Ba Vì (Hà Nội): Bến bãi tập kết VLXD hoạt động không phép nhiều năm
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:46, 14/06/2018
Hoạt động không phép nhiều năm
Có mặt tại bãi tập kết cát, sỏi của bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Công ty TNHH Đăng Hà thuộc xã Chu Minh (huyện Ba Vì – Hà Nội), PV nhận thấy lượng cát, sỏi án ngữ trong bãi còn rất nhiều, hàng “núi cát” chồng chất sừng sững mọc trên bãi.
Theo tìm hiểu của PV, tổng diện tích của công ty khoảng 5.000 m2, trong đó diện tích bãi chứa gần 2.000 m2. Khi PV đặt câu hỏi tại sao không có phép mà bến bãi vẫn hoạt động kéo dài và thường xuyên, ông Đỗ Công Hải – chồng của bà Nguyễn Thị Hà trả lời vòng vo: “Chúng tôi sản xuất kinh doanh đàng hoàng. Đất ở đây có nguồn gốc là đất kinh doanh. Bến bãi hoạt động gần 20 năm nay rồi…”
Cách bến bãi của bà Hà không xa, khối lượng cát tồn đọng tại bãi chứa trung chuyển VLXD của công ty TNHH dịch vụ thương mại và xây dựng Thành Huy (xã Chu Minh) do ông Nguyễn Thành Đạt làm chủ cũng nhiều không kém.
Sau khi “kêu khó” về những vướng mắc trong suốt thời gian “hoạt động chui”, ông Nguyễn Thành Đạt biện minh: “Chúng tôi chỉ là những người lao động, làm ăn nhỏ lẻ, làm nghề thương mại. Không có gì là ghê gớm. Đây là nghề Nhà nước cho phép để phục vụ nhân dân. Có phải là nghề đánh bạc, buôn thuốc phiện đâu? Đất của dân thì dân làm, không vi phạm gì quá lớn là được!”.
Hoạt động suốt một thời gian dài không phép, thế nhưng ông Đạt vẫn cho rằng bến bãi của ông hoạt động là điều bình thường, không vi phạm pháp luật. Liệu rằng vị chủ bãi này – người đứng đầu một công ty có diện tích bãi chứa lớn nhất trên địa bàn huyện Ba Vì (7.219 m2 theo số liệu vào tháng 3/2016 do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp) đang không biết hay cố tình vi phạm pháp luật?
Để làm rõ thông tin người dân các xã của huyện Ba Vì phản ánh về việc các bến bãi tập kết VLXD hoạt động không phép nhiều năm nhưng không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý triệt để, PV Báo TN&MT tiếp tục mục sở thị bến bãi của ông Nguyễn Quốc Văn (xã Đông Quang). Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Gia Vũ do ông Nguyễn Quốc Văn làm chủ đã tự giải tỏa 100% VLXD trên bãi vào tháng 3/2016. Tuy nhiên, vào thời điểm PV có mặt (ngày 31/5/2018), lượng cát vàng và sỏi tại bãi vẫn còn khá nhiều. Một nhân viên của công ty cho biết: Công ty em bán cát vàng với giá từ 280.000 đến 300.000 đồng/m3, sỏi với giá 210.000 đồng/m3. Câu hỏi đặt ra là: Chủ bãi có nghiêm túc thực hiện việc giải tỏa VLXD như thông tin Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cung cấp hay chỉ giải tỏa cho có, sau đó lại thu mua cát, sỏi để tiếp tục kinh doanh? Nếu đã giải tỏa 100% VLXD thì công ty này lấy cát, sỏi ở đâu ra để bán với giá như trên?
Chính quyền “né” báo chí?
Ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ba Vì cho biết: Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có 22 bãi chứa trung chuyển vật liệu ven sông, trong đó chỉ có 9 bãi phù hợp với quy hoạch bãi chứa theo Quyết định 711 ngày 1/2/2013 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và 13 bãi không có trong quy hoạch 711 nhưng đề xuất bổ sung quy hoạch.
Để có cái nhìn khách quan về nội dung người dân phản ánh, sau nhiều lần liên hệ với ông Đỗ Hữu Hợp - Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng để đặt lịch làm việc không thành, PV đã đặt giấy giới thiệu tại Văn phòng UBND thị trấn Tây Đằng vào ngày 31/5 và gặp ông Bùi Phú Hòa – công chức Địa chính - xây dựng của UBND thị trấn cùng ngày. Lấy lý do “mới về thị trấn được hơn một năm nên chưa kiểm tra hồ sơ về các bến bãi bao giờ”, mọi câu hỏi PV đặt ra ông Hòa đều trả lời “Em không biết!”...
Tiếp tục nhằm làm rõ thông tin người dân phản ánh, PV đã gặp ông Nguyễn Thành Sơn – Chánh Văn phòng UBND huyện Ba Vì để đặt lịch làm việc với ông Bạch Công Tiến – Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, dù chỉ là đặt lịch làm việc, chứ không yêu cầu gặp trực tiếp ngay lãnh đạo huyện, PV đã gặp rất nhiều khó khăn. “PV muốn làm việc với lãnh đạo huyện thì phải có văn bản đề nghị làm việc gửi cho… Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, sau đó Phòng sẽ báo cáo vào cuộc họp giao ban tuần vào thứ 6 hàng tuần hoặc báo cáo đột xuất với lãnh đạo huyện, đề nghị lãnh đạo huyện xếp lịch tiếp Báo. Sau khi đồng chí Chủ tịch hay Phó Chủ tịch phụ trách mảng đó sắp xếp lịch làm việc với PV, tôi là người tổng hợp và vào lịch”...
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 ngày, PV vẫn không nhận được hồi âm từ phía các cơ quan chức năng của UBND huyện Ba Vì.