Chính quyền huyện Thanh Hà thờ ơ với cơ sở vi phạm môi trường

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 04/06/2015

(TN&MT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xóm 7, thôn Quan Khê, xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương) đang phải sống chung với ô nhiễm từ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản của gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh. Người dân địa phương đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần song không được giải quyết.          

Người dân thôn Quan Khê cho biết, thời điểm mùa vụ, cơ sở sản xuất chế biến nông sản của gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh thu mua hành củ của cả thôn và khu vực lân cận để chế biến hành sấy, ngoài ra còn thu mua hành tây, khoai tây không có xuất xứ  rõ ràng để chế biến hành phi. Theo người dân, chính nước rửa hành tây, khoai tây và mỡ tái chế nhiều lần thải trực tiếp ra môi trường gây mùi hôi thối nồng nặc từ nhiều năm nay.

Ông Bùi Gia Vượng (xóm 7, thôn Quan khê) bức xúc: Mấy năm nay gia đình anh Cảnh sản xuất hành phi bơm nước thải trực tiếp ra cống thoát nước của cả thôn. Nhà tôi lại gần đó, mùi hôi thối bốc lên xộc thẳng vào nhà, không thể nào chịu nổi.

Người dân thôn Quan Khê cho biết thêm: Trước kia gia đình anh Cảnh xả nước liên tục ra cánh đồng lúa của xã Hồng Lạc, khiến lúa, mạ chết hết. Sau khi chính quyền xã Hồng Lạc yêu cầu không được xả nước để tránh gây hại cho hoa màu, gia đình anh Cảnh đã xây một đường ống dẫn nước thải xả ra mương thoát nước của xã, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khu vực chế biến                không đảm bảo vệ sinh
Khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh

Ông Phạm Đắc Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng thừa nhận, cách đây hai năm cơ sở sản xuất kinh doanh của gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh có gây ô nhiễm môi trường. Hai năm về đây, cán bộ xã nhiều lần xuống hướng dẫn hộ gia đình anh Cảnh các biện pháp xử lí nước thải nên tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện nhiều, hầu như không còn mùi khó chịu. Năm 2014, toàn xã có hai hộ được bầu là hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong đó có hộ anh Nguyễn Văn Cảnh.

Khi tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Cảnh, anh Cảnh cho biết mình có giấy phép kinh doanh từ năm 2009 do ông Lê Đức Trình, Phó Trưởng phòng Tài chính kế hoạch của huyện Thanh Hà ký, nhưng không có giấy phép đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các chứng từ xác minh nguồn gốc nguyên liệu (mỡ, hành tây, khoai tây) và không có giấy tờ nào về cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Về vi phạm về môi trường của hộ kinh doanh này, ông  Trần Văn Hanh, chuyên viên môi trường phòng Địa chính xây dựng cho biết: Ngày 19/5/2015, xã có mời anh Nguyễn Văn Cảnh lên làm biên bản cam kết, nếu tiếp tục hoạt động phải có biện pháp xử lí rác thải và không được xả trực tiếp nước thải ra mương mà phải qua xử lí trước khi xả.

Sau khi có ý kiến của Phòng, anh Nguyễn Văn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản cho biết gia đình anh đã đầu tư xây dựng bốn bể chứa nước thải tổng hơn 10 khối nước. Nước đầy tự tràn ra ngoài là nước sạch, còn rác và cặn đọng lại dưới đáy bể, vài tháng gia đình thuê người đến hút chở đi một lần nên gần như không còn mùi. Tuy nói là vậy, song trên thực tế nước thải từ cơ sở này thải ra môi trường vẫn ô nhiễm nghiêm trọng làm bà con xung quanh không thể có cuộc sống bình thường.

Nhiều hộ dân ở xóm 7, thôn Quan Khê nhiều lần kiến nghị lên UBND xã nhưng đến nay tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Dân nói ô nhiễm, chính quyền xã nói không. Liệu có hay không chính quyền xã đang làm ngơ để cơ sở tiếp tục hoạt động, khiến dân phải chịu ô nhiễm?

Vũ Vân