Mường Tè - Lai Châu: Ai đang “bảo kê” cho vàng tặc?

Tiếng dân - Ngày đăng : 13:51, 17/10/2018

(TN&MT) – Thời gian qua, Doanh nghiệp Tư nhân Bảo Toàn đã tự “đẻ” ra cái Hợp đồng về việc thỏa thuận kè chắn lũ bảo vệ dân cư bản Pắc Pạ, tự ký với chính quyền...
(TN&MT) – Thời gian qua, Doanh nghiệp Tư nhân Bảo Toàn đã tự “đẻ” ra cái Hợp đồng về việc thỏa thuận kè chắn lũ bảo vệ dân cư bản Pắc Pạ, tự ký với chính quyền bản Pắc Pạ, đổi lại người dân “im lặng” để cho doanh nghiệp “cày xới” đất tìm vàng.

Thời gian qua, dòng suối Nậm Nhọ, bản Pắc Pạ, xã Vàng San, huyện Mường Tè đang bị Doanh nghiệp Tư nhân Bảo Toàn (Doanh nghiệp Bảo Toàn) mang máy xúc tới đào bới, xới tung lòng suối để khai thác vàng trái phép. Điều đáng nói là việc làm trái pháp luật này lại được phù phép bởi bản Hợp đồng thỏa thuận làm kè chắn lũ bảo vệ dân cư, tự ý ký với chính quyền thôn bản Pắc Pạ.
anh
Suối Nậm Nhọ bị chặn dòng, tan hoang do doanh nghiệp lợi dụng làm bờ kè khai thác vàng sa khoáng

Theo ghi nhận của phóng viên, cả một khu vực rộng lớn của lòng suối Nậm Nhọ đã bị Doanh nghiệp Bảo Toàn dùng máy xúc cày xới nham nhở, tan hoang, làm thay đổi dòng chảy một số đoạn suối Nậm Nhọ. Nguy hiểm hơn, có những khu vực bị hút sâu hàng chục mét, khối lượng đá cuội được đắp đống ngổn ngang.

Ông Vàng Văn Thuận, Trưởng bản Pắc Pạ, xã Vàng San cho biết: Do mùa mưa lũ đến, bản cũng đề nghị lên xã để xây dựng kè bảo vệ nhà cửa cho bà con, nhưng lâu quá không thấy được đầu tư, người dân trong bản lo sợ sạt lở nên có đề nghị Doanh nghiệp Bảo Toàn vào làm kè và người dân đồng ý cho doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng. Bản cũng biết là khai thác vàng như thế là sai, nhưng bà con đồng thuận mong muốn có kè bảo vệ bản.
anh 1
Dòng suối đục ngầu, được doanh nghiệp đào bới thành vũng sâu để tìm vàng

Trong bản Hợp đồng không số, được ký tháng 4/2018 giữa đại diện Trưởng bản Pắc Pạ và Doanh nghiệp Bảo Toàn có ghi: Kinh phí doanh nghiệp tự lo và không đòi chính quyền bà con dân bản… Đổi lại chính quyền Bản và bà con sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp được tận dụng làm sa khoáng (vàng) để trả tiền dầu mỡ, lương công nhân… trong phạm vi 1km chiều dài suối. Ngoài ra, trong Hợp đồng còn nhiều câu từ “cười ra nước mắt”, các điều khoản đưa vào câu trước “đá” câu sâu, nhưng trên hết về mặt pháp luật thì đây là Hợp đồng không có giá trị về pháp lý. Đấy là chưa nói Doanh nghiệp Bảo Toàn tự ý vào khai thác, tận thu vàng khi chưa có sự cấp phép của chính quyền địa phương.

Người dân bản trình độ hiểu biết hạn chế có thể thông cảm được, nhưng chính quyền địa phương nơi đây họ còn trả lời còn ngây ngô hơn, một vị lãnh đạo xã Vàng San cho biết:  Sở dĩ Doanh nghiệp Bảo Toàn làm được như vậy là do có một Hợp đồng thỏa thuận với người dân bản Pắc Pạ làm kè để chống sạt lở bảo vệ khu dân bản, đổi lại doanh nghiệp này sẽ được phép khai thác vàng sa khoáng để chi phí cho dầu mỡ và trả lương công nhân.
anh 3
Hợp đồng "bảo bối" của doanh nghiệp để "qua mặt" chính quyền địa phương ngoạn mục

Ông Lò A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San, huyện Mường Tè khẳng định: Xã đã làm tờ trình lên huyện xin kinh phí xây dựng bờ kè bảo vệ cho bà con, nhưng mấy năm rồi không thấy huyện bố trí được ngân sách để làm. Nguyện vong của bà con mong muốn bảo vệ nhà cửa không bị sạt lở là chính đáng, nên họ đã đề nghị doanh nghiệp vào làm kè, còn về khai thác vàng trái phép thì xã không đồng ý và cũng đã xử lý lập biên bản, nhưng thẩm quyền của xã có hạn nên xử lý vấn đề này rất khó.

Được biết, chính quyền huyện Mường Tè, Công an huyện và nhiều đoàn thể khác đã vào kiểm tra, nhưng khi về thì không có chỉ đạo cụ thể nào bằng văn bản, đó là lý do đến nay Doanh nghiệp Bảo Toàn vẫn “hồn nhiên” khai thác vàng sa khoáng vô tội vạ, làm suối Nậm Nhọ đục ngầu, bờ suối tan hoang, nham nhở. Trong khi, tài nguyên của Quốc gia đang bị đánh cắp, thất thu ngân sách.
anh 4
Nhà ở tạm bợ của công nhân Doanh nghiệp Bảo Toàn dựng ngay trên bãi khai thác vàng sa khoáng

Nhiều người dân thôn bản lân cận còn cho biết thêm, Doanh nghiệp Bảo Toàn lợi dụng việc làm bờ kè còn cho máy xúc vượt chỉ giới ký Hợp đồng với dân để khai thác vàng, nhưng vì đã đồng ý với doanh nghiệp nên người dân bản Pắc Pạ đành phải giữ im lặng.

Đề nghị UBND huyện Mường Tè, Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng trên. Đồng thời, nếu nơi đây có trữ lượng vàng sa khoáng lớn thì cần tổ chức thăm dò trữ lượng, báo cáo cụ thể để lập phương án và tổ chức cấp phép khai thác đúng quy định nhằm thu ngân sách cho địa phương và không bị thất thoát tài nguyên.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.