Thanh tra vụ phá rừng ở Khu du lịch Tam Đảo: Chặt phá không vi phạm pháp luật

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:21, 18/08/2018

(TN&MT) - Dự án của nhà nước trồng rừng thông 327 ở Tam Đảo bắt đầu từ năm 1998 nhưng chỉ 8 năm kết thúc và các hộ dân đã chặt luôn để trồng su su. Thanh tra...
(TN&MT) - Dự án của nhà nước trồng rừng thông 327 ở Tam Đảo bắt đầu từ năm 1998 nhưng chỉ 8 năm sau kết thúc và các hộ dân đã chặt để trồng su su. Thanh tra Vĩnh Phúc kết luận đây là đất của chính các hộ dân nên việc chặt phá không vi phạm pháp luật.

Sau nhiều lần liên hệ với chính quyền tại tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi mới nhận được Kết luận thanh tra của tỉnh về vụ phá rừng thông 327 ở Khu du lịch Tam Đảo. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, việc chặt phá một số cây thông để trồng cây su su trên núi Tam Đảo như báo chí phản ánh là có thật nhưng không đúng bản chất. Thanh tra tỉnh cho rằng, việc chặt phá này không vi phạm pháp luật, tuy đây là những cây thông thuộc dự án trồng rừng 327 nhưng nằm trên đất của chính các hộ gia đình.

Kết luận nêu rõ việc chặt phá nằm trong khu vực hơn 2ha đất gồm: hơn 0,3 ha đất của 4 hộ dân đã được nhà nước cấp giấy CNQSD đất là đất ở, trồng cây lâu năm; hơn 1,7ha của 8 hộ dân khai hoang từ trước năm 1988 có mục đích sử dụng là đất màu đồi và trồng cây hằng năm. Đất này không nằm trong đất lâm nghiệp của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. 
1 32
Rừng thông bị phá để trồng su su

Kết luận cũng xác nhận, hơn 2ha đất nói trên không nằm trong đất lâm nghiệp nhưng vẫn được đưa vào dự án 8ha rừng thông 327 thực hiện từ năm 1998. Năm Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Tam Đảo ký hợp đồng chăm sóc cây với các hộ dân ở thị trấn Tam Đảo do ông Trần Quang Thà (hiện là Phó Chủ tịch thị trấn) đại diện ký hợp đồng. Mặc dù là đất của mình nhưng khi triển khai dự án rừng 327, nhiều hộ dân vẫn kê khai đưa đất này vào dự án trồng rừng. Tuy nhiên trong số này, một số hộ không tham gia dự án.

Cũng theo Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2006, dự án trồng rừng 327 kết thúc. Nghĩa là dự án trồng thông phủ xanh đất trống đồi trọc chỉ kéo dài khoảng 8 năm. Sau 8 năm, các hộ dân này đã chặt, đốt phá các cây thông của nhà nước đầu tư thuê trồng cách đó ít năm để trồng su su.

Ngoài ra, Thanh tra cũng nói rõ trong 8ha rừng dự án 327, có 5ha là khu Đồi Gốc Sến. Trong quá trình mở rộng quốc lộ 2B lấy mất 0,9ha nên giờ còn lại 4,1ha rừng vẫn nguyên vẹn. 3ha còn lại có khoảng 1,1ha đã bị lấy để làm đường bê tông khu đền Trần. Phần đất còn lại là của các hộ dân như nói ở trên.
images2008297 images1996499 images1989466 21198454 1407702892612683 280344772 o
Dự án rừng thông của nhà nước đầu tư biến thành những vườn su su sau thời gian ngắn

Kết luận thanh tra còn nói đến sự nhầm lẫn ranh giới của hơn 1,6ha trong hơn 2h nói trên giữa thị trấn Tam Đảo và Tam Quan. Năm 2000, các cơ quan chuyên môn đã nhầm lẫn đưa phần đất này về xã Tam Quan. Phần đất này còn từng được đưa vào quy hoạch vào Vườn Quốc gia Tam Đảo. Sau khi phát hiện, các địa phương thống nhất lập hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét cho điều chỉnh lại cho phần đất này về thị trấn Tam Đảo và thuộc quyền sử dụng của các hộ dân.

Trước đó, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có loạt bài phản ánh về việc, người dân kêu cứu vì rừng thông 327 tại thị trấn Tam Đảo bị tàn phá, trong đó có sự tiếp tay của lãnh đạo thị trấn. Sự việc diễn ra đã nhiều năm, người dân nhiều lần phản ánh lên trên nhưng chính quyền huyện Tam Đảo vẫn không không xử lý.

Theo phản ánh, 8ha rừng thông 327 ở Tam Đảo được trồng từ năm 1998. Tuy nhiên từ năm 2004 đến nay, nhiều hộ dân đã chặt phá rừng thông 327 và biến thành vườn trồng su su. Một số hộ dân xây cả nhà ở đây. 

Trả lời PV, ông Trần Quang Thà (Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tam Đảo), người trực tiếp ký hợp đồng trồng thông với dân, thừa nhận rừng 327 bị người dân chặt phá. Ông Thà cho rằng, rừng thông bị mất một phần vì mưa bão, phần vì làm đường, một phần nhỏ là người dân lấn chiếm.

Trong một văn bản trả lời người dân, ông Đỗ Văn Chúc (Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, nay là Phó Bí thư thị trấn) tuyên bố rằng: Hiện vẫn còn khoảng 5,1ha rừng, phần dùng làm đường khoảng 1ha, còn 1,9ha là bị các hộ phá để trồng su su (đã hết thời hiệu xử phạt hành chính). Nguyên lãnh đạo thị trấn còn cho rằng phần lớn rừng nằm trong địa giới hành chính xã Tam Quan.

Trong khi chính quyền địa phương chưa xác định được trách nhiệm của ai thì trả lời PV, ông Đỗ Thanh Hải (Giám Đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo) lắc đầu, không biết rừng thông 327 của Tam Đảo ở đâu và thuộc quản lý của đơn vị hay không.