Việt Trì - Phú Thọ: "Xẻ thịt" nhiều tuyến phố vì dự án nước thải

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 10/03/2016

(TN&MT) - Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường phố trên địa bàn TP Việt Trì đã bị đào xới bởi dự án cấp thoát nước thải.

 

(TN&MT) - Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường phố trên địa bàn TP Việt Trì đã bị đào xới bởi dự án cấp thoát nước thải.

 

Điều lạ, thay vì đào trên vỉa hè, thì chủ đầu tư lại để các nhà thầu cứ đường nhựa mà... cày. Đào xới linh tinh, hàn vá mặt đường kiểu chắp nối, gây bừa bộn, khó chịu cho người dân địa phương trong sinh hoạt cũng như bụi bặm. Việc đào bới này có đúng quyết định cho phép không?

Đường nát, lồi lõm, bẩn thỉu

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường, chị Nguyễn Thị Giang, nhà ở khu đô thị Trầm Sào, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì bức xúc cho biết: “Suốt mấy tháng qua, tình trạng cứ nhằm mặt đường mà cày xới diễn ra trên hàng loạt tuyến phố. Họ đào xuống nham nhở, cứ đêm về, máy xúc lại xúc, máy cắt kêu chói tai. Đất cát tung tóe, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội. Lúc đầu bà con nhân dân tưởng họ “vá đường”, sau này mới biết dự án triển khai là làm đường ống thoát nước thải. Đã có mấy lần xóm nhà chị họp tổ dân phố, bà con, ai cũng xót xa bởi nhiều tuyến phố đang đẹp, sạch sẽ, nay bị cào cấu, “cắn xé” không thương tiếc. Người dân rất phẫn nộ. Nhưng chẳng biết kêu ai. Nhìn những tuyến đường đẹp bị dự án đang tâm phá bỏ, ai cũng bức xúc”.

Còn anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ một nhà hàng thịt trâu, gần chợ Nú, thuộc địa phận Phường Minh Nông, ngay ngã 3, lối rẽ lên đê sông Hồng cũng bức xúc cho biết: “Như các địa bàn khác, đoạn đường tránh TP Việt Trì này cũng bị đào lên làm cống thoát nước thải. Chẳng hiểu họ làm kiểu gì mà đường giờ đi qua cứ lập cập, rất dễ gây tai nạn. Mặt cắt đào xuống không khớp với mặt cũ, bởi vậy dự án đã gián tiếp gây nên nhiều bất cập trong giao thông”. Anh Ngọc cũng lo lắng: “Nếu các nhà thầu và chủ đầu tư này không làm lại đoạn đường này, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông sẽ là hiện hữu. Bởi vậy, cần sớm làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các nhà thầu cũng như trước khi quá muộn”.

 

Từ những kiến nghị của người dân, cũng như những thực tế mà phóng viên quan sát, chụp hình ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy những kiến nghị, tố cáo về những bất cập trong quá trình thi công, đào hệ thống thoát thải này của phía chủ đầu tư là có cơ sở. Điều lạ, dự án lớn, nhưng thực tế, chỉ có Công ty TNHH Keagnam làm nhà thầu chính. Và khi phóng viên tìm hiểu thì nhà thầu này chẳng thấy đâu, chỉ thấy độc mỗi mấy nhà thầu của người Việt Nam đang làm thầu. Khi hỏi đến người chịu trách nhiệm chính, những nhà thầu này cũng... ú ớ. Còn phía đại diện chủ đầu tư, phía công ty tư vấn giám sát thì “lặn sủi tăm”...

Có làm trái phê duyệt?

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: Dự án gây nhiều bức xúc trên đối với nhân dân TP Việt Trì có tên đầy đủ là dự án “Hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn TP Việt Trì. Điều lạ, dự án này có nguồn vốn vay từ nước ngoài, nhưng lại được UBND tỉnh Phú Thọ giao cho Công ty CP cấp nước Phú Thọ, có địa chỉ tại số 8, đường Trần Phú, TP Việt Trì làm chủ đầu tư, thay vì các Ban quản lý của Nhà nước cũng là điều khó hiểu.

 Phóng viên tiếp tục liên hệ đến vị lãnh đạo Công ty là bà Đoàn Thị Kim Quy, Giám đốc Công ty. Tuy nhiên bà này từ chối trả lời thông tin vì lý do bận. Liên hệ với ông Bút, một lãnh đạo khác của công ty thì ông này cho biết, mọi kiến nghị của cử tri đã được Giám đốc Sở Xây dựng trả lời trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh rồi. Bởi vậy, khỏi lo...

 

Trao đổi với kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm, công tác ở TCT Sông Đà, ông Tâm phân tích: Việc triển khai một dự án là phải tính toán đầy đủ các yếu tố, và căn cứ cả trên thực địa. Thông thường, rãnh thoát nước là đào trên vỉa hè, rồi đậy tấm đan lên. Đằng này, cho thi công ở lòng đường là không ổn, chưa kể hàng loạt các vướng mắc khác. Bởi vậy, ở đây có thể là điều bất bình thường đối với 1 dự án, đặc biệt hơn cả nữa là có đúng thiết kế và đúng quyết định được phê duyệt hay không? Hay lại làm bừa...

Còn luật sư Hà Thị Thanh, Đoàn luật sư Hà Nội lại có góc nhìn khác: Điều khó hiểu là tại sao không có Ban quản lý xây dựng nào của Sở, ngành làm chủ đầu tư. Lại để cho 1 công ty CP làm chủ. Liệu có minh bạch ở đây? Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm...

Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bài & ảnh: Hà Thúy – Nhật Lam