Quảng Ninh: Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn kêu cứu

Tiếng dân - Ngày đăng : 13:52, 17/10/2018

(TN&MT) - Hàng trăm cây keo có độ tuổi trên 20 năm tuổi với đường kính từ 30 đến 40 cm đang hàng ngày bị đốn hạ, và hàng chục cây gỗ rừng bị chặt phá không thương tiếc để lấy đất trồng keo. Nhiều quả đồi trước đây xanh ngút tầm mắt, nhưng nay bị chặt phá, đốt trơ trụi, đây là những gì đang diễn ra trong vùng lõi của rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Tàn phá rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn

Tình trạng rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn bị chặt phá, đốt để lấy đất trồng keo, quế diễn ra nhiều năm qua, những đồi keo hàng chục năm tuổi vốn do Lâm trường trồng và quản lý trước kia nay dần bị thu hẹp, những cánh rừng tự nhiên cũng chịu chung số phận. Điều đáng nói là, tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, nhưng việc xử lý của chính quyền xã Quảng Sơn và huyện Hải Hà còn khá hời hợt, nên hàng chục ha diện tích rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn đã “biến mất” và thay vào đó là những rừng keo, quế của người dân. Hậu quả của việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, cũng như nguồn nước sinh thủy, tàn phá môi trường sống của các loài động thực vật.

anh so 1
Cả quả đồi keo và cây rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi bị chặt, đốt phá lấy đất

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đã thâm nhập vào vũng lõi của rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn, cũng là khu vực đang diễn ra tình trạng chặt phá rừng keo trên 20 năm tuổi và những vạt rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Tại khu vực lô 6, khoảnh 10, tiểu khu 310, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh tượng cả một đồi keo và rừng tự nhiên lên tới cả héc- ta bị chặt phá, đốt cháy trơ trụi, hàng chục gốc cây rừng tự nhiên có đường kính 25 đến 30cm bị đốn hạ, nằm ngổn ngang trên đồi. Những gốc cây rừng bị đốn hạ “ứa máu”, nay đâm lên những chồi non xanh như muốn ở lại với cánh rừng trước khi bị thay thế bởi những rừng keo, quế. Đi sâu vào khu vực lòng hồ Trúc Bài Sơn, toàn bộ diện tích thuộc các đảo nổi trong lòng hồ và khu vực khoảnh 19, tiểu khu 310 gần khu vực bờ đập Trúc Bài Sơn đã bị biến thành rừng sản xuất với các loại cây như keo, quế.

anh so 2
 

Đi cùng chúng tôi, ông Phạm Văn H.(xin được giấu tên - PV), trú tại xã Quảng Sơn chua xót cho chúng tôi biết: Vào năm 2015, hàng chục ha thông, cây rừng tự nhiên  trên 10 năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc, đã có những cán bộ xã Quảng Sơn bị kỷ luật về vụ phá rừng này. Một hai năm gần đây, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất trồng keo lại tiếp tục diễn ra dưới hình thức tinh vi hơn. Họ không chặt phá ồ ạt như trước nữa, mà hàng ngày họ âm thầm tiến vào những đồi keo trên 20 năm tuổi xen lẫn với những vạt rừng tự nhiên rồi dùng dao chặt, đẽo quanh những thân cây này. Chỉ vài tuần sau, lá cây úa vàng và khô héo, những đồi keo, vạt rừng tự nhiên chết khô một cách từ từ và rồi được thay thế bằng những đồi keo. 

Để ‘mục sở thị” cách tàn phá rừng tinh vi như đã nói ở trên, chúng tôi đi sâu vào vùng lõi, chỉ cách quả đồi bị “cạo trọc” tại khu vực lô 6, khoảnh 10, tiểu khu 310 chưa đầy 1km, sau khi băng rừng, lội suối, chúng tôi đã leo quả đồi với những cây keo hàng chục năm tuổi đang bị chết dần do bị chặt quanh thân cây. Thậm chí có những cây mới bị chặt quanh thân chưa lâu, nhựa cây ứa ra vón thành những cục bám xung quanh gốc cây đến khô cứng. Đứng dưới chân đồi nhìn lên là hàng chục cây keo cao gần chục mét chết khô, có những cây lá đang ngả vàng, héo úa. Kéo dọc từ chân đồi tới gần đỉnh đồi là những khúc gỗ keo bị đốn hạ có đường kính trên 30cm vất ngổn ngang, khúc cũ có, khúc mới bị cưa cũng có. Hàng loạt cây keo, gỗ rừng đều bị chặt quanh thân cây qua một thời gian cây khô héo rồi chết, thay vào đó những cây keo giống được trồng mới.

ảnh 3
Với thủ đoạn tinh vi chặt, đẽo quanh gốc những cây keo và cây rừng tự nhiên khiến rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp
 

Lợi dụng sự “lỏng lẻo” trong quản lý và chậm chuyển giao chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đau xót hơn cả vì mục đích để có đất trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế mà người dân đang hàng ngày lặng lẽ tiến vào rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn âm thầm triệt hạ những cánh rừng keo hàng chục năm tuổi cũng như những vạt rừng tự nhiên một cách không thương tiếc. Điều đáng nói, Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn thiết lập tới 3 trạm bảo vệ rừng, mỗi trạm bố trí từ 3 đến 4 cán bộ, nhưng “máu rừng” vẫn chảy trong thời gian qua.

Các cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn, ông Vũ Văn Quyết thừa nhận, tình trạng chặt phá rừng tại một số khoảnh rừng thuộc tiểu khu 310 là có thật. Năm 2013, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý 6.681ha rừng nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà. Đến cuối năm 2014, đơn vị tiếp tục được giao thêm trên 300 ha rừng sản xuất nằm trong lòng hồ Trúc Bài Sơn chuyển thành rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 310. Do việc bàn giao chưa hoàn tất, phần rừng phòng hộ đang chuyển giao cho đơn vị quản lý nằm đan xen, giáp ranh với diện tích rừng sản xuất của người dân. Những diện tích nằm sát với khu vực dân cư thuộc bản Quảng Mới, Nhì Cáu (xã Quảng Sơn), người dân đã sinh sống lâu đời tại đây và đang tham gia canh tác, sản xuất trước khi chuyển đổi thành rừng phòng hộ, nên vẫn còn hiện tượng một số hộ dân thu hoạch một số cây được trồng từ trước và trồng lại sau khi khai thác

Ông Vũ Văn Quyết, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn cho biết thêm, đối với tiểu khu 310, nằm trong khu vực lòng hồ Trúc Bài Sơn có diện tích trên 300ha rừng. Trước kia theo Quyết định 4039/QĐ-UBND ngày 27/12/2007 của UBND tỉnh về phân cấp 3 loại rừng thì diện tích rừng này thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Sau khi điều chỉnh cục bộ lại 3 loại rừng theo Quyết định 2668/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh thì diện tích này chuyển sang rừng phòng hộ. Diện tích này chưa nằm trong quyết định giao đất cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn. Sau khi phát hiện, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn phối hợp cùng chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn lập biên bản ngăn chặn, đồng thời tuyên truyền trực tiếp với người dân các bản Nhì Cáu, Quảng Mới, Lả Mố Coọc (thuộc xã Quảng Sơn) không trồng lấn chiếm vào rừng phòng hộ, cấm chặt phá và làm xâm hại đến rừng phòng hộ.

anh 4
Một cây keo có đường kính cả người ôm bị chặt quanh thân chết khô

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, hơn 300 ha rừng tại tiểu khu 310 từ trước khi chuyển đổi vẫn là vùng lõi của lòng hồ và là rừng phòng hộ. Thậm chí, theo quan sát của chúng tôi, trong khu vực lòng hồ Trúc Bài Sơn, toàn bộ diện tích thuộc các đảo nổi trong hồ đều được người dân trồng keo. Đặc biệt, tại quả đồi bị chặt, đốt phá nham nhở tại lô 6, khoảnh 10, tiểu khu 13 mới bị phát hiện gần đây, không những có hàng chục cây keo với độ tuổi trên 20 năm (trước đây do Lâm trường quản lý, bảo vệ) mà còn hàng chục cây gỗ rừng như: sồi, dẻ, chẹo...có đường kính 30cm bị chặt phá còn trơ lại gốc.

ảnh 6
Một quả đồi nằm cách Trạm bảo vệ rừng chưa đầy 1km bị chặt và đốt phá

Vì vậy, việc lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn lý giải và cho rằng diện tích rừng bị chặt phá, đốt cháy, và đang hàng ngày bị triệt hạ với thủ đoạn tinh vi như trên là do đang trong quá trình chờ các phòng chuyên môn hoàn thiện thủ tục bàn giao cho Ban quản lý, nên xảy ra chặn tình trạng chặt phá rừng là không tránh khỏi là thiếu trách nhiệm. Vì vậy, nên việc quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” và đang bị chặt hạ không thương tiếc.

anh so 7
Một móng nhà mới được xây nằm ngay trong vùng lõi rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn
 

Hơn nữa, theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017 của Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn gửi UBND huyện Hải Hà, trong mục công tác quản lý bảo vệ rừng không hề có một dòng nào đề cập đến việc phát hiện, lập biên bản, cũng như xử phạt một vụ việc chặt, phá, cũng như đốt rừng để trồng keo. Còn trong mục công tác phát triển rừng, thì có ghi đã thực hiện chăm sóc diện tích rừng trồng thay thế N3, N4 là 41,94 ha. Nhưng theo điều tra của chúng tôi, phần diện tích rừng trồng mới này chính là phủ xanh lên những đồi lau sậy, cỏ dại nơi mà mấy chục ha thông hàng chục năm tuổi bị tàn phá từ năm 2015 mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.

Trao đổi qua điện thoại phản ánh về tình trạng phá rừng và đặt lịch làm việc với Hạt trưởng Kiểm Lâm huyện Hải Hà, ông Nguyễn Văn Khuyên cho biết hiện đang đi công tác, có gì các anh cứ trao đổi với bên Ban Quản lý Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn là đơn vị quản lý chính. Khi đặt vấn đề làm việc với Hạt phó Kiểm lâm, ông Khuyên cho biết cấp phó của tôi cũng là người mới nên chưa nắm được rõ sự việc, rồi hẹn hôm khác làm việc và tắt máy.

Có thể thấy, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn diễn ra trong một thời gian dài, nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Hải Hà vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc quản lý, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, góp phần bảo vệ màu xanh của rừng.