Người dân nghi ngại DN núp bóng xây dựng trang trại để “tận thu” đất đi bán tại Núi Thành - Quảng Nam

Tiếng dân - Ngày đăng : 13:27, 02/05/2019

(TN&MT) - Hai chữ “tận thu” có nghĩa chống thất thoát tài nguyên, vừa giúp Doanh nghiệp giải bài toán đất thừa, đồng thời lại làm tăng thêm nguồn thu ngân sách từ lượng đất thừa thải. Thế nhưng, lạm dụng “tận thu” để khai thác đất dưới hình thức “núp bóng”các dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng cây,… sẽ gây nguy hại rất lớn đến môi trường, cảnh quan và nghiêm trọng hơn là thất thoát lượng lớn tài nguyên.   

 

Hiện trường khai thác đất ào ạt tại trang trại của Cty Hưng Đức Vinh ở xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)
Hiện trường khai thác đất ào ạt tại trang trại của Cty Hưng Đức Vinh ở xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Báo động núp bóng trang trại để khai thác đất

Như Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường ngày 6/4 đã có bài phản ánh “Quảng Nam: Lợi dụng xây dựng trang trại để khai thác đất đi bán?”. Nội dung phản ánh những nghi vấn, bức xúc đầy cơ sở của người dân xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam về quá trình làm trang trại của bà Nguyễn Thị Thắm, trú tại thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành).

Là những người con địa phương, dư luận xã Tam Mỹ Đông hiểu và tường tận hơn ai hết cách làm trang trại không giống ai của Công ty TNHH TM & DV Hưng Đức Vinh (Cty Hưng Đức Vinh) đang thực hiện trên địa bàn. Theo đó, năm 2016, bà Thắm xin làm trang trại nông lâm kết hợp ở xã Tam Mỹ Đông với diện tích 12ha. Để làm trang trại, bà Thắm xin cải tạo mặt bằng. Từ đây, để hợp quy lượng đất dư thừa đưa đi bán, bà Thắm tiếp tục thành lập công ty khác để xin được tận thu bán làm vật liệu san lấp.

Hơn ai hết, người Tam Mỹ Đông vui mừng, tự hào vì xã nông thôn mới cần lắm một trang trại như vậy. Nhưng rồi, khi chưa kịp mừng, họ đã chuốc lấy ngao ngán, bức xúc, phẫn nộ. Ngao ngán vì cải tạo mặt bằng trang trại đâu không thấy chỉ thấy chăm chăm đào đất bán. Bức xúc, phẫn nộ vì xe tải ngày ngày cày phá đường xá, bụi bặm, ô nhiễm tối ngày. Điều lạ hơn, khiến người dân nơi đây khó hiểu là tại sao công ty đi chọn hạ nguyên một quả đồi xuống 15m để làm trang trại?. Trong khi đó, trên địa bàn không thiếu những diện tích đất bằng phẳng, đủ lớn, rất phù  hợp cho các dự án trang trại.

Dư luận cho rằng bà Thắm cho cắt hạ quả đồi xuống đến lớp đá đến xe múc cũng chịu thua thì làm sao trồng cây?
Dư luận cho rằng bà Thắm cho cắt hạ quả đồi xuống đến lớp đá đến xe múc cũng chịu thua thì làm sao trồng cây?

Một lão thành cách mạng tại địa phương bày tỏ mối băn khoăn, lo ngại, có thấy chi mô cái gọi là dự án trang trại, họ lấy cớ để đào đất đồi rồi chở đi bán thì đúng hơn. Như người dân chúng tôi nhìn qua cũng biết được ý đồ của họ, ai đời cải tạo mặt bằng gì mà cứ đào chỗ này sang chỗ kia, gặp đất thì lấy, gặp đá thì né, chỗ khó thì bỏ dở nhìn rất nham nhở. Cải tạo mặt bằng thì phải làm đồng bộ theo bản vẽ biện pháp thi công được phê duyệt, gặp đất, gặp đá gì cũng phải san tạo mặt bằng chứ… trong quá trình san ủi mặt bằng từ chỗ cao xuống chỗ thấp, lượng đất dư thừa thì xin tận thu làm vật liệu san lấp mới đúng.

Thực tế, khi quan sát tại khu vực đồi do bà Thắm khai thác, tận thu đất cũng chỉ rõ, nhiều quả đồi lớn được đào bới tìm đất để lấy, chỉ còn trơ lại những ụ đá, lớp đá cứng không thể múc tiếp được. Thử hỏi với lớp đá trơ cứng còn lại này làm sao có thể trồng cây, làm trang trại. Bất cập, khuất tất mà dư luận nghi ngại là có cơ sở!.

Vì sao lại có bất cập này? Có hay không chuyện doanh nghiệp ở Quảng Nam lợi dụng chủ trương cải tạo mặt bằng làm trang trại để khai thác đất? Câu trả lời là có! Những bài học nhãn tiền đã từng xuất hiện và đến nay vẫn còn tồn tại.

Sau khi giấy phép được UBND tỉnh cấp thì ngay lập tức bảng dự án mang tên mỏ đất
Sau khi giấy phép được UBND tỉnh cấp thì ngay lập tức bảng dự án mang tên mỏ đất

Bài học nhãn tiền trước mắt

Năm 2016, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng tham mưu cho UBND tỉnh cấp quyền tận thu đất từ việc cải tạo trang trại cho Công ty CP Đầu tư Thiên Tân Thành (Cty Thiên Tân Thành). Đây là trang trại nuôi heo ở thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Không khác mấy hình thức trang trại bà Thắm, Cty Thiên Tân Thành cũng chọn vị trí làm trang trại là các quả đồi thay vì chọn khu vực có địa hình bằng phẳng để dễ thực hiện, giảm chi phí. Sau khi được UBND tỉnh cấp phép, là lúc dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án san lấp khác đang cần lượng đất lớn để đắp nền và san lấp. Chớp thời cơ, Cty Thiên Tân Thành đã ào ạt đào đất, cắt hạ đồi để mang đất đi bán.  

Và rồi, khi doanh nghiệp này hoạt động cải tạo, tận thu không bao lâu, thì dư luận Đại Lộc đã lên tiếng mạnh mẽ. Họ cho rằng, Cty Thiên Tân Thành đã lợi dụng vỏ bọc trang trại để khai thác đất trắng trợn, ngang nhiên. Trong khi đó, chẳng ai thấy ngành TN&MT, chính quyền kiểm tra, xử lý.

Trước những phản ánh mạnh mẽ của dư luận, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc và xác định. Kết luận thanh tra số 21/KL-TTT tháng 09/2018 thể hiện, công trình này đã khai thác, đào múc đất nham nhở trên diện tích đất được cấp phép.Qua đó, cho thấy mục đích chính của doanh nghiệp là khai thác đất để bán, không thực hiện san lấp mặt bằng để thực hiện đầu tư dự án; chưa xây dựng bất cứ hạng mục kết cấu hạ tầng nào của dự án.Thậm chí là có cả hiện tượng trộm đất trái phép.

Điều đang nói, tải trọng đối với đường là 10T và Cầu là 8T, thế nhưng xe gần 20T vẫn thông bình thường
Điều đang nói, tải trọng đối với đường là 10T và Cầu là 8T, thế nhưng xe gần 20T vẫn lưu thông bình thường


Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, Sở TN&MT thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp, xây dựng công trình của doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao. Không tiến hành thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án đối với công ty dẫn đến dự án chậm tiến độ hơn 2 năm nhưng không bị xử lý.

Về cấp cơ sở, UBND huyện Đại Lộc bị thanh tra kết luận chưa thực hiện hết trách nhiệm được phân công liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp, xây dựng công trình; thiếu chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động của dự án, dẫn đến Cty Thiên Tân Thành đào múc đất nham nhở tại dự án.

Phòng TN&MT huyện Đại Lộc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý việc khai thác đất tại dự án; không có biện pháp tham mưu, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác trái phép đất tại các khu vực lân cận, để tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn...

Bài học nhãn tiền từ trang trại của Cty Thiên Tân Thành ở huyện Đại Lộc
Bài học nhãn tiền từ trang trại của Cty Thiên Tân Thành ở huyện Đại Lộc

Sau cùng, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan công an điều tra tiến hành điều tra và xử lý vụ việc.

Mới đây nữa, khi trả lời chúng tôi, ông Trần Đình Minh, Trưởng phòng TN&MT huyện Núi Thành cũng nói rằng, có nhiều trường hợp người ta lách luật. Vừa rồi, UBND tỉnh Quảng Nam cũng rà soát nhiều. Có 1 dự án kiểu cải tạo trang trại nông lâm nhưng lợi dụng tận thu, bán đất, không đúng phương án cải tạo ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành đã bị dừng. UBND tỉnh Quảng Nam cũng rút ra nhiều bài học nên về sau chỉ cho phép cải tạo không lồng ghép tận thu đất, đá ra ngoài.

Quay lại câu chuyện, cắt hạ ngọn đồi xuống 15m để cải tạo trang trại tại xã Tam Mỹ Đông của Cty Hưng Đức Vinh mà người dân đang hoài nghi là núp bóng để khai thác đất. Sau khi đi thực tế, thấy những nghi ngại của người dân là có cơ sở. Nếu như các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam không rút ra được bài học từ các dự án núp bóng trang trại để khai thác đất trước đây để lại, thì vài năm sau lại có thêm một kết luận thanh tra tương tự như trang trại của Cty Thiên Tân Thành tại huyện Núi Thành.        

Rõ ràng từ quá khứ nhãn tiền đến hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã nhận ra có hiện tượng lợi dụng cải tạo trang trại để hô biến thành mỏ đất. Thế nhưng dường như những cơ quan có thẩm quyền vẫn đang lờ đi hoặc chăng đã rà soát “lọt” những dự án đang bị dư luận hoài nghi, lên tiếng?.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc!