Dân "tố" trại heo của cán bộ xã gây ô nhiễm

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 13/06/2016

  (TN&MT) - Thời gian gần đây, một số hộ dân ở thôn 8 và thôn Hữu Nghị (xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) thường xuyên phản ánh việc trại heo của gia đình...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, một số hộ dân ở thôn 8 và thôn Hữu Nghị (xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) thường xuyên phản ánh việc trại heo của gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Hữu Nghị, xã Ea Đar) xả nước thải trực tiếp ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù nằm giữa khu dân cư nhưng trại heo này vẫn được các cấp có thẩm quyền tại huyện Ea Kar cho phép hoạt động từ nhiều năm nay.

Phân và nước thải từ trại heo của gia đình ông Song chảy lênh láng ra bên ngoài
Phân và nước thải từ trại heo của gia đình ông Song chảy lênh láng ra bên ngoài

Trại heo giữa khu dân cư

Vào tháng 7 năm 2013, trại heo của gia đình bà Nguyễn Thị Vân (ở thôn Hữu Nghị, xã Ea Đar) được UBND huyện Ea Kar xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản và có hiệu lực đến ngày 31/12/2017. Theo đề án này, vị trí xây dựng trại heo có khá nhiều thuận lợi như: cách xa khu dân cư, nằm trong diện tích đất màu có mặt bằng rộng, việc bố trí các hạng mục công trình xây dựng và công trình xử lý chất thải... Chủ cơ sở đã xây dựng hầm Biogas để xử lý nước thải chăn nuôi và phân gia súc trước khi đưa ra hồ chứa rồi bơm lên tưới cho đất vườn.

Phân và nước thải từ trại heo của gia đình ông Song chảy lênh láng ra bên ngoài
Phân và nước thải từ trại heo của gia đình ông Song chảy lênh láng ra bên ngoài

Theo sơ đồ công nghệ xử lý tại đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt, quy trình xử lý nước thải chăn nuôi và phân gia súc tại trại heo của bà Vân là “khép kín”, rất ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhưng hiện gia đình bà Vân đang nuôi cá trê tại hồ chứa nước Biogas. Mỗi lần bán cá, thay vì bơm nước lên tưới cho đất vườn thì gia đình bà Vân lại xả trực tiếp nước thải này ra mương dẫn phía dưới. Mương dẫn này lại chảy qua ao hồ và một số diện tích đất của các hộ dân lân cận nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Đào Văn Hiểu (thôn 8, xã Ea Đar), cho rằng nước thải từ hồ chứa của trại heo chảy vào các hồ của gia đình ông và gây ra tình trạng cá chết. “Mấy năm liên tục, nước thải từ mương dẫn vẫn ngấm vào các ao của gia đình tôi làm nhiều khối lượng cá trong ao chết hoặc chậm sinh trưởng. Ngoài việc bỏ hoang 1 ao rộng 700m2 vì nước thải chảy qua, gia đình tôi liên tục kiến nghị lên chính quyền địa phương về việc trại heo gây ô nhiễm nhưng đến nay chủ trại heo vẫn không chịu khắc phục”.

Ông Song thừa nhận đã xả nước thải từ hồ chứa Biogas trực tiếp ra ngoài môi trường
Ông Song thừa nhận đã xả nước thải từ hồ chứa Biogas trực tiếp ra ngoài môi trường

Trên thực tế, trại heo của gia đình bà Vân nằm giữa khu dân cư chứ không phải “cách xa khu dân cư” như đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Võ Quốc Huynh (cùng thôn Hữu Nghị, hàng xóm của gia đình bà Vân), bức xúc: “Nhà tôi ở rất gần trại heo nên quanh năm phải hứng chịu mùi hôi thối bốc ra. Từ khi có trại heo, ruồi muỗi và các vi sinh vật cũng phát sinh nhiều hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh”.

Theo ông Nguyễn Xuân Đoán (trưởng thôn 8, xã Ea Đar), trại heo của gia đình bà Vân nằm ở thôn Hữu Nghị nhưng tiếp giáp với đất sản xuất và nhà của nhiều hộ dân trong thôn. Những năm gần đây, các hộ dân liên tục phản ánh việc trại heo của gia đình bà Vân bốc ra mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và thậm chí là làm chết cá các ao của họ. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống kiểm tra, tổ chức hòa giải và yêu cầu chủ trại heo có phương án khắc phục để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhưng đến nay người dân trong thôn vẫn có ý kiến phản ánh.

Cống xả nước thải từ hồ chứa Biogas của trại heo ra mương dẫn
Cống xả nước thải từ hồ chứa Biogas của trại heo ra mương dẫn

Chủ trại heo từng là Phó Chủ tịch UBND xã

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chồng của bà Vân (chủ trại heo) là ông Nguyễn Văn Song, hiện đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ea Đar. Trước đó, tại thời điểm gia đình ông Hiểu có kiến nghị trại heo gây ra cá chết vào năm 2014, ông Song đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã này.

Vào đầu năm 2015, sau khi nhận được phản ánh của gia đình ông Hiểu, UBND xã Ea Đar đã thành lập đoàn cán bộ xuống kiểm tra hiện trường. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều khối lượng cá tại ao của nhà ông Hiểu chết hoặc thoi thóp. Sau khi 2 bên chấp nhận phương án hòa giải, chính quyền địa phương đã yêu cầu gia đình ông Song phải có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, cụ thể là lắp đường ống dẫn nước thải từ hồ Biogas qua khu vực ao nhà ông Hiểu.

Mương dẫn phía sau hồ chứa Biogas bị phủ lên một lớp bùn đen dày và có mùi rất khó chịu
Mương dẫn phía sau hồ chứa Biogas bị phủ lên một lớp bùn đen dày và có mùi rất khó chịu

Nhưng vào sáng 10/6/2016, khi chúng tôi cùng một số cán bộ xã Ea Đar có mặt tại trại heo của gia đình ông Song, đường ống dẫn nước thải vẫn chưa chịu xuất hiện. Phía sau hồ chứa nước Biogas của trại heo, gần trăm mét mương dẫn bị phủ lên một lớp bùn đen đặc quánh, dày khoảng 0,5m và có mùi rất khó chịu. Tại ao phía dưới của gia đình ông Hiểu, nhiều con cá nhỏ chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Ông Nguyễn Văn Song cho biết trại có quy mô 500 heo thịt/lứa và mỗi năm gia đình nuôi 2 lứa. Mặc dù gia đình ông Song đã bán gần hết lứa heo nhưng tại khu vực trại nuôi khá ô nhiễm. Phân và nước thải chảy ra lênh láng ra phần đất ngoài chuồng và bốc lên mùi hôi thối, khó chịu. Ông Song cũng thừa nhận đã làm “chưa đúng quy trình” khi xả nước từ hồ Biogas ra ngoài môi trường. Khi chúng tôi đặt câu hỏi “tại sao xã yêu cầu gia đình ông Song lắp đường ống dẫn nước thải nhưng lại không xuống kiểm tra?” thì cán bộ đi cùng thừa nhận “lâu nay không kiểm tra vì... không nhận được phản ánh của người dân(?)”.

Ông Đào Văn Hiểu (thôn 8, xã Ea Đar) cho rằng nước thải từ trại heo của ông Song chảy vào ao của gia đình và làm cá chết
Ông Đào Văn Hiểu (thôn 8, xã Ea Đar) cho rằng nước thải từ trại heo của ông Song chảy vào ao của gia đình và làm cá chết

Theo tìm hiểu của PV, trong khu vực dân cư của thôn Hữu Nghị có khá nhiều trại nuôi heo với quy mô lớn và phần đông trong số đó chưa được cấp phép hoạt động. Nhiều trại heo trong số này “tận dụng” hồ chứa nước Biogas để nuôi cá và khi đánh bắt, họ xả trực tiếp nước ra các mương dẫn trước khi đổ ra sông Krông Năng. Nguồn nước sông dần bị “đầu độc” tiềm ẩn những hệ lụy không lường về vấn đề môi trường.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Ea Kar cho biết chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân và chính quyền xã Ea Đar. Nhưng sắp tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để thành lập đoàn kiểm tra về vấn đề này.

Bài & ảnh: Lê Phước