Hải Hà (Quảng Ninh): Nhiều bến bãi kinh doanh cát, đá, sỏi gây ô nhiễm môi trường
Tiếng dân - Ngày đăng : 22:54, 25/10/2018
Báo cáo của UBND huyện Hải Hà cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản và 2 hộ gia đình được UBND tỉnh ủy quyền chấp thuận cho thu hồi nguồn vật liệu để thực hiện dự án vườn, ao, chuồng (VAC).
Có mặt tại khu vực cảng Ghềnh Võ, thôn 6, xã Quảng Điền, chúng tôi chứng kiến hàng chục đống cát, đá, sỏi đổ tràn ra sát lề đường, không hề được che phủ bạt, cũng như hệ thống phun nước dập bụi. Vào ngày nắng, bụi bay mù mịt vào nhà dân, ngày, ngày mưa, nhiều đoạn đường nhão nhoẹt bùn đất do hàng dàn xe tải vào chở vật liệu đi tiêu thụ. Thậm chí vật liệu còn đổ tràn vào gần ngay cửa nhà của Tổ Kiểm soát biên phòng Ghềnh Võ, thuộc Đồn Biên phòng Quảng Đức gây ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan. Điều ngạc nhiên là các bến bãi tập kết kinh doanh cát, đá, sỏi đều không hề cắm bảng đề tên của các đơn vị, cũng như các hộ kinh doanh, nên rất khó phân biệt các bến, bãi.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền, Mai Ngọc Năng thừa nhận, các bến bãi tập kết VLXD tại khu vực cảng Ghềnh Võ đều chưa có thủ tục pháp lý về bến bãi giao đất và cho thuê đất, cũng như hồ sơ về phương án bảo vệ môi trường. Trong khi thẩm quyền của phương chỉ quản lý về lĩnh vực môi trường và an ninh trật tự tại các khu vực bến, bãi.
Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh tình trạng các bến bãi cát, đá, sỏi đều không có bạt che phủ, cũng như phun nước chống bụi, tưới nước trước khi xe ra khỏi bến bãi. Thì ông Mai Ngọc Năng cho biết, địa phương cũng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt một số đơn vị vi phạm, nhưng do nhân lực mỏng, không thường xuyên kiểm tra, giám sát được.
Còn tại khu vực bờ sông nằm ngay cầu Hà Cối, đoạn thuộc thôn Minh Tân, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà là nơi tập kết cát, đá, sỏi và gỗ của một số đơn vị như: Công ty TNHH Cung ứng dịch vụ Chung Thuỷ, HTX Đại An, HTX Thế Sơn...Cát đá, sỏi, gạch và gỗ chất thành núi và đổ tràn lan, không hề được che đậy nên phát tán bụi, rác ra môi trường gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Lý giải về tình trạng trên, ông Phạm Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh thừa nhận, hầu hết các đơn vị kinh doanh tại khu vực gần cầu Hà Cối, thuộc thôn Minh Tân chưa có giấy tờ pháp lý do cấp có thẩm quyền phê duyệt bến bãi tập kết VLXD, cho thuê đất và thủ tục pháp lý về môi trường.
Khi được hỏi các đơn vị kinh doanh này hoạt động từ nhiều năm qua, trong khi không có đầy đủ các thủ tục về hồ sơ pháp lý, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, chính quyền địa phương đã có những biện pháp gì để xử lý. Lúc này, ông Phạm Văn Giang rút máy gọi điện thoại cho cán bộ địa chính xã là người nắm địa bàn và quản lý hồ sơ các đơn vị kinh doanh nói trên lên làm việc với phóng viên.
Ông Lê Văn Lái, cán bộ địa chính xã Quảng Minh cho biết, tôi nhận công tác tại xã từ năm 2012, khi đó các bến bãi của các đơn vị đã hoạt động, do không được bàn giao các giấy tờ thủ tục mà chỉ được giao lại “bằng miệng”, nên cũng chỉ biết là có một số công ty, hợp tác xã được huyện cho thuê để lập bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại đây.
Vậy, nếu có xảy ra tranh chấp giữa các bến bãi thì xử lý ra sao, chúng tôi đặt câu hỏi, ông Lê Văn Lái “hồn nhiên” trả lời, lúc đó yêu xầu các bên cung cấp hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan để giải quyết. Thậm chí ông Lê Văn Lái còn “vô tư” cho biết, trong một thời gian dài “chưa thấy” các phòng, ban của huyện hay của tỉnh xuống kiểm tra các bến bãi hoạt động trái phép nói trên.
Đặc biệt, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của UBND xã Quảng Minh không hề đề cập đến các vi phạm của các công ty, hợp tác xã kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng nói trên.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Hải Hà không chỉ để tình trạng các công ty, hộ gia đình lập bến bãi kinh doanh cát, đá, sỏi trái phép diễn ra nhiều năm nay, mà còn diễn ra tình trạng một số hộ gia đình “núp bóng” làm dự án phát triển kinh kế với mô hình VAC để khai thác cát, đá, sỏi trái phép kiếm lời.
Trong khi UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo trong việc siết chặt quản lý đối với tài nguyên khoáng sản, nhất là việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, đá, sỏi trên địa bàn. Thì tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà vẫn còn những cán bộ nhà nước làm việc theo kiểu quản lý “bằng miệng” như trên thì không biết sẽ còn bao nhiêu khối lượng tài nguyên khoáng sản sẽ bị thất thoát và môi trường tiếp tục bị ô nhiễm trong thời gian tới.