Đắk Lắk: Dân “tố” thuốc diệt cỏ gây chết tiêu

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 09/10/2014

(TN&MT) - Hiện nay, các loạt vật tư nông nghiệp như thuốc BVTV, phân bón… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dường như bị mất kiểm soát...
   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Ngọc (ở thôn 2, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh việc đại lý và nhà phân phối thuốc diệt cỏ ROUNDUP tư vấn cho ông sử dụng thuốc này trên vườn tiêu gây ra hiện tượng tiêu vàng lá rồi chết. Trong khi đó, trên nhãn mác của sản phẩm này không hề khuyến cáo sử dụng trên vườn tiêu.
   
Ông Ngọc cho rằng tiêu chết là do bị ảnh hưởng từ thuốc diệt cỏ ROUNDUP
    
   
Tiêu chết hàng loạt
   
  Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, gia đình ông có gần 4.000 trụ tiêu hơn 10 năm tuổi trên diện tích 2,5ha đất tại thôn 2 (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo). Nhiều năm nay, ông mua thuốc diệt cỏ lưu dẫn hiệu ROUNDUP (sản xuất bởi MOSANTO, do Công ty CP Nông dược H.A.I phân phối) từ Đại lý thuốc bảo vệ thực vật Văn Hường (gọi tắt là đại lý Văn Hường, ở đường Võ Văn Kiệt, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) về diệt cỏ trên đất trồng cao su và khai hoang. Được chủ đại lý tư vấn có thể sử dụng thuốc này để diệt cỏ trên vườn tiêu nên tháng 8/2013, ông Ngọc bắt đầu phun thuốc đợt 1 trên diện tích tiêu nhà mình mà không có hiện tượng gì. Đến tháng 11/2013, ông Ngọc tiếp tục phun thuốc lần 2 và sau đó phát hiện nhiều trụ tiêu có dấu hiệu vàng lá và chết dần. Hiện tại, vườn tiêu nhà ông Ngọc đã có trên 700 trụ tiêu chết hẳn và nhiều trụ khác đang chết dần.
   
  Tại vườn tiêu của gia đình ông Ngọc, ngoài những trụ tiêu chết đã được nhổ đi, còn khá nhiều trụ đang chết dần. Biểu hiện đầu tiên lá vàng toàn bộ, sau đó khô dần. Các trụ tiêu đã và đang chết thường tập trung thành từng đám, nhỏ thì vài trụ, lớn thì hàng chục trụ, cũng có chỗ trụ thì chết khô trụ bên cạnh thì xanh tốt. Bằng kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm, ông Ngọc nhận định: “Nếu bị bệnh, toàn bộ thân và lá của cây tiêu sẽ héo rất nhanh và chết hàng loạt trong vòng vài ngày. Thế nhưng, thân các cây tiêu này vẫn còn tươi, lá vàng, rụng dần là do bị ngộ độc thuốc cỏ, phần rễ bị tổn thương gây chết tiêu”.
   
   
  Sau khi vườn tiêu chết hàng loạt, ông Ngọc đã phản ánh với chủ đại lý bán thuốc, đơn vị phân phối và Hội nông dân xã Ea H’leo (huyện Ea H”leo). Tháng 6/2014, đại diện Công ty CP Nông dược H.A.I và đại lý Văn Hường đã xuống vườn tiêu của ông Ngọc để tiến hành phun đối chứng trên 4 cây tiêu. Ông Nguyễn Mậu An – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea H’leo, cho biết: “Khi 2 đơn vị này đưa người về vườn tiêu của ông Ngọc tiến hành phun thuốc đối chứng, ông Ngọc có mời ông đến chứng kiến. Trước khi phun, cả 4 cây tiêu được thử nghiệm đang xanh tốt nhưng hiện tại đều đã chết. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác định nguyên nhân gây chết tiên để người dân trong vùng bớt lo lắng và biết cách xử lý trên vườn tiêu”.
   
   
Trách nhiệm thuộc về ai?
   
  Mặc dù trên bao bì chai thuốc diệt cỏ lưu dẫn hiệu ROUNDUP không khuyến cáo phun thuốc này trên vườn tiêu nhưng ông Ngọc vẫn sử dụng vì cho rằng ông Nguyễn Viết Thu (chủ đại lý Văn Hường) đã hướng dẫn. Trong “Giấy xác nhận” do ông Nguyễn Viết Thu ký vào ngày 3/9/2014, ông Thu thừa nhận có tư vấn cho ông Ngọc sử dụng thuốc ROUNDUP trên vườn tiêu sau khi tham khảo ý kiến của nhà phân phối vào thời điểm ông Ngọc hỏi ý kiến (tháng 8/2013).
   
  Thế nhưng, tại buổi làm việc với PV, ông Thu lại cho rằng mình không hề có trách nhiệm trong vấn đề này. Ông Thu cho hay: “Khi ông Ngọc hỏi tôi có sử dụng thuốc này được ở trên vườn tiêu không thì tôi đã gọi điện cho ông Nguyễn Văn Thinh (Giám đốc Chi nhánh tại Đắk Lắk, Công ty CP Nông dược H.A.I) để tham khảo. Được ông Thinh trả lời là có thể sử dụng được nên tôi nói lại với ông Ngọc như vậy. Tôi chỉ là người bán thuốc, không phải là người sản xuất thuốc nên mọi vấn đề liên quan thì Công ty H.A.I phải chịu trách nhiệm”. Thế nhưng, khi PV hỏi ông Thu rằng “sao ông lại làm giấy xác nhận với nội dung như vậy” thì ông Thu cương quyết: “Giấy đó chỉ có nội dung xác nhận ông Ngọc có mua hàng của tôi chứ chưa là gì cả. Tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều người, nếu ông Ngọc thưa kiện tôi, tôi sẵn sàng đi hầu!”
   
   
  Theo ông Nguyễn Văn Thinh, vào tháng 4/2014, Công ty CP Nông dược H.A.I bắt đầu mở chi nhánh tại Đắk Lắk và ông được bổ nhiệm làm Giám đốc. Trước thời điểm trên, ông chưa từng liên hệ gì với ông Thu (chủ đại lý Văn Hường). Bên cạnh đó, theo nguyên lý, thuốc diệt cỏ có chứa chất lưu dẫn (nguồn gốc Glyphosate) khi phun vào phần lá của cây sẽ ngấm qua thân xuống rễ, làm chết bộ rễ sau đó chết dần lên thân. Trên bao bì của sản phẩm không khuyến cáo và ông cũng chưa thấy ai sử dụng thuốc này để diệt cỏ trên vườn tiêu vì tiêu là loại cây rễ bám, tầng phát triển khá nông. Ông Thinh cho hay: “Khoảng tháng 5/2014, ông Thu gọi điện cho tôi hỏi về việc sử dụng thuốc ROUNDUP trên vườn tiêu có được không thì tôi nói nếu phun đúng kỹ thuật (phun cách gốc tiêu khoảng 1m và sử dụng mũ chụp vòi phun để tránh thuốc bay vào tiêu – PV) thì không bị ảnh hưởng gì. Còn sự việc trước đó ai tư vấn, tư vấn như thế nào và trách nhiệm ra sao thì công ty không có liên quan”. Thế nhưng, khi PV hỏi ông Thinh có hướng dẫn người sử dụng cách phun cụ thể như trên không thì ông Thinh cho rằng “việc này đại lý và người dân tự biết”?
   
   
  Về việc phun đối chứng vào tháng 6/2014, ông Thinh cho rằng khi đó, ông được ông Thu báo việc ông Ngọc sử dụng thuốc do công ty phân phối gây chết tiêu nên đã cử người xuống phun cho họ thấy. Việc phun thuốc này do công ty và ông Ngọc tự thỏa thuận chứ không phải là công ty tự động “thử nghiệm” thuốc. “Sau khi xuống và thấy vườn tiêu chết khá nhiều, công ty đã trao đổi với ông Thu và định hỗ trợ chút ít kinh phí giúp ông Ngọc mua phân bón khôi phục lại vườn tiêu. Tuy nhiên, nếu ông Ngọc cương quyết làm rõ vấn đề này và các cơ quan ban ngành vào cuộc thì đương nhiên công ty sẽ không hỗ trợ gì hết” – ông Thinh cho hay.
   
   
  Hiện nay, các loạt vật tư nông nghiệp như thuốc BVTV, phân bón… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dường như bị mất kiểm soát. Các đại lý thì tư vấn quá mức để bán được thuốc còn người mua thì không nắm rõ tác dụng nên sử dụng vô tội vạ, gây những thiệt hại đáng tiếc. Trong lúc đợi các cơ quan chức năng vào cuộc thì người nông dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với nguy cơ sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ kẽ hở lớn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng./.
   
Bài & ảnh: Lê Phước