Vụ di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Cần công khai, minh bạch

Tiếng dân - Ngày đăng : 12:19, 23/03/2019

(TN&MT) - Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho hay sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân, đảm bảo công khai, minh bạch để người dân di dời đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ...

Liên quan đến “Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ hơn 500 hộ dân giải tỏa thuộc khu vực Thượng Thành trong ngày 22/3 để lắng nghe tâm tư, nguyện vong, đề xuất... Đây là những hộ đầu tiên của dự án được di dời trong năm nay.

Thừa Thiên Huế sắp có cuộc di dân lịch sử
Thừa Thiên Huế sắp có cuộc di dân lịch sử

Người dân hưởng nhiều ưu đãi

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế thông tin, theo dự toán phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND TP. Huế, phạm vi giải tỏa để thực hiện dự án gồm 4 phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa và Tây Lộc; 3 phường tiếp giáp là Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận và bố trí đất xây dựng khu tái định cư tại hai phường An Hòa và Hương Sơ.

Năm 2019, TP. Huế sẽ tập trung giải tỏa khu vực Thượng Thành với số hộ dân giải tỏa là 523 hộ, trong đó có 265 hộ chính và 258 hộ phụ và số hộ có đất nông nghiệp là 270 hộ.

Các hộ dân nằm trong diện di dời giải tỏa giai đoạn I đã được nghe giới thiệu các chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất, như chính sách hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm trước ngày 1/7/2004; hỗ trợ về đất đối với trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử dụng đất; chính sách bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư; hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo…

Theo dự toán phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các hộ dân di dời trong đợt này sẽ hưởng nhiều ưu đãi và vượt khung so với quy định của UBND tỉnh, như chính sách hỗ trợ di chuyển toàn bộ chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ theo quy định của UBND tỉnh là 4.500.000đ thì khung chính sách là 6.500.000đ; di chuyển và bàn giao mặt bằng trước ngày quy định từ 16 ngày trở lên là 10.500.000đ, trong khi quy định của UBND tỉnh là 7.500.000đ…

Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác và ô nhiễm của người dân khi xây nhà trái phép xung quanh các Hộ thành hào
Cuộc sống tạm bợ, nhếch nhác và ô nhiễm của người dân khi xây nhà trái phép xung quanh các Hộ thành hào

Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư trong thời gian 6 tháng đối với hộ có số nhân khẩu từ 4 người trở xuống thì được hỗ trợ tiền thuê nhà là 2 triệu đồng/hộ/tháng; hộ có 4 nhân khẩu trở lên thì ngoài số tiền được hỗ trợ nêu trên, cứ 1 nhân khẩu tăng thêm được hỗ trợ thêm 500.000đ/khẩu/tháng.

Đối với nhà ở, công trình sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Khung chính sách cũng quy định, các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở nơi ở mới..

Đại diện 523 hộ dân sống treo ở khu vực Thượng Thành đều tán thành khung chính sách. Các hộ dân bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để người dân sau khi di dời sẽ có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Người dân tại khu vực Thượng thành kiến nghị với lãnh đạo Thừa Thiên Huế
Người dân tại khu vực Thượng thành kiến nghị với lãnh đạo Thừa Thiên Huế

“Yêu cầu chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân khi di dời, giải tỏa. Sau cơn bão năm 1985 và trận lũ lớn năm 1999 nên có nhiều hộ dân sống ở khu vực Thượng Thành đã bị mất hoặc bị hỏng hóc các giấy tờ liên quan đến nhân thân, đất đai, nhà cửa. Ví như giờ cần nộp giấy tờ chứng minh đã đóng thuế đất thì rất khó. Vì thế rất mong các cấp tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân”- ông Nguyễn Đức Thọ (phường Tây Lộc, TP. Huế) bày tỏ ý kiến.

Đảm bảo nguyện vọng

Ông Huỳnh Cư - UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế, Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Huế cho rằng, từ xưa đến nay trên địa bàn chưa bao giờ có được những chính sách ưu đãi dành cho bà con như dự án di dời giải tỏa khu vực Thượng Thành. Đây là sự nỗ lực của cả một hệ thống chính trị từ Chính phủ, UBND tỉnh và TP. Huế để mang lại cho người dân khu vực Thượng Thành những chính sách tốt nhất sau khi di dời đến nơi ở mới. TP mong người dân tiếp tục ủng hộ các ban ngành chức năng trong công tác di dời giải tỏa, tự giác và trung thực trong việc kiểm đếm kê khai tài sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ban ngành triển khai dự án.

“Dự án tốn một nguồn lực khá lớn. Do dự án không nằm trong kế hoạch dài hạn của tỉnh nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn về tài chính. Hiện tỉnh đang rất lo lấy nguồn lực ở đâu để đáp ứng kịp tiến độ dự án...”- ông Cư nói.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành khẳng định, trong quá trình giải quyết hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân, chính quyền địa phương sẽ vận dụng tối đa khung chính sách cho bà con, đảm bảo nhanh, gọn, chính xác, công bằng.

 

Người dân mong muốn sẽ được sớm di dời, ổn định cuộc sống…
Người dân mong muốn sẽ được sớm di dời, ổn định cuộc sống…

“Các phường phải có bộ phận thường trực để giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc của người dân, không để người dân đi lại nhiều lần, các thông tin phải được thông báo công khai tại UBND phường. Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế phải bám sát, theo dõi thường xuyên các vấn đề phát sinh để kịp thời giải quyết; công tác kiểm kê tài sản, áp giá đền bù phải công khai minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao từ người dân”- ông Thành đề nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của UBND TP. Huế trong việc tích cực đẩy nhanh tiến độ để thực hiện dự án.

Theo ông Thọ, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh, thành phố cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, khung chính sách và các vấn đề liên quan khác nên trong một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được. Từ nay đến ngày 16/9, tỉnh phải hoàn tất việc di dời giải tỏa 523 hộ thuộc giai đoạn I, sau đó sẽ tiếp tục triển khai các giai đoạn còn lại.

“Việc cân đối vốn để thực hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ mới chỉ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án năm 2019 và tỉnh phải huy động các nguồn khác nhằm đảm bảo số tiền khoảng 250 tỷ đồng để thực hiện. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân nhưng phải đúng pháp luật, việc di dời tái định cư sẽ được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch để người dân biết. Điều quan trọng là bà con phải phát huy tinh thần đoàn kết, không nghe tác động bên ngoài, tin tưởng vào chính quyền, tin tưởng vào chính sách Nhà nước để cùng nhau sớm hoàn thành dự án, sớm về nơi ở mới có một cuộc sống tốt hơn...”- ông Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế động viên, chia sẻ với những khó khăn mà người dân đang sống trong khu vực di tích...
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế động viên, chia sẻ với những khó khăn mà người dân đang sống trong khu vực di tích...

Như đã phản ánh, hàng chục năm qua, hơn 4.000 hộ dân sống trong Kinh thành Huế phải sống những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp. Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và cực kỳ ô nhiễm.

Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ. Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước. Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập...

Chính vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Đề án di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân. Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73ha, dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Về khung chính sách đối với vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên Huế.

Báo Điện tử Tài nguyên &Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.