Hoài Đức, Hà Nội: Hàng loạt công ty sơn không có hồ sơ bảo vệ môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:54, 15/05/2019

(TN&MT) – Mặc dù hoạt động nhưng không có hồ sơ bảo vệ môi trường, thậm chí còn bị lực lượng chức năng bắt quả tang xả thải ra môi trường nhưng các công ty này vẫn không bị xử lý dứt điểm. Trong khi môi trường sống xung quanh các công ty sơn này đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhiều năm trở lại đây, điểm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) có 18 doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất sơn, dệt nhuộm, cơ khí, sản xuất miến … Tuy nhiên do điểm công nghiệp này không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên hầu hết các doanh nghiệp ở đây đều xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng cho khu vực dân cư. Trong số những nguồn gây ô nhiễm nói trên có 3 công ty sơn gồm: Công ty cổ phần sơn Infor, Công ty cổ phần sơn Jymec và Công ty cổ phần sơn Facomax.

Điều đáng nói là hầu hết các công ty sơn đều không có hồ sơ bảo vệ môi trường và nước thải trong quá trình sản xuất đều được xả thẳng ra kênh tiêu T2-7 (ngay đằng sau điểm công nghiệp Di Trạch – PV). Chính vì vậy kênh tiêu này nhiều năm trở lại đây bị ô nhiễm nặng nề. Những ngày trời nóng, nước cạn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Không những vậy, do các doanh nghiệp ở đây đều xả trực tiếp ra mương, chảy vào khu vực trồng hoa màu của bà con khiến cho nhiều diện tích hoa màu, cây trồng bị thiệt hại nặng nề.

diem cong nghiep di trach o nhiem 3
Biển quảng cáo công ty sơn Infor ngay đầu vào điểm công nghiệp Di Trạch

Đỉnh điểm của tình trạng xả thải vô tội vạ nói trên là ngày 21/7/2018, tổ công tác của UBND xã Di Trạch đã phối hợp với cán bộ Đồn công an số 30, Đội cảnh sát kinh tế - môi trường – ma túy (công an huyện Hoài Đức) và cán bộ phòng TN&MT huyện Hoài Đức bắt quả tang 3 doanh nghiệp sơn này lợi dụng mưa lớn để xả thải ra môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện ba cống xả đều có nước màu trắng như sơn pha loãng và cả dòng kênh T2-7 bị nhuộm trắng như sữa.

Theo Kết luận thanh tra số 1045/KL-TTTP-P3 ngày 16/3/2018 của Thanh tra TP. Hà Nội, đối với 3 công ty sơn (gồm: Công ty cổ phần sơn Infor, Công ty cổ phần sơn Jymec và Công ty cổ phần sơn Facomax), UBND huyện Hoài Đức đã xử phạt thiếu hành vi vi phạm. Riêng đối với hai công ty là sơn Jymec và sơn Facomax, UBND huyện Hoài Đức cũng mắc khuyết điểm là không xử lý đình chỉ cơ sở không có Kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

Từ thời điểm có kết luận thanh tra đến nay, việc xử lý các công ty sơn không có hồ sơ bảo vệ môi trường của UBND huyện Hoài Đức vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi các công ty sơn này vẫn hoạt động bình thường. Đến đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu UBND huyện Hoài Đức có bao che, dung túng cho hành vi “bức tử” môi trường của 3 công ty sơn đề cập ở trên?

diem cong nghiep di trach o nhiem 2
Lực lượng chức năng từng bắt quả tang các công ty sơn xả thải trộm ra môi trường (ảnh chụp ngày 21/7/2018)

Nhằm rộng đường dư luận, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức. Tại buổi làm việc, ông Lý cho biết: “Những công ty sơn mà Báo đề cập nằm trong Điểm công nghiệp Di Trạch. Đáng ra, về nguyên tắc thì các đơn vị phải có 1 hệ thống xả thải ra hệ thống chung để xử lý, sau đó mới cho ra môi trường. Nhưng do điểm công nghiệp này nằm trong quy hoạch xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 nên thành phố chỉ cho thuê đất hàng năm. Chính vì thế việc xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung rất khó khăn. Hơn nữa, nếu vận động doanh nghiệp tự đứng ra xây dựng khu xử lý nước thải thì họ cũng không dám làm. Bởi lẽ thành phố cho thuê đất năm một, nếu đầu tư bài bản rồi nhỡ đâu thành phố thu hồi đất thì các doanh nghiệp lỗ vốn. Vì thế tình hình cứ kéo dài như hiện nay”.

Khi đề cập về hướng xử lý những công ty sơn không có hồ sơ bảo vệ môi trường, Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức nói: “Chúng tôi vẫn kiểm tra và xử lý quyết liệt. Hiện nay có một công ty sơn đang ngừng hoạt động và chuẩn bị chuyển đi nơi khác. Hai công ty còn lại chúng tôi đang thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, thậm chí có thể xem xét đình chỉ hoạt động”. Ấy nhưng khi hỏi sâu thêm thì vị trưởng phòng này nói không nhớ rõ công ty sơn nào sắp chuyển đi và cũng không đưa ra thời gian cụ thể cho việc xử lý và việc thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Như vậy, dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về việc lãnh đạo huyện Hoài Đức đang “tạo điều kiện” để cho các vi phạm ngang nhiên diễn ra. Bởi lẽ một vấn đề kéo dài trong nhiều năm, chính quyền cơ sở đã có ý kiến, thanh tra thảnh phố đã có kết luận, vậy tại sao huyện Hoài Đức cho đến nay vẫn loay hoay với điệp khúc “đang quyết liệt xử lý và đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm”?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc