Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Mập mờ trong thu hồi sổ đỏ của các hộ dân nông trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:56, 30/01/2019

(TN&MT) – Các hộ dân là công nhân của Nông Trường Hà Trung (nay là Công ty TNHH Công – nông nghiệp Hà Trung) được giao đất và sinh sống ổn định từ năm 1986-1987 tới nay, năm 2014 đã được cấp GCNQSDĐ. Thế nhưng, bỗng dưng sau khi có đơn kiện của một cá nhân, Thanh tra thị xã Bỉm Sơn yêu cầu thu hồi và hủy sổ đỏ, khiến 5 hộ dân như “ngồi trên đống lửa”.

Thanh tra thiếu minh bạch?

Theo đơn trình bày của 5 hộ dân khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn: Chúng tôi là công dân khu phố 6 (trước đây là khu phố 7) phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trước đây là những công nhân của Nông trường Hà Trung quanh năm lam lũ, vất vả để mưu sinh, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật và Nhà nước. Được sự quan tâm, thừa hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước, các hộ dân chúng tôi đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 2012-2014.

Người dân chúng tôi vui mừng vì được Đảng và Nhà nước quan tâm, cấp GCNQSDĐ để tạo điều kiện cho gia đình chúng tôi yên tâm làm ăn, công tác. Tuy nhiên năm 2018, Phạm Ngọc Thời (một đảng viên đã bị kỷ luật, bản thân gia đình ông vi phạm rất nhiều về đất đai, vi phạm về tư cách, đạo đức, lối sống của đảng viên), đã viết đơn tố cáo chúng tôi vì do chúng tôi đã nắm được một số việc sai phạm của ông Thời. Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Thời, Thanh tra của thị xã Bỉm Sơn đã về thanh tra. Sau khi có kết luận Thanh tra, chúng tôi phát hiện việc Thanh tra thị xã Bỉm Sơn đã làm sai lệch toàn bộ bản chất, nguồn gốc đất.
 

Ông Mai Song Quang nghẹn ngào không ngăn được dòng nước mắt trước nguy cơ bị cướp mất ngôi nhà duy nhất của hai vợ chồng già.
Ông Mai Song Quang nghẹn ngào không ngăn được dòng nước mắt trước nguy cơ bị cướp mất ngôi nhà duy nhất của hai vợ chồng già.


Theo đó, Thanh Tra thị xã Bỉm Sơn đã kết luận rằng 05 hộ chúng tôi được cấp GCNQSDĐ là sai với quy định của pháp luật. Lý do chính Đoàn Thanh tra đưa ra là “không tìm thấy danh sách được cấp đất tại Nông trường Hà Trung” và yêu cầu thu hồi sổ đỏ của 05 hộ chúng tôi.

Sau khi tiếp nhận kết luận của Đoàn Thanh tra thị xã Bỉm Sơn, những hộ gia đình chúng tôi vô cùng hoang mang, bức xúc tột độ trước thái độ làm việc thiếu nghiêm túc, thiếu minh bạch của Đoàn Thanh tra thị xã Bỉm Sơn. Chúng tôi khẳng định: Đất ở của chúng tôi có nguồn gốc do Nông trường Hà Trung cấp và sử dụng ổn định từ năm 1986-1987 đến nay. Thửa đất đã được Nông trường Hà Trung xác nhận, có tên trong sổ mục kê, có tên trong bản đồ địa chính 3 cấp, được những người cùng thời xác nhận, được Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất của UBND phường Bắc Sơn xét duyệt, niêm yiết công khai danh sách tại nhà văn hóa khu phố, UBND phường Bắc Sơn và các cơ quan chức năng thị xã Bỉm Sơn thẩm định và cấp GCNQSDĐ.
 

Đơn kêu cứu của 05 hộ dân.
Đơn kêu cứu của 05 hộ dân.

Trước nguy cơ bị thu hồi GCNQSDĐ một cách sai trái, mất quyền lợi hợp pháp, mồ hôi, nước mắt của gia đình, của những người công nhân đã lao động và cống hiến cho Nhà nước, cho Nông trường. Chúng tôi viết đơn này kêu cứu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan báo chí khẩn trương vào cuộc thanh tra lại, làm sáng rõ và giữ nguyên GCNQSDĐ cho 05 hộ dân để chúng tôi yên tâm sinh sống.

Là Công nhân, nhưng khi Thanh tra lại kết luận không phải(!?)

Bà Phạm Thị Bài (SN 1947) bức xúc nói: Tôi là công nhân Nông trường Hà Trung từ năm 1973 đến 1989, chồng tôi là ông Mai Xuân Đinh là Tổ trưởng Tổ vườn ươm của nông trường, tất cả người dân trong khu phố đều biết. Đất của gia đình tôi được Nông trường chia năm 1987 và đã sinh sống ổn định hơn 30 năm nay, năm 2014 đã được cấp GCNQSDĐ. Nếu tôi không phải là công nhân nông trường, làm sao ông Nguyễn Quốc Tiến khi đó là Giám đốc Nông trường Hà Trung dám xác nhận nguồn gốc đất?. Hơn nữa sau khi làm hồ sơ đã công khai niêm yiết tại nhà văn hóa thôn, nếu vợ chồng tôi không phải là công nhân nông trường mà được cấp đất ở, thì hàng trăm người dân trong khu phố sẽ phản ứng ngay.
 

Bà Phạm Thị Bài cũng là công nhân nông trường nhưng Thanh tra Bỉm Sơn kết luận không có trong danh sách và kiến nghị thu hồi sổ đỏ.
Bà Phạm Thị Bài cũng là công nhân nông trường nhưng Thanh tra Bỉm Sơn kết luận không có trong danh sách và kiến nghị thu hồi sổ đỏ.

Ở cái tuổi gần đất xa trời tới nơi, làm việc cho nông trường sau đó được cấp đất sinh sống ổn định hơn 30 năm, giờ đây Thanh tra thị xã về làm việc, sau đó ra thông báo thu hồi và hủy sổ đỏ của gia đình tôi, vậy 9 người cả già lẫn trẻ biết ở đâu, sao có thể bất công như thế được?, Bà Bài nói thêm.

Bà Lê Thị Huyền (con dâu của bà Phạm Thị Bài) nói: Vợ chồng tôi được bố mẹ chia cho 1 phần diện tích đã được Nông trường Hà Trung cấp đất ở để tách ra ở riêng. Thế mà vừa rồi Thanh tra thị xã Bỉm Sơn lại kết luận đất ở của gia đình tôi là đất của ông Mai Xuân Đinh được Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường cho mượn làm quán là hoàn toàn sai trái, không đúng thực tế. Trong khi đó ông Mai Xuân Đinh, Phạm Ngọc Thời, Mai Tiến Đức là 3 người chủ mưu tố cáo các hộ dân vì chúng tôi đã nắm được một số sai phạm liên quan tới đất ở của họ.

Còn hộ gia đình ông Mai Song Quang, vợ là bà Nguyễn Thị Huế cũng là công nhân nông trường được cấp đất ở, khi biết được có PV tới tìm hiểu về việc thu hồi sổ đỏ của các hộ dân, ông Quang thập thững chống gậy ra cổng, khi được hỏi về nguồn gốc đất ông Quang nghẹn ngào không ngăn được dòng nước mắt.
 

Giấy CNQSDĐ của ông Mai Song Quang và bà Nguyễn Thị Huế đã được cấp từ năm 2014
Giấy CNQSDĐ của ông Mai Song Quang và bà Nguyễn Thị Huế đã được cấp từ năm 2014

Trao đổi với PV, ông Phan Công Trường, nguyên Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn, cũng là chủ tịch Hội đồng xét duyệt đất cho các hộ dân thời điểm 2012-2014 cho biết: Năm hộ dân kể  trên được cấp GCNQSDĐ đều làm theo trình tự thủ tục, được giám đốc nông trường xác nhận nguồn gốc đất, được niêm yiết công khai tại nhà văn hóa khu phố. Nếu nguồn gốc đất không đúng, hàng trăm người dân trong khu phố làm sao để yên và sẽ phản ứng ngay.

 Khi được hỏi về việc Đoàn Thanh tra thị xã Bỉm Sơn đã làm việc và xác minh đối với ông Mai Tiến Đức và ông Mai Xuân Đinh họ khẳng định những người kể trên không phải là công nhân nông trường, là đất 2 ông tự khai hoang. Ông Trường cho biết các hộ dân là công nhân nông  trường được chia đất ở hơn 30 năm nay, còn ông Đinh, ông Đức về ở sau làm sao có thể nói là đất họ tự khai hoang và bà Bài, bà Huế không phải là công nhân Nông trường được.

Đất ở được cấp cũng chính là mồ hôi, công sức của người dân cống hiến làm việc cho Nông trường Hà Trung (nay là Công ty TNHH Nông – công nghiệp Hà Trung) thế nhưng giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị “cướp” không.

Phóng viên cũng  đã nhiều lần liên hệ với UBND thị xã Bỉm Sơn hẹn đặt lịch làm việc, để có những thông tin khách quan, đa chiều nhưng đều không nhận được phản hồi!

 

Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.