Hậu Lộc (Thanh Hóa): Dân phản đối cơ sở thu mua phế liệu gây ô nhiễm môi trường
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:16, 18/06/2018
Ngày 30/7/2012, gia đình ông Hoàng Đình Phú đăng ký hộ kinh doanh thu mua phế liệu. Chỉ sau vài năm, số lượng phế liệu được cơ sở thu mua tăng cao, thiếu kiểm soát cộng với bãi tập kết phế liệu quá tải, nên hoạt động đốt phế liệu nhựa và cao su diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường xung quanh và cản trở giao thông đi lại.
Có mặt tại cơ sở thu mua phế liệu của hộ gia đình ông Hoàng Đình Phú, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là mùi khói khét lẹt, khó chịu được bốc lên từ lò đốt nằm trong xưởng tập kết, do cơ sở thu mua nằm trong khu vực dân cư vì vậy việc gây ô nhiễm đối với các hộ dân xung quanh là điều dễ hiểu. Đi sâu vào trong bãi tập kết, qua quan sát, phế liệu được thu mua từ nhiều nơi đang nằm ngổn ngang, chất đống ở mọi nơi, do sức mua phế liệu mỗi ngày một nhiều cộng với việc bãi tập kết không đủ sức chứa vì thế được đã tập kết phần lớn phế liệu dọc hai bên đường trước cửa nhà, gây khó khăn cho các phương tiện đi lại mỗi khi lưu thông qua đoạn đường này.
Một số người dân sống gần cơ sở thu mua phế liệu, bức xúc chia sẻ: Mặc dù ông Phú là người địa phương, việc gia đình ông mở cơ sở thu mua tốt ở việc tạo việc làm cho bà con, nhưng việc thường xuyên đốt phế liệu bốc mùi khét khó chịu thì người dân chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, chỉ sợ nhất là trẻ nhỏ hít phải khói độc rồi mang bệnh vào thân. Ngoài ô nhiễm ra, con đường duy nhất đi vào nhà chúng tôi được ông Phú tập kết phế liệu bừa bãi, nhiều hôm trời tối nếu không vững tay lái rất dễ va phải các bãi phế liệu, đề nghị trong thời gian tới gia đình ông Phú không đốt phế liệu và thu dọn toàn bộ phế liệu vào bãi tập kết, trả lại con đường thông thoáng cho người dân qua lại được dễ dàng.
Do đặc tính của phế liệu là dễ cháy, nên việc bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy tại cơ sở thu mua phế liệu của gia đình ông Phú cần phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên tại thời điểm phóng viên có mặt thì hệ thống phòng cháy chữa cháy còn thiếu thốn, toàn bộ số lượng bình cứu hỏa được ông Phú cất giấu ở nơi phủ đầy bụi bặm đến khó tìm, phải chăng đây là việc làm vô ý hay sự thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ của chủ cơ sở?
Trao đổi với chủ cơ sở, ông Hoàng Đình Phú, cho biết: Việc đốt phế liệu nhựa là để tận dụng, còn việc phế liệu được tập kết dọc hai bên đường là có thật, do thời gian gần đây phế liệu mà chúng tôi thu mua bán đi khá chậm, bãi tập kết phế liệu thì nhỏ nên đành phải tập kết tạm thời ngoài đường một thời gian. Tôi hứa trong thời gian tới, sẽ hạn chế việc đốt phế liệu, đồng thời sẽ dọn dẹp toàn bộ phế liệu ngoài đường vào bãi để trả lại con đường đi lại cho người dân địa phương
Khi PV hỏi về việc tại sao hệ thống phòng cháy chữa cháy của cơ sở là sơ xài, thiếu thốn như vây? Ông Phú trả lời, chúng tôi có bình cứu hỏa, nhưng không treo gần bãi tập kết vì sợ nhân công nhầm bình cứu hỏa là phế liệu đồng nát.
Ông Đoàn Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, cho biết: Việc đốt phế liệu gây ô nhiễm của cơ sở nhà ông Hoàng Đình Phú là có thật, khi phát hiện sai phạm, phía chính quyền đã cử người xuống kiểm tra và đề nghị ngừng ngay việc đốt phế liệu gây ô nhiễm, sắp xếp thu dọn toàn bộ phế liệu ngoài đường vào bãi tập kết. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời chủ cơ sở lên làm việc và xây dựng phương án chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, qua đó sẽ giám sát chặt chẽ
Như vậy, ngoài việc tạo “công ăn, việc làm” cho người dân địa phương thì phía cơ sở thu mua phế liệu của hộ gia đình ông Hoàng Đình Phú phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, công tác phòng tránh cháy nổ, thu dọn toàn bộ phế liệu tập kết hai bên đường. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và huyện Hậu Lộc cần kiểm tra làm rõ việc cơ sở phế liệu gây ảnh hưởng đến môi trường.