Vĩnh Phúc: Sông Lô "oằn mình" kêu cứu trước đại nạn khai thác cát

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 17/05/2016

(TN&MT) - Theo báo cáo của UBND xã thì tính đến ngày 26/2/2016, tổng chiều dài đất canh tác bị sạt lở là 202m, kè Áp Trúc bị sạt lở 62m, điểm rộng nhất là...
(TN&MT) – Chỉ trên một đoạn sông dài chưa đầy 5km nhưng có tới 6 đơn vị được phép khai thác cát khiến cho đất canh tác hai bờ ven sông bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Đó là tình trạng của dòng Sông Lô đoạn chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh phúc.
 
Hàng chục chiếc tàu hút cát như thế này hoạt động liên tục trong phạm vi chưa đầy 5km trên dòng Sông Lô
Hàng chục chiếc tàu hút cát như thế này hoạt động liên tục trong phạm vi chưa đầy 5km trên dòng Sông Lô
 
Tỉnh cấp phép, dân "lãnh" đủ
 
Sông Lô đoạn chảy qua xã Đô Nhân có tổng chiều dài chưa đến 4,8 km nhưng lại có tới 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép nạo vét lòng sông và khai thác cát sỏi. Kéo theo hoạt động khai thác là hàng chục chiếc tàu hút công suất lớn, hằng ngày thi nhau “tận diệt” lòng sông, khiến hàng trăm hecta đất nông nghiệp màu mỡ ven Sông Lô bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Theo quan sát của chúng tôi, hàng chục chiếc tàu hút cát vẫn hoạt động hết công suất, khiến cả một đoạn sông tiếng máy nổ vang trời. Ngoài những chiếc tàu khai thác ở giữa lòng sông còn có những chiếc tàu cuốc đang cắm thẳng vào chân bờ sông để khai thác. Việc khai thác cát sỏi bừa bãi, không đúng quy định đã khiến hai bên bờ sông, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những thành vách dựng đứng.
 
Trao đổi với phóng viên, những người dân xã Đôn Nhân  gần bờ sông Lô  cho biết: “Tình trạng sạt lở như trên đã kéo dài nhiều tháng nay, diện tích bị sạt lở dọc bờ sông đã lấn sâu vào đất canh tác từ 20 – 30m, có chỗ lên đến 40 – 50 mét, thời điểm cách đây khoảng 1 tháng trên dòng sông này có tới hàng chục con tàu thi nhau hút cát, chở cát”.
 
Phải chăng hơn 200m đất canh tác ven sông bị sạt lỡ là do UBND Tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép vô tội vạ?
Hơn 200m đất canh tác ven sông bị sạt lở kể từ khi 6 Công ty được UBND Tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát sỏi, nạo vét lòng Sông Lô
 
Bà Ái, trú tại xã Đôn Nhân cho biết: “Trước đây tôi có hơn một sào đất nay thì nay đã mất phân nửa, nồi cơm của gia đình chúng tôi trôi theo doanh nghiệp, theo cát mà đi hết rồi. Chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị lên các cấp chính quyền ở địa phương, nhưng đều bặt vô âm tín, các ông ấy là công bộc của dân mà có thèm để ý đến chúng tôi sống chết ra sao đâu(?!)”
 
Một người dân khác bức xúc: “Gia đình chúng tôi, chỉ có 1 sào ruộng và ít đất bãi ven sông nhưng cát tặc đã hút cả chân ruộng rồi, giờ không biết lấy gì mà mưu sinh đây. Các chủ tàu cát phá dòng sông, bán được nhiều cát ngày càng giàu lên, còn dân mất ruộng như chúng tôi ngày một nghèo đi. Kêu lên chính quyền thì chính quyền thờ ơ, không chịu xử lý, chúng tôi biết sống sao đây”.
 
Được biết, sau nhiều lần báo cho chính quyền địa phương nhưng không có hiệu quả, người dân nơi đây đã tổ chức thu giữ một chiếc thuyền sắt dùng để di chuyển của công nhân hút cát, sau đó bàn giao lại cho công an huyện Sông Lô. Hiện tại trong nhà văn hóa của thôn vẫn còn giữ hai chiếc Mỏ Neo nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra nhận.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo mới nhất số 62/BC-UBND ngày 18/03/2016 của UBND xã Đôn Nhân gửi lên UBND huyện Sông Lô và các cơ quan nêu rõ, tại thời điểm ngày 26/02/2016 tổng chiều dài đất canh tác bị sạt lở là 202m, kè Áp Trúc bị sạt lở 62m, điểm rộng nhất là gần 10m.
 
Chính quyền xã “bất lực”
 
Để hiểu rõ hơn về thực trạng khai thác cát làm mất đất canh tác của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Thịnh - PCT UBND xã Đôn Nhân, ông Thịnh cho biết: “việc sạt lở bãi bồi ven Sông Lô đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nguyên nhân của sự việc này là do các đơn vị khai thác cát, sỏi dưới lòng sông nhưng rất khó để xử lý vì hầu như các đơn vị doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn đều được cấp phép”. 
 
hg
Hai chiếc mỏ neo được người dân thu về gửi tại nhà văn hóa thôn nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra nhận
 
Phóng viên tiếp tục đề nghị cung cấp danh sách các doanh nghiệp, ông Thịnh không ngần ngại đọc tên của 6 đơn vị được phép khai thác khoáng sản, cát sỏi và nạo vét lòng Sông Lô, đó là: Công ty CP Xây dựng Bắc Ái; Công ty CP Khai thác và chế biến Lâm Khoáng Sản Hoàng Phát; Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Nội; Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA; Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội.
 
Cũng theo ông Thịnh, mặc dù được cấp phép của cơ quan chức năng nhưng các  công ty khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng, nạo vét lòng sông đã không tuân thủ đúng giấy phép; chưa đặt phao và cắm mốc chỉ giới; khai thác sai địa điểm được cấp phép, thậm chí có nhiều đơn vị khai thác chồng lấn lên nhau. Cộng thêm tình trạng một số tàu, thuyền khai thác không rõ của đơn vị nào trà trộn vào khu vực nên dẫn đến sạt lở đất canh tác của người dân.
 
Bên cạnh đó ông Thịnh cũng nhấn mạnh: “Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở. Tuy nhiên do tình trạng khai thác khoáng sản quá mức đã có hiện tượng sụt lún chân kè, nhiều đoạn thân kè cũng bị nứt vỡ, đe dọa nghiêm trọng đến hành lang đê và an toàn thoát lũ ven sông cũng như tính mạng và tài sản của bà con nhân dân trên địa bàn”.
 
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
 
Mạnh Hưng