Vĩnh Phúc: Có hay không việc Ngân hàng BIDV Vĩnh Tường làm sai quy trình?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 04/08/2015

(TN&MT) - Hộ gia đình ông Lê Văn Lực (trú tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có đơn thư phản ánh về việc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Vĩnh Phúc – Phòng giao dịch (PGD) Vĩnh Tường (viết tắt là BIDV Vĩnh Tường) cấu kết với công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng Vĩnh Tường cố ý làm sai lệch hồ sơ vay vốn để “bẫy” khách hàng. Sự việc chỉ bị phát hiện khi các bên đưa nhau ra tòa.

Bị đơn chưa kịp ra tòa thì đã… chết

Theo trình bày của ông Lực, gia đình ông có quan hệ anh em với gia đình ông Lê Văn Tròn (trú tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Do cần vốn làm ăn nên năm 2012, ông Tròn nhờ gia đình ông đứng ra thế chấp 2 Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để bảo lãnh cho khoản vay của ông Tròn với BIDV Vĩnh Tường. Toàn bộ quá trình thẩm định tài sản cho đến khi lập giao kết hợp đồng, ông Lực chỉ biết ký xác nhận, không hề nhận bất kỳ một đồng nào từ phía BIDV Vĩnh Tường. Sau đó hơn một năm, ngày 24/6/2013, hai bên thống nhất ký kết Văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp bất động sản để nâng giá trị tài sản thế chấp lên gần 3 tỷ đồng. Bên thế chấp sẽ chịu toàn bộ các chi phí trong quá trình công chứng.

 

Trụ sở Văn phòng công chứng Vĩnh Tường
Trụ sở Văn phòng công chứng Vĩnh Tường

Ngày 8/7/2014, ông Tròn được BIDV Vĩnh Tường ký kết hợp đồng tín dụng với hạn mức cho vay là 2,4 tỷ đồng (trong đó có 1.584 tỷ là nợ cũ quá hạn). Mục đích sử dụng tiền vay là kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng, thời hạn cho vay là 12 tháng. Khoản vay trên được đảm bảo bằng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên hộ gia đình ông Lê Văn Tròn (1 GCNQSDĐ); vợ chồng ông Lê Văn Lực và bà Nguyễn Thị Duyên (2 GCNQSDĐ).

Do không trả được nợ nên ngày 24/9/2014, ông Tròn đã bán thửa đất đã thế chấp cho ngân hàng để trả một phần nợ gốc là 816 triệu đồng cùng một phần tiền lãi. Số nợ gốc và lãi còn lại, ông Tròn chưa kịp trả thì bị bệnh và mất đột ngột nên ngân hàng mới tiến hành khởi kiện vợ chồng ông Tròn ra Tòa án nhằm thu hồi khoản vay.

Chưa tuân thủ quy chế  cho vay, BIDV Vĩnh Phúc  chỉ bị “rút kinh nghiệm”

Ngày 9/7/2015, TAND huyện Vĩnh Tường mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng BIDV Việt Nam (ủy quyền lại cho BIDV chi nhánh Vĩnh Phúc) với bị đơn là ông Lê Văn Tròn (đã chết) và vợ là Trần Thị Bích Vân. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là ông Lê Văn Lực và bà Nguyễn Thị Duyên.

Tại phiên tòa, bà Trần Thị Bích Vân trình bày: Khi ông Tròn còn sống đã đứng ra vay tiền với ngân hàng BIDV, sau đó đã trả và lại vay tiếp. Ngày 08/7/2014, vợ chồng bà có ký hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐ vay tiền tại BIDV Vĩnh Tường là 2,4 tỷ đồng nhưng không phải để kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng như trong hợp đồng đã ký kết.

Thế nhưng khi cán bộ ngân hàng đi thực tế thẩm định tại địa phương về lại không hề có ý kiến gì. Trong khi đó, theo điểm a, b khoản 4 Điều 10 của Hợp đồng tín dụng, với việc vay tiền sử dụng không đúng mục đích thì Ngân hàng phải đình chỉ cho vay và thu hồi nợ trước thời hạn.

 

Ngân hàng BIDV, chi nhánh Vĩnh Phúc -Phòng giao dịch Vĩnh Tường
Ngân hàng BIDV, chi nhánh Vĩnh Phúc -Phòng giao dịch Vĩnh Tường

Còn ông Lê Văn Lực, người đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của ông Tròn cho biết: “Vì có mối quan hệ họ hàng thân thiết lại chơi với nhau từ nhỏ nên khi chú Tròn nhờ tôi đi thế chấp đất và nhà cho BIDV Vĩnh Tường để bảo lãnh cho chú ấy vay tiền tôi đã đồng ý. Sau này, khi nhận được các thông báo của BIDV Vĩnh Phúc về việc xử lý tài sản thế chấp của tôi tại ngân hàng vì chú Tròn chết không trả được nợ, tôi mới biết số tiền chú Tròn vay là rất nhiều trong khi tôi không hề biết”.

Tại phiên tòa, tôi đã chỉ rõ những sai sót về mặt quy trình, thủ tục khi vay vốn của BIDV Vĩnh Tường. Từ khâu đi thẩm định tài sản, phương án kinh doanh cho tới nhân thân của vợ chồng chú ấy đều có vấn đề. Bên cạnh đó, việc công chứng không hề có mặt của công chứng viên, không diễn ra tại Văn phòng công chứng, không có phiếu yêu cầu và tôi cũng không đóng lệ phí công chứng là vi phạm Luật công chứng. Nghiêm trọng nhất là một số trang trong hợp đồng thế chấp và văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp không có chữ ký của vợ chồng tôi lại chỉ bị Tòa án yêu cầu Văn phòng công chứng Vĩnh Tường nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Khi được hỏi về việc này, bà Phạm Thị Lệ Cần – Giám đốc BIDV chi nhánh Vĩnh Phúc thừa nhận quy trình, thủ tục cho vay vốn tại BIDV Vĩnh Tường đối với khách hàng là ông Lê Văn Tròn có những sai sót về mặt nghiệp vụ nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ việc. Phóng viên đề nghị bà Cần cung cấp hồ sơ để chứng minh thì bà Cần sau khi xin ý kiến chỉ đạo đã… từ chối cung cấp. Tại Văn phòng công chứng Vĩnh Tường, ông Nguyễn Văn Dần - Trưởng văn phòng xác nhận: “Việc thiếu chữ ký của vợ chồng ông Lực, bà Duyên tại một số trang của Hợp đồng thế chấp bất động sản và Văn bản sửa đổi Hợp đồng này chỉ là những sai sót về mặt hành chính, không ảnh hưởng tới bản chất của sự việc, không phải lỗi nghiêm trọng".

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 9/7/2015, TAND huyện Vĩnh Tường đã kết luận: Mặc dù vợ chồng ông Tròn, bà Vân đã cung cấp thông tin sai sự thật nhưng trong quá trình thẩm định, ngân hàng cũng chưa tuân thủ các quy định trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, Tòa sơ thẩm yêu cầu BIDV Vĩnh Phúc… rút kinh nghiệm. Đối với Văn phòng công chứng Vĩnh Tường, Tòa sơ thẩm nhận thấy do chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi công chứng nên yêu cầu Văn phòng này nghiêm túc… rút kinh nghiệm.

Cuối cùng, Tòa sơ thẩm quyết định bà Vân (vợ ông Tròn) cùng các con phải có trách nhiệm trả nợ cho BIDV Vĩnh Phúc; không chấp nhận yêu cầu độc lập của gia đình ông Lê Văn Lực về việc yêu cầu tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng thế chấp và văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp giữa vợ chồng ông và BIDV Vĩnh Phúc. Kết thúc phiên xét xử, vợ chồng ông Lực làm đơn kháng cáo; BIDV Vĩnh Phúc làm đơn kiến nghị về một số nội dung trong bản án.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có tình tiết mới.

Mạnh Hưng