Yêu cầu 15 nhà đầu tư tạm dừng thi công
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 31/10/2017
Theo đó, trong tổng số tổng số 66 dự án nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách Nhà nước (tính đến 20/3/2017), có 1 dự án hoàn thành (chiếm 1,5%), 22 dự án chấm dứt, 3 dự án chưa ký hợp đồng, 3 dự án chưa triển khai thi công, 16 dự án hết hạn hợp đồng, 6 dự án đang tạm dừng và 15 dự án đang triển khai thi công.
Đến tháng 4/2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam có các văn bản yêu cầu 15 nhà đầu tư đang triển khai thi công thực hiện tạm dừng thi công, di dời nhiều thiết bị, phương tiện ra khỏi phạm vi công trường.
Ngày 20/3/2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị chấp thuận để Bộ này xây dựng Nghị định quy định nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp với tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách Nhà nước, theo hướng chính quyền địa phương cấp phép tận thu sản phẩm, Bộ GTVT tiếp tục dừng cấp mới dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm đến khi hoàn thiện các thể chế, chính sách.
Cục đường thủy nội địa |
Còn tồn tại nhiều thiếu sót
Theo nhận xét, đánh giá của Bộ GTVT, có 8 dự án đã được 7 công ty triển khai thực hiện, tuy nhiên toàn bộ dự án chưa hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao. Việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét tại địa phương khó khăn và kéo dài trong khi công tác nạo vét duy tu ĐTNĐ thực hiện theo mùa dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án. Việc giám sát của Tư vấn giám sát còn hạn chế, nhân lực giám sát của cơ quan quản lý dự án và lực lượng công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Cục ĐTNĐ Việt Nam còn mỏng, địa bàn rộng, khó khăn về kinh phí, trang thiết bị nên gặp khó khăn trong kiểm tra, giám sát.
Điển hình là trong quá trình đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ đề xuất đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam chấp thuận nhưng chưa thực hiện công tác thẩm định và chưa thực hiện công tác thẩm tra hồ sơ đề xuất của đơn vị tư vấn thẩm tra độc lập tại các dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh (Công ty Tuấn Quỳnh), Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng TT (Công ty TT) và Công ty Cổ phần Cát Đại Lợi (Công ty Cát Đại Lợi).
Trong công tác khảo sát, tính toán khối lượng nạo vét sau mùa mưa lũ, đơn vị thực hiện khảo sát không có hợp đồng với Nhà đầu tư, không có hồ sơ năng lực kèm theo; không có biên bản bàn giao hồ sơ, bình đồ khảo sát cho Nhà đầu tư, không có xác nhận của Cục ĐTNĐ Việt Nam đối với hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát và tính toán khối lượng nạo vét tại Dự án của Công ty TNHH My Hương, Công ty Cát Đại Lợi và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Vĩnh Phúc (Công ty Vĩnh Phúc). Bên cạnh đó, phạm vi khảo sát tính toán khối lượng nạo vét tại hồ sơ khảo sát do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình thủy lập tháng 10/2016 (tại Dự án do Công ty Vĩnh Phúc thực hiện) thiếu phạm vi khảo sát, nạo vét so với Quyết định 1117 của Cục ĐTNĐ Việt Nam. Sau khi hoàn thành công tác khảo sát lại trước khi triển khai thi công, không có văn bản của Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị liên quan về sử dụng kết quả khảo sát lại để phục vụ thi công nạo vét (dự án Công ty Cát Đại Lợi thực hiện)...
Ngoài ra, việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi tường, các Công ty mặc dù đã thực hiện lập hồ sơ và lập phương án bảo vệ môi trường trước khi ký hợp đồng thực hiện dự án và trước khi triển khai thi công, tuy nhiên một số công ty không xuất trình được kế hoạch phòng chống, ứng phó sự cố trong quá trình thi công (Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh (Công ty Tuấn Quỳnh), Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng TT). Bên cạnh đó, Dự án của công ty Tuấn Quỳnh chưa lập, phê duyệt, gửi niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường.
Đối với việc thực hiện phương án an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, các công ty không lập hoặc không xuất trình được tài liệu thể hiện việc thực hiện phương án an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy.
Bộ Giao thông yêu cầu xử lý dứt điểm
Để giải quyết các tồn tại, Bộ GTVT yêu cầu, trước ngày 30/10/2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra tồn tại trong thực hiện quản lý, giám sát, thực hiện các dự án nạo vét kết hợp với tận thu sản phẩm. Đồng thời, thực hiện nghiệm thu, bàn giao kết quả thực hiện dự án; tiếp tục rà soát các dự án nạo vét tận thu sản phẩm, xử lý theo quy định đối với dự án không hoàn thành theo tiến độ, khối lượng nạo vét và chuẩn tắc luồng; thực hiện yêu cầu ngân hàng xử lý đối với các Thư bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án. KLTT cũng nhấn mạnh, cần rà soát, đánh giá quá trình thực hiện dự án của đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, xử lý vi phạm theo quy định. Đặc biệt, “yêu cầu các nhà đầu tư đã tạm dừng, chấm dứt việc thực hiện hợp đồng đưa phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực công trường”.
Cùng thời hạn đó, các công ty thực hiện dự án duy tu nạo vét luồng ĐTNĐ kết hợp với tận thu sản phẩm phải khắc phục ngay các tồn tại mà Đoàn Thanh tra nêu cụ thể trong từng biên bản kiểm tra tại đơn vị và báo cáo Cục ĐTNĐ Việt Nam và Bộ GTVT.
Thục Anh