Lạng Sơn: Giám đốc Sở nói gì về dự án trăm tỷ bỏ hoang nhiều năm?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:50, 04/10/2018

(TN&MT) - Ngày 01/10/2018 Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng bài viết về Dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn có tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ LĐ - TB &XH. Dự án do Sở LĐ – TB &XH tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, khởi công năm 2010 và đã hoàn thành vào năm 2014.
Ảnh 2 Hạng mục xg cấp
Do chưa được đưa vào sử dụng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp
 

Tuy nhiên do thiếu kinh phí mua sắm gói thiết bị trị giá hơn 4 tỷ và nguồn nước phục vụ sinh hoạt 1,5 tỷ nên từ đó đến nay công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng khiến nhiều hạng mục xuống cấp. Trong quá trình xây dựng, việc thiết kế công năng của các tòa nhà cũng không phù hợp với đặc thù cơ sở cai nghiện ma túy.

Dừng gói thiết bị là do cơ chế

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, mặc dù mới về Sở (ông Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm Giám đốc Sở ngày 01/10/2018 thay ông Nông Thanh Bình nghỉ hưu. Trước đó ông Tuấn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.Lạng Sơn - PV) nhưng ông rất quan tâm đến dự án này bởi bản thân cũng là đại biểu HĐND, trách nhiệm rất lớn. Ông cũng đã nắm được và khẳng định dự án bỏ hoang do chưa được đầu tư trang thiết bị là chính xác.

Ông Tuấn cho biết, vào thời điểm năm 2013, theo Nghị định 221, ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định, sau khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép thì các cơ quan chức năng tổ chức lập thủ tục hồ sơ tại địa phương. Trong thời gian này người nghiện được giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội tại địa phương quản lý trong thời gian chờ lập hồ sơ. Công tác lập hồ sơ về thủ tục hành chính qua rất nhiều cơ quan chức năng thực hiện, thời gian kéo dài. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ cho việc lập hồ sơ và quản lý người nghiện. Sau khi hoàn thiện hồ sơ người nghiện thì phải thông báo quyết định xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho người nghiện và thân nhân của người nghiện, hầu hết sau khi người nghiện nhận được quyết định đều bỏ trốn nên ảnh hưởng đến việc triệu tập người nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do vậy đã tạm dừng gói thiết bị trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Đối với nguồn nước phục vụ sinh hoạt, hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn đang sử dụng được bơm ở 2 giếng thẩm thấu từ nước suối. Tuy nhiên sau quá trình sử dụng, bùn, cặn bẩn lắng vì vậy nước thẩm thấu vào giếng rất ít, không đủ cung cấp cho sinh hoạt của học viên mặc dù đã tiến hành nạo vét. Cơ sở đã đề nghị Công ty CP cấp thoát nước Lạng Sơn cung cấp nước sạch cho Cơ sở. Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy phương án này không khả thi do Cơ sở cách xa trạm cấp nước của Công ty 15 km, kinh phí đầu tư lớn (khoảng 5 tỷ), quá trình cung cấp nước không đảm bảo thường xuyên, liên tục do lực đẩy của máy bơm không đáp ứng được. Để đảm bảo cung cấp nước sạch cho Cơ sở ổn định, Công ty CP cấp thoát nước Lạng Sơn đã tư vấn và đề nghị Cơ sở xem xét, đầu tư xây dựng trạm xử lý nước sạch tại chỗ để tận dụng nguồn nước mặt hiện có. Sau khi khảo sát, Công ty CP cấp thoát nước Lạng Sơn đã lập khái toán trạm xử lý nước sạch tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn với tổng khái toán khoảng 1,5 tỷ.

Ảnh 3 Hạng mục xuống cấp
Do chưa được đưa vào sử dụng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp
 

Liên quan đến việc thiết kế công năng của cơ sở mới không phù hợp với đặc thù cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt là hệ thống cửa sổ bằng kính, khung nhôm, ông Nguyễn Quang Tuấn thẳng thắn cho rằng, những bất cập này rất dễ phát hiện, tuy nhiên trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã phó mặc cho đơn vị tư vấn và nhà thầu. Ông Tuấn khẳng định, việc này chắc chắn sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm.

Sẽ sớm thống nhất giải pháp để đưa công trình vào vận hành

Về giải pháp, theo ông Nguyễn Quang Tuấn hiện Sở đề ra 2 giải pháp. Thứ nhất là sẽ cho doanh nghiệp thuê để khai thác, sử dụng nhằm tận dụng hạ tầng sẵn có. Thứ hai là tiếp tục đầu tư để đưa công trình vào sử dụng, phục vụ cho hoạt động cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Còn lựa chọn giải pháp nào Sở sẽ khẩn trương chủ trì và mời các ngành liên quan đến họp bàn, khảo sát, đánh giá, thống nhất sau đó xin ý kiến UBND tỉnh.

Tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng không phải là hiếm ở Lạng Sơn. Dư luận chắc hẳn chưa quên câu chuyện Trạm chống buôn lậu của tỉnh này có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng đặt “nhầm chỗ” ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, sau đó “lột xác” thành trụ sở UBND xã này.