Mất tiền tỷ để mua lại đất của chính mình

Tiếng dân - Ngày đăng : 09:42, 06/08/2019

(TN&MT) - Nhiều hộ dân ở Lục Ngạn, Bắc Giang bỗng dưng mất tiền tỷ để mua lại chính mảnh đất vốn do gia đình mình dầy công xây dựng, vun đắp trong hàng chục năm trời. Câu chuyện tréo ngoe ấy đang trở thành thực tế tại trung tâm Lục Ngạn, một huyện nông nghiệp có diện tích lớn nhất tỉnh Bắc Giang.

Thu hồi - trăm nghìn, bán lại - chục triệu

Nhiều hộ dân ở khu Lê Hồng Phong, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang “tố” bị chủ đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài là UBND huyện Lục Ngạn thu hồi đất với “giá bèo” nhưng đem phân lô, bán nền với giá gấp vài chục lần. Điều trớ trêu là những người vừa bị thu hồi đất với giá có hơn ba trăm nghìn/m2 ấy, lại được chủ đầu tư “tạo điều kiện” cho mua lại đất phân lô trên chính nền đất vừa bị thu hồi với giá cả chục triệu đồng/m2.

a2
Dự án đang trong quá trình thực hiện


Trước đó, UBND huyện Lục Ngạn có Thông báo số08/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 1) với diện tích đất dự kiến thu hồi là 60.435,8m2. Do đó đã khiến nhiều hộ dân bị thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, cá biệt có những hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở và hoa màu để phục vụ cho nhu cầu về đất ở cho những người dân thị trấn.

Ông Lương Đình Thắng, số nhà 139, khu Lê Hồng Phong cho biết: “Gia đình tôi có 2.992m2 đất sử dụng ổn định từ năm 1950, được UBND tỉnh Bắc Giang cấp “sổ hồng” năm1998. Mới đây bị UBND huyện Lục Ngạn quyết định thu hồi 1.778,6m2 để thực hiện dự án. Đất của gia đình tôi là đất ở lâu dài, trồng cây lâu năm, huyện Lục Ngạn chỉ bồi thường giá 221.000/m2, cộng cả hai khoản hỗ trợ là 372.000/m2. Toàn bộ tiền bồi thường chỉ được 897.000.000 đồng. Trong phần đất nhà tôi bị thu hồi có gần 600m2 theo quy hoạch sẽ được phân làm khu biệt thự, trong đó có ao và công trình phụ của gia đình nhưng Chủ tịch UBND huyện là ông Nguyễn Thanh Bình nói, nếu gia đình muốn giữ lại thì sẽ “ưu tiên” mua không thông qua đấu giá (khoảng 12.000.000 đồng/m2) nếu không buộc phải cưỡng chế”.

Bà Nguyễn Thị Mùi, sinh năm 1967, ở khu phố Lê Hồng Phong, sống độc thân nên được cư dân ở khu phố ký đơn kiến nghị giúp đỡ, nhưng UBND huyện Lục Ngạn vẫn áp mức bồi thường với giá bèo. Bà trình bày: “Tôi sinh sống tại thửa đất 2.500m2 do bố đẻ để lại từ năm 1991, đến nay đã cải tạo thành vườn, ao, nhà cửa và trồng hoa màu để mưu sinh. Nhưng UBND huyện Lục Ngạn thu hồi toàn bộ diện tích đất và bồi thường hỗ trợ tổng thể chỉ được 1,5 tỷ đồng, để mua lại 100m2 đất tái định cư tôi mất hơn 1 tỷ đồng. Tôi mất nhà cửa, ao vườn. Số tiền được đền bù chỉ đủ mua lại trăm mét đất, muốn có lại nhà để ở thì cũng chả có tiền đâu mà xây dựng”.

Ông Nguyễn Xuân Biên, là cựu chiến binh, chiến sỹ cách mạng bị tù đày tại Phú Quốc, hiện nay cả hai ông bà đều ốm yếu, phải dùng nạng đi lại, nhưng cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự.Ông Biên cho biết: “Đất của gia đình tôi ở ổn định từ năm 1975, từ khi tôi đi bộ đội về. Gia đình bị thu hồi 900m2. Trong đó đất thổ cư 70m2 thì chỉ được đền bù hơn 3 triệu, nhưng lại bắt gia đình tôi mua lại với giá 10.000.000 đồng/m2, thì hỏi rằng công bằng ở đâu. Chúng tôi chỉ cần cuộc sống bằng trước đây, chứ chưa cần tốt hơn trước. Nếu dự án trên là dự án quốc phòng, an ninh hoặc xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng thì tôi hoàn đồng ý. Tuy nhiên, dự án chỉ một phần làm đường, còn lại là để phân lô bán nền. Trong khi chúng tôi chưa nhận tiền đền bù nhưng dự án đã phân lô, bán nền với giá 10.000.000 đồng/m2”.

Trong khi hàng chục hộ dân không chấp nhận bàn giao đất và chưa nhận tiền bồi thường vì chưa được giải quyết thỏa đáng, thì mới đây UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lại ban hành nhiều quyết định cưỡng chế tới một số hộ dân trong giai đoạn 1 thực hiện dự án. Trong các quyết định có ghi rõ, thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất ngày 07/8/2019.

Đấu giá đất để tự cân đối dự án

Ngày 31/7/2019, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức buổi đối thoại với một số hộ dân trước khi bị cưỡng chế. Ông Lê Tuấn Anh, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lục Ngạn cho rằng, mục tiêu thực hiện dự án là để mở rộng, phát triển đô thị, hình thành khu dân cư, tạo nhu cầu đất ở cho nhân dân. Nguồn vốn được vay từ ngân sách Nhà nước. Việc bồi thường được lập theo các quy định pháp luật hiện hành. Đơn giá lô đất ở mới được tính bằng đơn giá bồi thường cộng với chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

a1
Ông Nguyễn Xuân Biên cho biết: “Dự án đền bù đất ở cho gia đình tôi hơn ba triệu đồng, mà bán tái định cư cả chục triệu là không thỏa đáng”

Tuy nhiên, theo những tài liệu mà người dân cung cấp, giá một số lô đất mà BQL dự án dự kiến bán lại cho người dân theo giá ưu tiên (đơn giá giao đất tái định cư là giá giao đất cụ thể tại thời điểm giao đất được tính bằng giá đất ở cụ thể tại thời điểm thu hồi đất công thêm một phần chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng). Theo cách tính của BQL dự án đã tăng lên gấp nhiều lần so với giá đền bù ban đầu.

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang giải thích: Hiện nay đô thị hết sức xập xệ, mỗi một năm nhà nước chỉ đầu tư cho thị trấn 5 tỷ đồng. Với số tiền này chưa đủ để sửa đường chứ chưa nói đến phát triển. Như vậy thì 100 năm sau thì đô thị của thị trấn Chũ chưa trở thành thị xã được. Nếu như phát triển thị trấn Chũ trở thành thị xã thì chúng tôi dự tính trên 1.000 tỷ đồng…Dự án là để thu ngân sách Nhà nước thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất. Việc bồi thường hỗ trợ là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc xác định giá cũng đầy đủ theo đúng quy trình, quy định.

Với cách trả lời của vị đại diện chủ đầu tư đồng thời là Phó Chủ tịch UBND huyện thì có lẽ tất cả những người dân ở Lục Ngạn sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi nhà cửa, đất đai mỗi khi UBND huyện có nhu cầu...tăng ngân sách.