Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Chung tay góp sức hồi sinh thành công ao hồ

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:18, 07/05/2018

(TN&MT) - Ao hồ đóng góp một phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp cũng như điều hòa môi trường khí hậu. Hiểu rõ về vấn đề này, UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) cùng người dân các thôn, xã đã cùng nhau chung tay góp sức hồi sinh, cải tạo thành công hàng chục ao hồ trên địa bàn huyện.
Diện mạo mới của ao hồ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng
Diện mạo mới của ao thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng

Được sự quan tâm của Nhà nước cũng như các nguồn xã hội hóa, hàng chục ao hồ trên địa bàn huyện Đan Phượng đã được cải tạo thành công. Không còn là những hồ nước ô nhiễm, ao tù thiếu sự sống mà thay vào đó là những ao hồ được kè gọn gàng, sạch sẽ được bao quanh bởi không gian xanh tươi mát của những hàng cây, bồn hoa, tất cả như được khoác lên mình một màu áo mới.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số là 144 ao hồ lớn nhỏ, trong đó có 57 ao hồ được kè, xây lan can và hàng rào xung quanh. Các xã Tân Lập, Đan Phượng, Liên Hồng là một trong số những xã có nhiều ao được cải tạo nhất. Đây cũng là những xã đi đầu trong phong trào kè ao, tái tạo cảnh quan ao hồ bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp. Việc cải tạo ao hồ có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường cũng như cuộc sống của các khu dân cư gần địa bàn ao hồ”.

“Với việc kè xung quanh bờ sẽ tránh được việc người dân san lấp, lấn chiếm diện tích ao hồ phục vụ cho mục đích cá nhân. Bên cạnh đó, ngăn không cho đường nước thải sinh hoạt chảy ngược xuống các ao gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời xây dựng, thiết kế hệ thống thoát nước tự động khi mực nước cao hơn định mức cho phép nước sẽ tự động thoát để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tắm ở dưới hồ. Ngoài ra lượng nước dưới ao hồ sẽ phục vụ cho việc phòng cháy chữa cháy khi có sự cố xảy ra” – ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, giai đoạn tiếp theo sau khi kè ao hồ, chính quyền địa phương cùng người dân triển khai trồng thêm cây xanh quanh khu vực kè bờ, tạo bờ mặt nền dưới cho các ao, đảm bảo đủ độ sâu và an toàn cho trẻ khi trẻ tắm mát vào mỗi dịp hè. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang cố gắng bổ sung thêm lan can bao quanh các hồ, để đảm bảo tuyệt đối sự an toàn cho người sống quanh, cũng như tạo cảnh sắc bắt mắt, hài hòa cho không gian. Ghế đá bố trí đặt ven hồ để bà con xóm làng nghỉ chân, ngồi hóng mát mỗi khi đi dạo quanh hồ.
 

Ao hồ ở thôn Đoài Khê được kè lại sạch đẹp
Ao ở thôn Đoài Khê được kè lại và xây lan can sạch đẹp

Theo tìm hiểu của PV, phong trào cải tạo ao hồ được người dân tham gia tích cực, ngoài việc đóng góp về mặt kinh tế, mỗi cá nhân sống quanh khu vực ao hồ đã được cải tạo còn tích cực tham gia quét rác và lá cây xung quanh ao hồ vào mỗi buổi chiều, trồng thêm cây xanh và bồn hoa xung quanh góp phần làm cho cảnh quan thêm sạch đẹp, văn minh.

Việc kè lại các ao hồ đã tạo không gian trong lành thoáng mát cho khu phố, là nơi thư giãn, giải trí nên được người dân hết sức ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Hậu, thôn Đồng Tháp, Đan Phượng bày tỏ: “Nhà tôi ở cạnh ao mới được kè, trước đó nước ô nhiễm nên không ai dám xuống giặt giũ ở dưới ao. Từ sau khi cải tạo lại ao, một số nhà trong xóm đã mang đồ ra giặt vì nước sạch hơn, không còn mùi tanh và khó chịu như trước”.

Cùng chung ý kiến với ông Hậu, bà Bùi Thị Chọn, thôn Đoài Khê, Đan Phượng chia sẻ: “Trước đây khi chưa kè ao, nước trong ao rất bẩn, màu đục ngàu vì nước thải sinh hoạt chảy xuống nhiều nên rất ô nhiễm. Từ khi chính quyền cho kè lại ao chúng tôi thấy môi trường trong sạch hơn, nước không bị nhiễm đục nữa, người dân có chỗ hóng mát, vui chơi, nhìn khu phố cũng đẹp đẽ văn minh hơn.”

Chia sẻ về những khó khăn trong việc kè ao hồ, ông Bùi Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết: “Khi thực hiện kè ao, có một số hộ gia đình đã lấn chiếm diện tích của ao hồ, vì đây là đất công của xã nên chúng tôi đã kết hợp thuyết phục cùng với việc cưỡng chế để người dân trả lại diện tích ao hồ để kè ao và tái tạo lại môi trường xung quanh. Ngoài ra có một số ao hồ với diện tích lớn chưa được kè do kinh phí của địa phương còn hạn hẹp”.

Về những biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường ao hồ sau khi được kè, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Chi hội phụ nữ ở các xã sẽ đảm nhận việc dọn dẹp về sinh quanh ao hồ vào những buổi chiều tối. Khi thấy có rác thải vứt xuống ao hồ, họ sẽ vận động người dân xuống vớt lên để xử lý, đảm bảo vệ sinh nguồn nước trong ao. Việc chăm sóc, trồng thêm cây xanh, các bồn hoa được Hội Cựu chiến binh các xã đảm nhận. Cùng với đó cấp chính quyền cần đẩy mạnh làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tiếp tục ủng hộ, chung sức giữ vững và nâng cao các mục tiêu đã đạt được”.