Bình Định: Dân phản đối việc thổi, hút cát để thi công dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại
Tiếng dân - Ngày đăng : 21:12, 08/08/2019
Dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay đầu tư được động thổ vào ngày 15/12/2018. Khu đất dự án thuộc phường Đống Đa và phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn. Cách trung tâm TP. Quy Nhơn 02 km về phía Bắc, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, chạy dài từ đoạn cầu Hà Thanh 3 đến đoạn cầu Hà Thanh 5.
Tổng diện tích dự án là 117,56ha với quy mô dân số khoảng 4.000 người, gồm các phân khu chức năng chính: Khu biệt thự, diện tích 29,04ha; đất công trình thương mại dịch vụ (bao gồm cả khu Resort trên mặt nước), diện tích 7,23ha; đất công viên, cây xanh, rừng ngập mặn diện tích 13,24ha; đất mặt nước phục vụ du lịch, tạo cảnh quan, thoát lũ diện tích 54,74ha; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật diện tích 13,31ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 4.998 tỷ đồng.
Ngày 14/12/2018, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 4429 về việc cho thuê đất, giao đất cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại. Dự án được xây dựng trên diện tích mặt nước Đầm Thị Nại, cần lượng cát, đất rất lớn để san lấp mặt bằng. UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay thực hiện khảo sát, thăm dò, lập hồ sơ cấp phép khai thác bơm, hút cát tại 02 vị trí: Khu vực 1 có diện tích 16,93ha, tiếp giáp về phía Đông Bắc khu vực đang hút cát của Công ty An Phú Thịnh, cách cầu Thị Nại về phía Bắc khoảng 600m; Khu vực 2 có diện tích 30,19ha tiếp giáp về phía Nam khu vực đang hút cát của Công ty An Phú Thịnh.
Đối với đất san lấp, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương giới thiệu cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay 02 vị trí khai thác đất san lấp mặt bằng dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại gồm điểm mỏ số hiệu 211, 212 (xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn và phía Tây núi Hòn Chà) thuộc quy hoạch khoáng sản theo Quyết định số 4046 ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh.
Công ty tiến hành khởi công xây dựng và hút cát san lấp mặt bằng trong phạm vi mà UBND tỉnh Bình Định đã giao đất và cho thuê đất. Tuy nhiên, 60 hộ dân sinh sống tại tổ 48 và 49, khu phố 9A, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn kéo đến hiện trường dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại ngăn cản, không cho đơn vị thi công hút cát san lấp mặt bằng để thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị công ty dừng việc thổi, hút cát hoặc hỗ trợ người dân một khoản tiền để chuyển đổi nghề nghiệp giúp ổn định đời sống.
Ngày 31/7/2019, UBND phường Đống Đa phối hợp với Công ty CP Thị Nại Eco Bay tổ chức họp dân, tuyên truyền thông báo các chủ trương, chính sách của UBND tỉnh để đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại và yêu cầu các hộ dân tạo điều kiện cho đơn vị thi công triển khai san lấp mặt bằng. Nhưng người dân không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư dự án di chuyển vị trí thổi, hút cát ra xa khỏi cồn cát trên Đầm Thị Nại, nếu vẫn tiếp tục hút cát tại vị trí này phải hỗ trợ kinh phí để người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Bởi tại vị trí Công ty CP Thị Nại Eco Bay đang hút cát thi công dự án là bãi cồn cát thuộc phường Đống Đa, nơi nhiều thế hệ của các hộ dân khu phố 9A đang khai thác hải sản như đào phễn, đào sìa, mò cua, đập hầu mưu sinh hàng ngày từ bao đời nay.
Làm việc với pv Báo TN&MT, ông Trần Việt Quang - Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết thêm: UBND phường làm báo cáo vụ việc gửi lên UBND thành phố Quy Nhơn đề xuất lên UBND tỉnh giải quyết. Khu vực cồn cát xưa nay người dân thường đào các loại hải sản để mưu sinh, nên họ phản đối việc thổi, hút cát tại cồn để thi công dự án. Người dân yêu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là rất khó, vì đất do nhà nước quản lý không thuộc về cá nhân hộ dân, nên không thể thực hiện theo đề nghị của họ. Chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư tạm dừng thi công dự án chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Qua tìm hiểu thêm từ phía người dân, pv được biết, ngoài vấn đề mưu sinh thì có 13 hộ dân yêu cầu nhà nước phải bồi thường nhà, đất họ đã sinh sống trên Đầm Thị Nại hàng chục năm nay, cũng như mồ mã ông bà, cha mẹ, người thân trong dòng họ, trước khi giao đất cho doanh nghiệp làm dự án.