Nhiều năm sống cực hình bên trại heo ô nhiễm

Tiếng dân - Ngày đăng : 22:08, 19/05/2018

(TN&MT) - Nhiều năm qua, người dân sống ở 2 thôn Cẩm Bình và Châu Giang (xã Hneng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) luôn sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt do một trại heo trên địa bàn gây ra.
HEO 1
Người dân ngao ngán vì nhiều năm qua sống cùng với mùi hôi thối

Theo phản ánh, hơn 5 năm qua, người dân thường xuyên bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối bao trùm phát từ trang trại nuôi heo theo chuẩn CP của cơ sở Hoàng Oanh, khiến cuộc sống bị đảo lộn. Chưa hết dòng nước thải đen kịt thường xuyên xả trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Ghi nhận tại hiện trường thì thấy, phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Tại đây, dù đứng cách xa trại heo hàng trăm mét nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc. Tại khu vực xả thải của trang trại, 3 hồ chứa có màu nước đen kịt, đặc quánh và nồng mùi thối.

Theo bà Ngô Thị Thanh Huyền (trú thôn Châu Giang), gia đình bà sống ngay sát trang trại heo Hoàng Oanh. Đã hơn 5 năm nay, gia đình bà luôn phải sống chung với mùi hôi thối, tình trạng ô nhiễm theo cấp số nhân, càng ngày càng nghiêm trọng. Theo bà, ngày thường, khoảng 20 cái quạt gió thổi trực tiếp mùi hôi thối từ trại heo sang nhà bà khiến ai cũng có cảm giác lộn mửa. Chưa hết, vào những ngày mưa to, nước thải còn tràn sang vườn cà phê nhà bà Huyền khiến nhiều cây bị chết ngợp. “Không thể chịu đựng nổi cảnh sống cực hình này, gia đình tôi cũng như nhiều người khác đã liên tục gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng từ huyện tới tỉnh, thậm chí đến Trung ương nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm thậm chí còn nặng nề hơn”, bà Huyền bức xúc.

HEO 2
Những chiếc quạt thổi trực tiếp mùi hôi đến rẫy xung quanh của các hộ dân 

Còn theo ông Vũ Văn Thìn - Trưởng thôn Cẩm Bình, từ năm 2013, khi trại heo Hoàng Oanh đi vào hoạt động thì khu vực hai thôn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng rồi. Theo ông Thìn, rất nhiều người già, trẻ nhỏ trong 2 thôn sống xung quanh trang trại này đã đều có biểu hiện bệnh tật liên quan đến hô hấp. Những đàn ruồi, muỗi khổng lồ sinh ra từ các hồ nước thải của trại heo cũng gây khó chịu cho cuộc sống của mọi người và phát sinh nhiều loại bệnh tật. Ngoài ra, nhiều hộ sử dụng giếng ngầm cũng bị ảnh hưởng bởi nước bơm lên có mùi rất hôi, không thể dùng cho người uống được.

Theo tài liệu chúng tôi có được thì trại heo trên đi vào hoạt động từ năm 2013, có tổng diện tích khoảng 10.000m2, khoảng cách từ cơ sở đến khu dân cư gần nhất khoảng 400m; đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và được UBND huyện Đak Đoa xác nhận tại thông báo số 180/TB-UBND ngày 14/11/2012 với quy mô 950 con/đợt. Vào ngày 31/8/2017, do cơ sở chăn nuôi trên không thực hiện theo nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường nên đã bị UBND huyện Đak Đoa xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3 triệu đồng...

HEO 3
Nước thải được xả ra môi trường, màu nước đen kịt, đặc quánh và nồng mùi hôi thối

Theo chỉ đạo của Tổng cục Môi trường, vào ngày 3/5/2018, Đoàn kiểm tra do bà Lê Thị Hồng Quyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở chăn nuôi heo Hoàng Oanh. Kết quả kiểm tra thực tế thể hiện, cơ sở họạt động bình thường, số lượng đàn heo lúc đó là khoảng 4.000 con, tức là gấp hơn 4 lần theo giấy phép. Nước thải từ quá trình chăn nuôi được thải ra 3 hồ xử lý tập trung, trong đó có 1 hồ được xử lý bằng hệ thống Biogas, 2 hồ không được lót đáy. Đoàn kiểm tra cho rằng quá trình hoạt động chăn nuôi heo của cơ sở có phát hiện mùi hôi thối làm ảnh hường đến môi trường dân cư xung quanh.

Do đó, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt là dưới 1.000 con; khẩn trương tiến hành cải tạo hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường phải đạt theo quy chuẩn hiện hành; xử lý mùi hôi gây ô nhiễm môi trường dân cư xung quanh trong quá trình hoạt động chăn nuôi heo; trước khi tái đàn mới, cơ sở phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND huyện Đak Đoa, xã Hneng tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện cam kết của chủ cơ sở chăn nuôi để thông tin kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường biết, chỉ đạo.

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Trung Nhân - Chủ tịch UBND xã Hneng nói rằng, đây là vấn đề mà người dân ở đây hết sức bức xúc, liên tục phản ánh trong các buổi làm việc tại thôn, xã. “Là một lãnh đạo của xã, tôi cũng đã đi thực tế ghi nhận, tiếp xúc lấy ý kiến của người dân, đồng thời phản ánh lên các cơ quan ban ngành cấp trên để tìm hướng giải quyết song đến nay vẫn chưa dứt điểm. Tôi rất mong báo chí phản ánh mạnh mẽ, sâu rộng để các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý triệt để, nhằm trả lại môi trường trong sạch để người dân yên tâm sinh sống”, ông Nhân khảng khái chia sẻ.