Dự án đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương “đói vốn”

Tiếng dân - Ngày đăng : 23:42, 18/10/2018

(TN&MT) – Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan (Ninh Bình) có tổng chiều dài tuyến 12.335 m, với tổng mức đầu tư trên 372,1 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu ổn định dân cư phát triển kinh tế các vùng núi đặc biệt khó khăn phía Tây tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, đến nay dự án này đang trong tình trạng đói vốn, chậm tiến độ và không đáp ứng được mục tiêu ban đầu đã là nhãn tiền.
Anh 1
Tuyến đường “đói vốn” thi công dang dở nên xuất hiện rất nhiều ổ gà, gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.


Ngày 21/04/2011, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 282/QĐ – UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chủ đầu tư là UBND huyện Nho Quan. Loại công trình giao thông cấp II. Mục tiêu chủ yếu là phục vụ ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương, ổn định dân cư và phát triển kinh tế các vùng núi đặc biệt khó khăn phía tây tỉnh Ninh Bình. Góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng của mạng lưới giao thông trong khu vực nói riêng cũng như toàn huyện và tỉnh nói chung. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân.

Điểm đầu của tuyến giao với QL 12B tại Km27+700, điểm cuối đi vào cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tổng chiều dài tuyến 12.335m, đi qua 4 xã của huyện Nho Quan là Đồng Phong, Văn Phong, Văn Phương và Cúc Phương. Tổng mức đầu tư 372,139 tỷ đồng. Nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương, Chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công, tuyến đường “huyết mạch” này còn nhiều dang dở, công tác đền bù giải phóng mặt bằng mới được một phần nhỏ. Những đoạn đã thi công xong hoặc chưa thi công hoàn thiện đã bắt đầu xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Anh 2
Dự án có tổng mức đầu tư 372,139 tỷ đồng, tuy nhiên từ năm 2011 đến nay nguồn vốn mới chỉ giải ngân được 90 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường này cho biết: Tuyến đường thi công dở dảm này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Mùa mưa thì nhầy nhụa, mùa khô xe cộ đi thì bụi mù mịt. Nhiều nhà phải lắp 2 lượt cửa, treo rèm mà bụi vẫn bám đầy đồ đạc, vật dụng trong gia đình.

Đó là chưa kể đến nhiều đoạn đã dừng thi công nay đã bắt đầu xuống cấp, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ông Đinh Văn Hùng, xã Văn Phương – cho biết: Chúng tôi rất mong muốn các ổ gà được san lấp để người dân, đặc biệt là các cháu học sinh đi lại được an toàn hơn.

Cùng với đó là việc rất nhiều các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù cũng không tránh khỏi thấp thỏm, nhiều diện tích đất ruộng thuộc diện thu hồi đã tiến hành kiểm đếm nhưng chưa đền bù làm nhân dân không yên tâm sản xuất, thậm chí một số diện tích bị bỏ hoang.

Anh 3
Sau trận lụt lịch sử năm 2017 thì dốc Quèn Thạch mới được tỉnh Ninh Bình cấp nguồn 9 tỷ đồng để xử lý dốc, đảm bảo ứng cứu, phòng chống lụt bão, ngăn lũ.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trịnh Đức Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Dự án đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương đến nay cơ bản xong đoạn qua xã Đồng Phong với chiều dài 1km. Đoạn qua xã Văn Phương, Văn Phong mới chỉ tiến hành kiểm đếm, chưa đền bù. Còn đoạn dốc Quèn Thạch thuộc xã Cúc Phương sau trận lụt lịch sử tháng 10/2017 thì vừa mới được tỉnh Ninh Bình cấp vốn để xây dựng và làm tường kè nhằm phòng hộ, ngăn lũ.

Hiện, một số đoạn đã thi công nền sau thời gian và mưa lũ đã gây xói mòn, đoạn từ xã Văn Phong vào xã Cúc Phương mới chỉ có cấp phối đá dăm lu lèn chưa đảm bảo kỹ thuật nên đã xuống cấp.

Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 372,139 tỷ đồng, tuy nhiên từ năm 2011 đến nay nguồn vốn mới chỉ giải ngân được 90 tỷ đồng khiến dự án lâm vào tình trạng “đói vốn” gây chậm tiến độ.

Cũng theo ông Trịnh Đức Hưng, Dự án đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương “đói vốn”, chậm tiến độ làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, dân sinh, đặc biệt là công tác ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia.