Vĩnh Phúc: Người dân 'tố' các nhà máy ở Tam Dương xả thải gây hại môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 00:00, 18/12/2016

(TN&MT) - Nhiều người dân ở xã Hợp Thịnh cho rằng,một số nhà máy trong cụm công nghiệp Hợp Thịnh xả thải gây hại môi trường. Họ đã kiến nghị  lên...
(TN&MT) - Nhiều người dân ở xã Hợp Thịnh cho rằng,một số nhà máy trong cụm công nghiệp Hợp Thịnh xả thải gây hại môi trường. Họ đã kiến nghị  lên chính quyền địa phương nhưng chưa thấy kiểm tra, giải quyết.
 
Mới đây, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của người dân ở xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) về việc một số nhà máy trong cụm công nghiệp Hợp Thịnh xả thải ảnh hưởng đến môi trường.
 
Theo phản ánh, năm 2003 một số doanh nghiệp về đây xây dựng nhà máy tạo thành cụm công nghiệp khiền đời sống của người dân thay đổi, họ thấy bất an vì hoạt động của các nhà máy này.
 
Anh Sỹ (người dân thôn Lạc Thịnh) cho biết:  "Hằng ngày, khoảng 20h trở đi các nhà máy bắt đầu sản xuất và cũng là lúc khói đen khét lẹt bốc lên bao phủ không gian sống của chúng tôi. Mùi khét kinh khủng từ những vật liệu sản xuất tạo ra. Nhiều người dân thấy khó chịu và phải đóng kín cửa nhà."
ô nhiễm môi trường ở vinh phuc
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc do nước xả thải ra môi trường.
 
"Chúng tôi đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng của xã, huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đứng ra giải quyết. Bay giờ chúng tôi không biết bấu víu vào ai để yên tâm sinh sống." - Anh Sỹ nói.
 
Cũng theo anh Sỹ, các doanh nghiệp thép không có ống dẫn khói lên trên cao, doanh nghiệp sản xuất kem, giấy xả thải trực tiếp ra cánh đồng. Người dân chứng kiến rất nhiều cá ở kênh mương đã chết.
 
Bà Sen (70 tuổi) cho biết: “Cuộc sống của người dân vốn đã vất vả, khó khăn. Ngày đi làm nông về mệt mỏi, tối đến muốn nghỉ ngơi cũng không được vì phải chịu mùi khét từ những xưởng sản xuất thép, giấy, kem và than. Mặc dù, đã đóng kín cửa nhưng mùi khét, khói đen vẫn cứ len lỏi vào nhà khiến chúng tôi ngủ không được.
 
Nhiều gia đình ở đây phải dùng máy lọc nước nhưng dùng một thời gian ngắn đã bị ố vàng, bà Sen thông tin.
 
Ông Phùng Trung Hưng - Trưởng thôn Lạc Thịnh cho biết, người dân thôn Lạc Thịnh trực tiếp ảnh hưởng nặng nề do tiếng ồn, không khí...Trước đây dọc các con mương có nhiều cua, cá nhưng bây giờ hầu như không còn. Việc tưới tiêu, trồng trọt của bà con cũng vô cùng khó khăn.
Cống nước thải của một công ty được xả trực tiếp ra môi trường.
Theo phản ánh của người dân, đây là một trong những cống nước thải của một công ty được xả trực tiếp ra môi trường.
 
Ông Hưng nói thêm, trong các cuộc tiếp xú cử tri, người dân trong thôn đã kiến ghị cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết nhưng đến nay chưa nhận được câu câu trả lời nào. Người dân trong thôn mong muốn các cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý chất thải, khí thải, ống khói dẫn lên cao để môi trường sống của bà con nơi đây tốt hơn.
 
Theo quan sát của PV, tại cụm công nghiệp Hợp Thịnh có sự hoạt động của các doanh nghiệp như: Công ty thép Việt Nga, Công ty thép Huyền Linh, Công ty Giấy Anh Đức, Công ty thép Thành Đạt,.... Ngoài ra còn có trang trại chăn nuôi.
 
Hiện các công ty giấy và trại chăn nuôi đều xả thải trực tiếp ra ngoài. Các nhà máy thép chủ yếu luyện phôi thép từ việc tái chế các loại phế liệu. Theo đó, khi luyện thép thường nung lẫn lộn đủ loại tạp chất gây ra mùi khét lẹt.
 
Ông chủ nhà máy giấy Anh Đức (sản xuất giấy ăn) thừa nhận xả loại nước trắng đục ra ngoài đồng. Nhưng ông này khẳng định loại nước thải này không hề độc hại. Khi chúng tôi hỏi có cơ quan nào kiểm nghiệm khẳng định an toàn hay không, ông này không trả lời được.
Nước xả thải của Công ty giấy Anh Đức mà theo người dân đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cá chết
Nước xả thải của nhà máy sản xuất phôi giấy TISSUE Công ty doanh nghiệp tư nhân Anh Đức có màu trắng đục, xả trực tiếp ra ngoài đồng.
 
Trong khi đó, các ông chủ nhà máy thép khẳng định, nước thải của nhà máy mình chỉ là nước làm mát lò luyện. Còn chất thải nguy hại từ tạp chất, ông chủ nhà máy Thành Đạt nói rằng đã ký hợp đồng với một công ty môi trường Thành An ở Phúc Yên thu gom mang đi xử lý. Nhưng chúng tôi hỏi cơ quan chức năng địa phương thì không tìm thấy có doanh nghiệp nào như thế.
 
Trả lời PV,  ông Nguyễn Văn Đạo (Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh) xác nhận hính quyền địa phương nhận được phản ánh của cử tri thôn Lạc Thịnh thông qua buổi tiếp xúc cử tri, chứ không thấy có đơn thư. Nhưng ông này cho rằng cụm công nghiệp Hợp Thịnh không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã. Xã chỉ tiếp thu ý kiến để gửi lên huyện, tỉnh.
 
Ông chủ tịch xã cũng công nhận, ngày mưa, nước dâng lên có màu đen ngòm do nước thải từ các nhà máy. Còn việc ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu do các nhà máy sắt, thép.
 
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Quân (Phó trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Tam Dương) quả quyết với phóng viên chưa nhận được phản ánh nào của người dân Hợp Thịnh về điều này. Ông Quân cũng khẳng định, Phòng vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ. Sở TN&MT và Phòng Cảnh sát môi trường thường kiểm tra độc lập. Nếu phát hiện sai phạm và xử phạt, các cơ quan này cũng sẽ thông báo cho huyện. Nhưng đến nay, ông Quân chưa thấy có thông báo nào về vi phạm môi trường ở đây.
 
Ông Quân cũng cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, Phòng sẽ cử lực lượng vào cuộc kiểm tra cụ thể.
 
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
Uy Vũ