Tương Dương (Nghệ An): Dân “tố” thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:08, 20/09/2018

(TN&MT)– Hàng chục hộ dân sống tại bản Khe Bố, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) đã đồng loạt có đơn kiến nghị với cơ quan chức năng “tố” Nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ với lưu lượng lớn, thông báo cho dân chậm gây nên hiện tượng ngập lụt nặng, hư hỏng nhà cửa và nhiều tại sản giá trị của nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, phía nhà máy thủy điện lại cho rằng trách nhiệm không phải của họ.  

Người dân lo lắng, bức xúc
 

Theo đơn phản ánh của người dân bản Khe Bố, xã Tam Quang (huyện Tương Dương), họ là những hộ dân sống ngay trong lòng hồ thủy điện Chi Khê, là nơi khi nước dâng lên thì các hộ dân này là những người bị thiệt hại đầu tiên. Các hộ dân này cũng là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên khi nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ.
 

Đơn kiến nghị của 18 hộ dân bản Khe Bố, xã Tam Quang
Đơn kiến nghị của 18 hộ dân bản Khe Bố, xã Tam Quang

Cũng theo phản ánh, năm 2013, khi nhà máy thủy điện Khe Bố đi vào hoạt động và xả lũ lần đầu thì các hộ dân ở làng Khe Bố bắt đầu bị ngập úng, tài sản hư hỏng. Và mới đây, đỉnh điểm là vào ngày 19/7/2018, nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ gây ngập úng nặng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản. “Ngày 19/7/2018, chúng tôi nhận được thông báo qua loa đài xả lũ, nhưng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị di dời tài sản thì nước lũ ập đến.
 

Ông Hồ Văn Tuy, bản Khe Bố đang lôi điều hòa, ti vi, đầu karaoke… bị bùn đất do lũ nhấn chìm lên cho PV xem
Ông Hồ Văn Tuy, bản Khe Bố đang lôi điều hòa, ti vi, đầu karaoke… bị bùn đất do lũ nhấn chìm lên cho PV xem


Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ nên đành phải bỏ lại toàn bộ tài sản để cứu lấy tính mạng của mình…bên cạnh đó, việc ứ đọng nước lâu dài một phần do nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ, một phần do nhà máy thủy điện Chi Khê giữ nước không xả. Sau đó, chúng tôi đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng mong muốn được xem xét giải quyết về lâu dài cho chúng tôi yên tâm sinh sống, làm việc và có biện pháp để hỗ trợ, đền bù thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời chối bỏ trách nhiệm của nhà máy thủy điện Khe Bố, còn cơ quan chức năng thì không có văn bản trả lời…”” – Đơn kiến nghị của người dân nêu rõ.
 

Móng căn nhà mới làm của ông Trần Ngọc Định bị nứt toác
Móng căn nhà mới làm của ông Trần Ngọc Định bị nứt toác

Sự việc nêu trên chưa được giải quyết thì liên tiếp các ngày sau đó (ngày 17/8; 26/8), đặc biệt là ngày 31/8/2018, một lượng nước khổng lồ từ nhà máy thủy điện Khe Bố đổ về khiến người dân vô cùng lo lắng, bỏ lại hết những tài sản còn lại để chạy…thoát thân.
 

Chiều ngày 12/9, khi chúng tôi có mặt tại bản Khe Bố để tìm hiểu sự việc, hàng chục người dân đã kéo ra và đồng loạt “tố” nhà máy thủy điện xả lũ là nguyên nhân chính khiến cho nhà cửa, tài sản của họ bị ngập lụt, hư hỏng.
 

Ông Hồ Văn Tuy, một trong những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất do các đợt lũ lụt vừa qua, cho biết: “Chúng tôi sống ở đây đã lâu lắm rồi nhưng chưa bao giờ bị ngập lụt kiểu như đợt vừa qua. Các phòng kinh doanh karaoke của gia đình chúng tôi bị ngập sâu trong bùn nước, lũ lên nhanh và bất ngờ nên không kịp lấy cái gì cả. Từ màn hình tivi, đầu karaoke, tủ lạnh, điều hòa…đều bị hư hỏng hết. Thiệt hại kinh tế lớn vô cùng”.
 

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tâm bị hư hỏng nặng, phải đi ở nhà nhà hàng xóm
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tâm bị hư hỏng nặng, phải đi ở nhà nhà hàng xóm

Giống như ông Tuy, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tâm còn bi đát hơn. Được biết, căn nhà của bà Tâm được xây vào năm 2000, nhà chỉ có 2 mẹ con đơn thân sống ổn định từ đó đến nay. Thế nhưng, đợt lụt vừa qua đã khiến cho ngôi nhà của bà bị hư hỏng nặng, nứt toác nhiều nơi, sập cửa, sập tường rào…không thể ở được nên hiện nay bà trở thành “vô gia cư” và phải đi sống nhờ nhà người quen tại nông trang Bãi Sở.
 

Còn ngôi nhà của ông Trần Ngọc Định ở gần đó cũng đã bị nứt toác phần móng với chiều dài hàng chục mét, rộng vài xen ti mét, có nguy cơ đổ sập nếu tiếp tục có lũ lụt. “Cách đây mấy năm, ngôi nhà cũ của tôi đã bị đổ sập do mưa lũ, trắng tay nên phải bỏ xứ đi sang Lào làm ăn. Tích cóp mãi có tiền cất căn nhà gỗ này mới được vài năm nhưng nay lũ lụt do thủy điện xả lũ lại gây nứt toác, hư hỏng, nghiêng nhà thế này chắc lại trắng tay quá”.

Được biết, trong các đợt lũ lụt vừa qua, ngoài hộ gia đình ông Tuy, bà Tâm, ông Định thì có hàng chục hộ gia đình khác cũng bị ngập lụt, thiệt hại lớn về kinh tế.

Hàng chục hộ dân tập trung “tố” nhà máy thủy điện xả lũ là nguyên nhân khiến nhà họ bị ngập
Hàng chục hộ dân tập trung “tố” nhà máy thủy điện xả lũ là nguyên nhân khiến nhà họ bị ngập

 

Thủy điện chối bỏ trách nhiệm?
 

Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của 18 hộ dân ở bản Khe Bố, các hộ dân này đền đồng loạt kiến nghị cần phải khảo sát lại địa bàn nơi người dân đang ở và có biện pháp kịp thời giải quyết về lâu dài để họ yên tâm sản xuất, sinh sống; các hộ dân dọc theo sông ở bản Khe Bố nằm trong lòng hồ thủy điện Chi Khê và dưới hạ du thủy điện Khe Bố và Bản Vẽ nên họ mong muốn di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; Nhà máy thủy điện phải hỗ trợ, đền bù thiệt hại về tài sản cho người dân do ngập lụt vừa qua.
 

Nhà máy thủy điện Khe Bố được cho là thủ phạm gây ngập lụt nặng chưa từng có cho người dân bản Khe Bố
Nhà máy thủy điện Khe Bố được cho là thủ phạm gây ngập lụt nặng chưa từng có cho người dân bản Khe Bố


Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Văn Mạnh – Phó giám đốc nhà máy thủy điện Khe Bố, lại cho rằng, việc người dân bị ngập lụt, hư hỏng tài sản nguyên nhân không phải do nhà máy này xả lũ. “Việc người dân phản ánh nhà máy xả lũ gây ngập lụt chúng tôi đã nắm được. Tuy nhiên, nhà máy thủy điện Khe Bố hoạt động điều tiết ngày, không có chức năng cắt lũ nên không thể nói là chúng tôi xả lũ gây ngập lụt được”. Cũng theo ông Mạnh, nhà máy đã có hỗ trợ ban đầu cho các hộ gia đình bị thiệt hại do lũ mỗi hộ 1 triệu đồng. Còn về việc người dân yêu cầu nhà máy đền bù thì phải chờ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định rõ nguyên nhân người dân bị ngập lụt có phải do nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ hay không rồi mới có cơ sở để giải quyết.
 

Biên bản thiệt hại do ngập lụt của 1 trong số các hộ dân ở bản Khe Bố
Biên bản thiệt hại do ngập lụt của 1 trong số các hộ dân ở bản Khe Bố


Còn ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, trao đổi: “Chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị của người dân bản Khe Bố nói về việc nhà máy thủy điện xả lũ gây ngập lụt, thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Sau khi nhận được phản ánh thì huyện đã chỉ đạo UBND xã Tam Quang phải kiểm tra thực tế, tuyên truyền cho người dân cần bình tĩnh để giải quyết”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hải, việc người dân bị ngập lụt liên tiếp trong thời gian ngắn đã gây ra mệt mỏi và lo lắng cho lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương. Mấy tháng qua, tất cả hệ thống chính trị đều chỉ tập trung vào việc phòng, chống và khắc phục lũ lụt, không làm được việc gì cả. Về lâu về dài như vậy là không ổn chút nào. Việc nhà máy thủy điện xả lũ chắc chắn là có ảnh hưởng đến việc ngập lụt hạ du – việc này không ai có thể chối cãi được.

 

“Chúng tôi đề xuất với các đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An là cần phải giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ. Quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay theo tôi cũng không sát thục tế, có vấn đề; việc chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện theo quy định cũng khiến cho việc ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà máy thủy điện vận hành gây ra hệ lụy, ngập lụt, gây thiệt hại lớn cho người dân thì thủy điện phải có trách nhiệm chứ. Nếu không huyện sẽ có biện pháp mạnh, kiến nghị không cho tích nước, căng lắm có thể kiến nghị đóng cửa nhà máy” – Ông Nguyễn Văn Hải quả quyết.
 

Tại Báo cáo số 328/BC.ĐTTLN, ngày 04/9/2018 của Đoàn kiểm tra liên ngành UBND tỉnh Nghệ An về “đánh giá tác động của thủy điện đối với điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tồn tại bất cấp và giải pháp trong thời gian tới” đã chỉ rõ nhiều bất cấp trong công tác vận hành, quản lý của Nhà máy thủy điện Khe Bố. Cụ thể, việc quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu của đơn vị quản lý vận hành hồ Khe Bố còn thiếu nhiều; công ty đã lắp đặt hệ thống camera giám sát mực nước thượng lưu, hạ lưu và các cửa xả tràn theo quy định của Quy trình nhưng thường xuyên bị trục trặc không theo dõi được. Chưa thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định…