Đường hoa Nguyễn Huệ: Sự cạn kiệt ý tưởng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 09/02/2016

  Đường hoa Nguyễn Huệ là đặc sản riêng của Sài Gòn - TP.HCM, điều đó không thể phủ nhận. Và, không phải địa phương nào muốn bắt chước cũng được. Có thể...

 

Đường hoa Nguyễn Huệ là đặc sản riêng của Sài Gòn - TP.HCM, điều đó không thể phủ nhận. Và, không phải địa phương nào muốn bắt chước cũng được. Có thể do vấn đề địa lý, có thể có yếu tố văn hóa (tôn trọng của chung)... Thế nhưng, đến đường hoa 2016 này thì phải nói thẳng: Ý tưởng đã cạn kiệt hẳn rồi.

 

Sự lặp lại, sự nghèo nàn ý tưởng đã diễn ra nhiều năm. Cứ tranh tre nứa lá, bãi bùn cắm mấy ngọn sen, miếng mạ xanh, nhà chòi vịt, cái cầu treo lắt lẻo. Có người gọi đó là tâm thức rơm rạ. Còn tôi, tôi cho đó là ám ảnh ao làng, nỗi hoài vọng một thời thanh bình với những con người chơn chất bình dị miền Nam xa xưa giờ đây khó tìm thấy. Đó là ám ảnh nợ nần những con người lao động khổ ải ngàn nắng muôn sương, bước vào thế kỷ 21 mà vẫn bị dạt bên lề công nghiệp hóa...

Và, cuối năm, để trả nợ họ, cái nợ góp mấy chục triệu tấn lúa cho đất nước được vinh danh cường quốc lúa gạo thế giới, mà vẫn phải đứng bên lề, người ta tôn vinh họ trên một rẻo đường Nguyễn Huệ phồn hoa.

Cho đến 2016 này. Sự tôn vinh đó không còn cần thiết nữa ít nhất là đối với họ, những người nông dân. Những ao bùn giả tạo, mảnh đất với mấy gốc mạ tượng trưng cũng biến mất. Cái tâm thức rơm rạ, nỗi ám ảnh nợ nần cũng không còn lý do tồn tại để giải thích cho mấy cái xuồng treo trên cao, mấy bó tre ghép, mấy miếng ván thùng gỗ thông ghép và căn nhà chòi chẳng biết để làm gì.

Lời giải cho sự tồn tại còn sót lại của những vật trang trí lạc loài đó trong không gian của những Lucky Plaza, Sun Wah Tower, tháp chọc trời Bitexco... chỉ có thể là sự tắc tị cảm hứng sáng tạo.

Đó mới là cái đáng sợ đối với một Sài Gòn có bề dày lịch sử tự thân vận động để thành một đô thị văn minh, một không gian kinh tế của cả Đông Nam Á.

Với ngôn ngữ tả chân, có thể phác họa bức tranh Đường hoa Nguyễn Huệ 2016 bằng những hình ảnh sau đây: Sự lắp ghép vài chục loại hoa rẻ tiền để tạo nên những thảm sắc màu diêm dúa, tất cả không làm giàu thêm thẩm mỹ của ai. Không gian chỉ còn là bức họa hai chiều đơn điệu bán ở lề đường, chiều sâu ý tưởng, tư duy và chiều không gian hiện đại không tăm không tích.

Đơn giản, người ta chỉ tạo ra những tiểu cảnh lổn nhổn trên một con đường cấm xe chạy để... chụp hình, để mấy em làm duyên uốn éo và mấy bà cưa sừng làm nghé tưởng mình còn độ tuổi 20.

Tôi đến Jardin des Plantes nhiều lần, cũng là những cây, hoa, lá, cỏ nhưng nó được kết cấu bởi một không gian kiến trúc cảnh quan thừa hưởng tinh túy mang ý nghĩa nghệ thuật vĩnh cửu của người xây dựng vườn Versailles, Vaux-Le-Vicomte, Chantilly..., KTS André Le Nôtre. Một không gian làm giàu tri thức cộng đồng về trái đất, môi trường, sinh học cây, cỏ, lá, hoa. Từng loại cây, loài hoa được tuyển chọn, chắt lọc, sắp xếp phân bố với chú thích rõ ràng và ngắn gọn về chủng loài, thổ nhưỡng... Nếu không nói là kỳ hoa dị thảo thì cũng có thể coi đây là những thảm hoa được lựa chọn có chủ đề, có trí tuệ. Chưa nói đến cây, và, mỗi năm mỗi đổi, dù ít hay nhiều.

Tôi đã đến nhiều triển lãm cộng đồng hoa cỏ mùa xuân ở nhiều thành phố được vinh danh là thành phố rực hoa, họ không bó cái đầu họ trong hoài vọng xưa, trong ký ức cổ, trong tâm thức nông thôn thời hoang sơ. Họ gắn cái đẹp xưa với nghệ thuật sử dụng ánh sáng tân kỳ, liên kết hoa lá muôn đời với sắc màu hiện đại, gắn quá khứ với tương lai. Mỗi hội hoa này là một không gian của con người hôm nay chớ không phải của hôm qua, với môi trường sống, môi trường xanh và tri thức về trái đất.

Nói dài thành nói dở. Xin kết: Nếu không có những sáng tạo như của Trương Nghệ Mưu ở Olympique Bắc Kinh năm nào, ít ra cũng nên có cuộc thi tuyển tổng đạo diễn với ý tưởng, triết lý và tiêu chí rõ ràng. Nên có sự tuyển chọn hoa, cây, kiểng trên cơ sở khoa học và nghệ thuật.

Đường hoa Nguyễn Huệ như thế mới giữ được đặc sắc của mình và mới phản ánh được hồn Sài Gòn, hồn đô thị năng động, phản ánh cái không-thời gian tam bách dư niên truyền thống, gắn kết và làm giàu cuộc sống hiện đại

Thẩm Tuyên/Pháp Luật TPHCM