TP.Thanh Hóa: Cơ sở chế biến lâm sản "bị tố" gây ô nhiễm môi trường

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 27/01/2015

(TN&MT) - Ô nhiễm từ khói bụi, tiếng ồn là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua của hàng trăm hộ dân sống ở thôn 8 xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa).
(TN&MT) - Ô nhiễm từ khói bụi, tiếng ồn là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua của hàng trăm hộ dân sống ở thôn 8 xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa). Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cơ sở chế biến lâm sản Dương Văn Tuấn đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân nơi đây.
   
  Chị Lê Thị Lan, sống gần cơ sở chế biến lâm sản Dương Văn Tuấn bức xúc nói: “Nhà chúng tôi luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm vì khói bụi từ cơ sở chế biến lâm sản này, bởi họ hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Không những bụi mà mùi hôi thối bốc lên từ nguyên liệu phế thải lâm sản họ đem về bay nồng nặc vào nhà chúng tôi không tài nào chịu nổi. Trồng rau màu thì thất thu vì bụi phủ một lớp trắng không phát triển được, bị teo ngọn và chết hết. Trước thực trạng trên chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan cấp trên nhưng không thấy hồi âm”.
   
   
Khói đen ngòm từ lò đốt bay mù mịt khắp làng xóm
   
  Nhiều hộ dân ở thôn 8, xã Thiệu Dương bức xúc cho biết: “Cứ vào thời điểm chiều tối và sáng sớm là họ lại xả khói từ lò đốt bằng than gây bụi, khói đen ngòm, bốc mùi khét lẹt bay thẳng vào nhà khiến chúng tôi không tài nào ngủ được dẫn đến sức khỏe của mọi người sa sút nghiêm trọng. Trước đây khi chưa có cơ sở chế biến lâm sản này thì môi trường ở đây luôn sạch sẽ, từ khi cơ sở này hoạt động gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi và các con cháu thường xuyên bị ho, vêm phổi, viêm xoang, đau đầu…Đặc biệt nguồn nguyên liệu chế biến của cơ sở đổ vương vãi khắp nơi ra cả ngoài đường, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Trời nắng thì bụi bay mù mịt khắp cả làng xóm, trời mưa thì nước chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường”.
   
   
Không có nhà kho chứa nguyên vật liệu đổ tràn lan khắp sân
   
  Qua tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, cơ sở chế biến lâm sản Dương Văn Tuấn có diện tích hơn 4.000m2, được UBND huyện Thiệu  Hóa (trước đây xã Thiệu Dương thuộc UBND huyện Thiệu Hóa) cho thuê 50 năm (từ năm 2010 đến năm 2060) với mục đích xây dựng xưởng sản xuất Cót ép và xưởng mộc dân dụng tại xã Thiệu Dương. Nguyên liệu chế biến của cơ sở đều là chất thải của các công ty chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh cung cấp, mỗi tháng từ 5 đến 7 chục tấn. Chế biến ra tăm, hương và củi ép. Điều lạ lùng, trong suốt thời gian dài cơ sở chế biến này không hề thực hiện cam kết bảo vệ môi trường cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện giám sát môi trường hàng năm theo quy định, chưa có biện pháp xử lý khói bụi của lò đốt, chưa đăng ký xả ra môi trường. Nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, mà không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.
   
   
Rác luồng, rác thải sinh hoạt, bao bì vứt bừa bãi
   
  Theo quan sát của PV tại phân xưởng sản xuất, tất cả công nhân đều không hề có thiết bị bảo hộ lao động. Không có nhà kho để chứa nguyên liệu. Vì vậy, khu vực ngoài sân nguyên vật liệu, mùn cưa, rác luồng, rác thải sinh hoạt, bao bì vứt tràn lan khắp nơi, bụi thì bay mù mịt.
   
  Ông Dương Văn Trường, người quản lý cơ sở chế biến lâm sản cho biết: “Cơ sở trước đây là kinh doanh mặt hàng khác, mới được hơn một năm nay là làm tăm, hương và củi ép. Lò sấy của cơ sở có khói bụi như nhân dân phản ánh là không phải, bởi lò sấy của chúng tôi cao hơn 10m, sấy trong lòng quay bay ra là hơi nước chứ không phải khói. Còn khói bụi từ nguyên liệu chế biến là có nhưng không đáng kể. Cảnh sát môi trường tỉnh cũng đã đi kiểm tra và nhắc nhở. Về cam kết bảo vệ môi trường và xả khí thải thì chúng tôi đang tiến hành làm?”
   
   
Tại phân xưởng chế biến bụi bay mù mịt
   
  Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa) cho biết: “Tình trạng ô nhiễm tại cơ sở chế biến lâm sản này đã nhiều năm nay, bà con nhân dân phản ánh là có thật. Tất cả các hoạt động kinh doanh của cơ sở đều không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã giao cho cán bộ địa chính đi kiểm tra và nhắc nhở thường xuyên nhưng vẫn không cải thiện được gì về vấn đề môi trường. UBND xã đã báo cáo lên Thành phố và có đoàn về kiểm tra cũng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt. Đến nay tình trạng ô nhiễm của cơ sở chế biến này vẫn không chuyến biến được gì”.
   
  Trước tình trạng cơ sở chế biến lâm sản né tránh trách nhiệm, nghĩa vụ với môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm làm rõ những đơn vị tập thể, cá nhân dẫn đến thực trạng trên, trả lại môi trường trong sạch để nhân dân khỏi hoang mang lo sợ để ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
   
                         Bài & ảnh: Thu Thủy