dọc theo từ cổng đơn vị. Hàng ngày, tổ giám sát này sẽ quan sát bằng cảm quan, nếu có biến động về dòng suối gần đó, họ sẽ yêu cầu đơn vị kiểm tra ngay.

a
Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 400 chuyến xe vận chuyển rác đến bãi rác để xử lý. Số lượng xe lớn như vậy không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn phát ra tiếng ồn lớn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống quanh bãi rác

Về lượng rác chuyển về bãi rác Nam Sơn để xử lý tăng nhanh, ông Đinh Minh Trí giải thích: Bãi rác Nam Sơn bắt đầu hoạt động từ năm 1999, đến thời điểm năm 2008, không ai tính được chuyện sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội nên lượng rác tăng đột biến! Thậm chí việc dự đoán từ năm 1999 cho đến thời điểm hiện nay, lượng rác tăng như thế nào, TP Hà Nội có dự đoán nhưng không thể chính xác hoàn toàn. Do đó, thời điểm năm 1999, khối lượng rác được xử lý hàng ngày tại bãi rác Nam Sơn chỉ khoảng 500 tấn/ngày nhưng hiện nay là 3.600 – 4.000 tấn rác/ngày, cao điểm vào những ngày trước Tết có thể lên đến 6.000 tấn rác/ngày.

Khi nhóm phóng viên hỏi về những biện pháp tăng cường hơn nữa để hạn chế tình trạng ô nhiễm từ bãi rác Nam Sơn gây ảnh hưởng đến khu dân cư, ông Đinh Minh Trí cho hay: Những giải pháp này Tổng Công ty chắc chắn có nhưng không thể nói cụ thể được bởi là đơn vị tiếp nhận, quản lý và vận hành, trách nhiệm của Tổng Công ty là phải tham mưu, đề xuất những giải pháp này đối với Sở xây dựng, chủ đầu tư dự án. Tổng Công ty tham mưu ngay trong quá trình xây dựng tiểu dự án ở trên bãi rác Nam Sơn để góp phần đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước hạn chế những ảnh hưởng đến người dân đến mức thấp nhất.

Mong rằng, không lâu nữa, người dân Nam Sơn sẽ thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm, không còn thấp thỏm lo sợ vì những căn bệnh hiểm nghèo ập đến “gõ cửa” từng nhà. Và cũng hy vọng rằng, trong thời gian tới, khi trở lại nơi đây, nhóm phóng viên không còn ngửi thấy mùi ô nhiễm “đặc trưng” từ bãi rác Nam Sơn.

Bài & ảnh: Mai Đan – Tuyết Chinh