Đà Nẵng: Dân mừng vì lối xuống biển được “trả lại”

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:18, 17/08/2018

(TN&MT) - Vấn đề thu hồi đất dự án, để mở lối đi xuống biển cũng đã nhiều lần làm “nóng” các kỳ họp ở Đà Nẵng. Song, trên thực tế để thu hồi dự án hay một phần dự án đã giao cho các nhà đầu tư không phải là việc dễ. Thế nhưng, mới đây UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành 2 thông báo số 111/TB-UBND và 112/TB-UBND, về việc thu hồi đất để thực hiện dự án lối xuống biển.
Người dân Đà Nẵng đã nhiều lần than phiền vì không có lối xuống biển
Người dân Đà Nẵng đã nhiều lần than phiền vì không có lối xuống biển
 

Dân “bí” lối xuống biển

Theo tìm hiểu của PV, chỉ tính riêng thời điểm từ năm 2001 đến 2015, hàng nghìn ha đất ven biển đã được bán cho các nhà đầu tư phát triển các dự án nghỉ dưỡng. Kéo theo đó là nhiều khách sạn, resort liên tiếp mọc lên trên các bãi biển, dự án nối tiếp dự án khiến để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, có việc bịt kín hết các lối xuống biển của người dân địa phương lẫn du khách.

Tại quận Ngũ Hành Sơn, một trong những “điểm nóng” về việc người dân bí bách không có đường xuống biển ở Đà Nẵng trong thời gian gần đây, dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp đến Trường Sa hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát. Trong đó, có thể kể đến hàng loạt khu du lịch đẳng cấp như Premier Village, Pullman Resort, Furama Resort, Fusion Maia Resort, Olalani Rerort...

Cũng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, bên cạnh những dự án đã đi vào hoạt động hoặc đang xây dựng cũng có không ít các dự án “treo”, dự án “xí phần”. Những dự án này mặc dù chưa xây dựng nhưng cũng rào chắn, che chắn kín mít càng khiến việc đi xuống biển của bà con địa phương rất khó khăn. Đơn cử như, suốt dọc chiều dài khoảng 4 - 5 km từ bãi tắm Sao Biển đến bãi tắm Sơn Thủy không có lối đi xuống biển dành cho người dân địa phương lẫn du khách.

Tương tự, người dân địa phương hoặc khách du lịch nếu đi thẳng đường Hồ Xuân Hương là có thể xuống biển. Thế nhưng, cuối con đường này là hai dự án nghỉ dưỡng to "vật vã" án ngữ. Thế nên, muốn tắm biển mọi người cũng phải đi lòng vòng cho dù khu vực bãi biển này là bãi tắm truyền thống có từ lâu đời ở Đà Nẵng.

Qua tiếp xúc, nhiều người dân tại khu vực này cho hay, trước đây họ rất dễ dàng đi xuống biển. Thế nhưng, những năm gần đây dọc bãi biển xuất hiện một loạt dự án. Có dự án đã đưa vào khai thác, có dự án chưa xây dựng. Nhưng, tất cả đều bịt kín che chắn hết các lối xuống biển. Sáng dậy, muốn đi tắm biển một chút cũng phải đi vòng vèo...

Thu hồi đất dự án

Vấn đề thu hồi đất dự án, để mở lối đi xuống biển cũng đã nhiều lần làm “nóng” các kỳ họp ở Đà Nẵng. Song, trên thực tế để thu hồi dự án hay một phần dự án đã giao cho các nhà đầu tư không phải là việc dễ. Điều này rất dễ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Có trường hợp doanh nghiệp cũng đã phản ứng, khiếu kiện khi chính quyền thu hồi đất để mở lối đi xuống biển. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành 2 thông báo số 111/TB-UBND và 112/TB-UBND, về việc thu hồi đất để thực hiện dự án lối xuống biển.

Nhiều dự án bỏ hoang nhưng dân không có lối xuống biển
Nhiều dự án bỏ hoang nhưng dân không có lối xuống biển
 

Theo đó, tại khu vực dự án Khu du lịch giải trí quốc tế Silver Shores Hoàng Đạt, nằm trên địa bàn phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có diện tích thu hồi là 1.911m2 đất để phục vụ nhu cầu mở lối xuống biển. Trong đó, diện tích đường giao thông và sân bãi là 430m2, diện tích trồng cây xanh, thảm cỏ là 1.481m2.

Được biết, dự án này được đầu tư xây dựng, kinh doanh tổ hợp khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao kết hợp với trung tâm hội nghị quốc tế; xây dựng, kinh doanh biệt thự cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Tương tự, lối xuống biển tại khu vực dự án Future Property Invest nằm trên địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cũng được thu hồi một phần với diện tích 2.028m2. Trong đó, diện tích đường giao thông và sân bãi 1.520 m2; 508 m2 còn lại để trồng cây xanh, thảm cỏ.

UBND TP. Đà Nẵng cũng đã giao UBND quận Ngũ Hành Sơn thành lập hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định ranh giới, cắm mốc vùng dự án trên thực địa, tránh việc chồng lấn ranh giới các dự án khác theo quy hoạch. Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và lập đầy đủ thủ tục về đất đai, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất theo đúng quy định hiện hành…

Cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ có những điều chỉnh quy hoạch không gian nhiều khu vực đô thị, bao gồm không gian ven biển, các khu trung tâm. Với mục tiêu hướng tới khắc phục những nhược điểm hiện hữu, tạo không gian mở cho tiếp cận cộng đồng, phát triển các lợi ích của đa số người dân ở các khu vực tiềm năng, tiếp cận các chỉ tiêu phát triển đô thị hiện đại, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.