VKSND tỉnh Quảng Nam: Kháng nghị Bản án tranh chấp tài sản của Công ty CPKS Chu Lai

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 02/10/2017

(TN&MT) - VKSND tỉnh Quảng Nam đã quyết định kháng nghị phúc thẩm toàn bộ bản án số: 07/2017/KDTM-ST ngày 13/9/2017 của TAND tỉnh Quảng Nam về vụ tranh chấp tài sản của Công ty CPKS Chu Lai gây ồn ào dự luận trong thời gian qua, vì xét thấy Hội đồng xét xử đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng trong quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm toàn bộ bản án số 07/2017/KDTM-ST ngày 13/9/2017 của TAND tỉnh Quảng Nam về vụ tranh chấp tài sản của Công ty CPKS Chu Lai
Quyết định kháng nghị phúc thẩm toàn bộ bản án số 07/2017/KDTM-ST ngày 13/9/2017 của TAND tỉnh Quảng Nam về vụ tranh chấp tài sản của Công ty CPKS Chu Lai

Tòa vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng

Theo nội dung Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Nam thì, TAND tỉnh Quảng Nam khi thụ lý yêu cầu của nguyên đơn buộc bà Nguyễn Thị Hòa- Tổng giám đốc Công ty CPKS Chu Lai giải quyết tranh chấp toàn bộ tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị của Công ty CPKS Chu Lai đang thế chấp để bảo lãnh cho Công ty TNHH Đất Quảng vay theo hợp đồng thế chấp số 1900-LCP ngày 14/1/2013 tại Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT- Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, TP. Hồ Chí Minh (nay là Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn) với số tiền 20 tỷ đồng, đến nay, dư nợ là 26 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thụ lý giải quyết yêu cầu này, TAND tỉnh Quảng Nam đã không đưa Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT- Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn và Công ty TNHH Đất Quảng tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định tại Khoản 4, Điều 68 và Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự (BL:1734 đến 1740).

Ngày 29/3/2017, bên nguyên đơn có đơn đề nghị TAND tỉnh Quảng Nam tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu do không thể tự thu thập được. Đến ngày 18/4/2017, khi mở phiên tòa xét xử (sau đó bị ngưng tạm đình chỉ), nhưng những yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án thu thập, nhưng Tòa cũng không nêu lý do.

Tại phiên tòa ngày 13/9, nguyên đơn cho rằng các yêu cầu thu thập chứng cứ chưa được Tòa án thu thập. Thẩm phán chủ tọa cho rằng đã giải quyết tại phiên tòa ngày 18/4/2017. Tuy nhiên, lại không có tài liệu nào chứng minh TAND tỉnh Quảng Nam đã giải quyết là chưa bảo đảm quyền của đương sự theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ngoài ra, tại Nghị quyết số 03/2014/NQHĐQT- ĐQCL ngày 24/5/2014 của Hội đồng quản trị (HĐQT) Cty CPKS Chu Lai, đã thông qua nhiệm kỳ HĐQT là 5 năm. Ông Nguyễn Thượng Đắt- Chủ tịch HĐQT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không có đơn xin từ nhiệm và cũng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh ông Nguyễn Thượng Đắt không hoàn thành nhiệm vụ để miễn nhiễm chức vụ Chủ tịch HĐQT Cty CPKS Chu Lai.

Hơn nữa, việc bầu ai làm chủ tịch HĐQT cũng không được thông báo cho các thành viên HĐQT trước khi họp HĐQT vào ngày 16/5/2016 là không đúng quy định tại Khoản 7, Điều 31 Điều lệ Công ty và Khoản 6, Điều 153 Luật Doanh nghiệp quy định.

Do vậy, việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Thượng Đắt và bầu ông Bùi Tiến Dũng, thành viên HĐQT làm Chủ tịch HĐQT Công ty CPKS Chu Lai là không đúng quy định của pháp luật (BL: 254).

Kháng nghị do Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Đình Lân ký
Kháng nghị do Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Đình Lân ký

Như vậy, các yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy bỏ Biên bản số 03/ĐQCL/BBH-HĐQT ngày 16/5/2016; Nghị quyết số 01/ĐQCL/NQ-HĐQT ngày 16/5/2016 của HĐQT; các Quyết định số 01,02 và 03/2016/QĐHĐQT ngày 18/5/2016 do ông Bùi Tiến Dũng ký với tư cách là Chủ tịch HĐQT Cty CPKS Chu Lai, VKSND tỉnh Quảng Nam khẳng định là có căn cứ chấp nhận (BL: 220 đến 224; 234 đến 237).

HĐXX đánh giá chứng cứ và áp dụng luật không đúng quy định.

Trên cơ sở cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 24/5/2014, HĐQT Công ty CPKS Chu Lai đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQHĐQT- ĐQCL giao cho ông Nguyễn Thượng Đắt và bà Nguyễn Thị Hòa thay mặt công ty tìm đối tác chuyển nhượng việc thăm dò, khai thác và kinh doanh khoáng sản titan-zircon tại khu vực xã Phước Hải và xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận của Công ty khoáng sản Đất Quảng Ninh Thuận thuộc sở hữu của Công ty CPKS Chu Lai. Nội dung Nghị quyết không có bất cứ ý kiến, quyết định nào cho phép chuyển nhượng 79% cổ phần thuộc sở hữu của Công ty CPKS Chu Lai tại Công ty CP Đất Quảng Ninh Thuận.

Tuy nhiên, ngày 19/5/2016, bà Nguyễn Thị Hòa đã ký hợp đồng số 01/ĐQCL chuyển nhượng 7.900.000 cổ phần (tương đương 79%) của Công ty CPKS Chu Lai với tổng giá trị chuyển nhượng 55.300.000.000đ cho bà Phạm Thị Hinh- Chủ tịch HĐQT Công ty CPKS Bình Thuận.

Trước khi ký hợp đồng này, bà Hòa không thông báo cho các thành viên HĐQT, Kiểm soát viên về các đối tượng liên quan đến hợp đồng giao dịch, dự thảo hợp đồng chưa được HĐQT chấp thuận thông qua là trái với quy định tại Khoản 2, Điều 162 Luật Doanh nghiệp. Do vậy, hợp đồng này là vô hiệu theo quy định tại Khoản 4, Điều 162 Luật Doanh nghiệp (BL: 244 đến 246, 266).

Ngày 30/5/2014, Công ty CPKS Chu Lai ra thông báo số: 01/2014/TB- HĐQT về việc kênh thông tin liên lạc trong công ty. Thông báo nêu rõ đây được coi là một trong những kênh thông tin chính thức để trao đổi thông tin giữa các thành viên HĐQT, Ban lãnh đạo, Ban kiểm soát và toàn thể cán bộ công nhân viên công ty, nên các nội dung trao đổi thể hiện trong email có tính pháp lý và hiệu lực thực hiện như văn bản in trên giấy.

Như vậy, căn cứ từ Điều 10 đến Điều 20 của Luật giao dịch điện tử thì toàn bộ dữ liệu điện tử do nguyên đơn cung cấp được xem là có giá trị pháp lý của vụ án gồm: Tài liệu liên quan tới sổ nhật ký chung của công ty từ năm 2009 đến 2015, các thư trao đổi qua địa chỉ email của các thành viên trong HĐQT, Ban kiểm soát công ty.

Từ sổ nhật ký chung của công ty, ông Nguyễn Thượng Đắt đã tổng hợp số tiền là  467.130.762.161 đồng, cùng với nội dung trao đổi của ông Bùi Tiến Dũng qua email ngày 24/4/2013, đã thông báo lợi nhuận công ty đạt được từ năm 2009 đến năm 2012 là 199.738.132.390 đồng. Dự kiến chia lợi nhuận cho các cổ đông từ 50 đến 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thì Hòa với tư cách là Tổng giám đốc Công ty CPKS Chu Lai đã tự rút tiền ra tiêu xài vào mục đích cá nhân. Nguyên đơn yêu cầu bà Hòa phải trả lại số tiền này cho Công ty CPKS Chu Lai.

Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thượng Đắt
Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thượng Đắt

Tại phiên tòa, nguyên đơn yêu cầu được giám định để xác định tính đúng đắn của những tài liệu là dữ liệu điện tử mà nguyên đơn cung cấp, nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận và đồng thời không đánh giá toàn bộ những chứng cứ mà bác yêu cầu của nguyên đơn là không đúng quy định tại Điều 10 đến Điều 20 luật giao dịch điện tử. Khoản 3, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về xác định chứng cứ về thông điệp dữ liệu điện tử.

Các dữ liệu điện tử này liên quan đến nội dung tố cáo của ông Nguyễn Thượng Đắt đối với Ban điều hành Công ty CPKS Chu Lai, đã xây dựng số liệu, sổ sách nhằm báo cáo tài chính sai lệnh doanh thu, lợi nhuận nhằm trốn thuế. Đơn tố cáo đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam chuyển hồ sơ để xử lý thông tin tội phạm.

VKSND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Chính vi phạm của HĐXX trong việc đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử đã dẫn đến việc HĐXX không có nội dung xử lý đơn tố cáo của ông Nguyễn Thượng Đắt (BL: 534 đến 542, 1824 đến1834).

Ngoài ra, tại phiên tòa ngày 13/9/2017, nguyên đơn yêu cầu được kiểm toán đối với các công ty con của Công ty CPKS Chu Lai nhằm xác định giá trị thực của số vốn góp để xác định thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng là thuộc Đại hội đồng cổ đông hay HĐQT công ty, nhưng HĐXX không chấp nhận yêu cầu này là chưa bảo đảm quyền yêu cầu chính đáng của nguyên đơn.

VKSND tỉnh Quảng Nam xét thấy: trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ kiện TAND tỉnh Quảng Nam đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm việc xem xét đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ kiện.

Với những vi phạm trên, VKSND tỉnh Quảng Nam đã quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án số 07/2017/KDTM-ST ngày 13/9/2017 của TAND tỉnh Quảng Nam theo đúng thủ tục phúc thẩm.

VKSND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ vào khoản 3, Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xử theo hướng: “Hủy bản án sơ thẩm số: 07/2017/KDTM-ST ngày 13/9/2017 của TAND tỉnh Quảng Nam. Giao hồ sơ về TAND cấp cao tại Đà Nẵng giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt- Trưởng VP Luật sư Anh Phiệt và cộng sự cho rằng, còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ kiện của TAND tỉnh Quảng Nam cụ thể: “Trong Biên bản phiên tòa lập ngày 18/4/2017, có ghi nhận bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết đã có văn bản đề nghị HĐXX thực hiện việc xét xử vắng mặt, được HĐXX chấp nhận, nên việc TAND tỉnh Quảng Nam đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết là vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.

Ngoài ra, việc Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước đó khi vụ án đang được Tòa án thụ lý giải quyết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn; bị đơn có thể thực hiện việc tẩu tán tài sản đang tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh Quảng Nam không thực hiện các yêu cầu của nguyên đơn về việc thu thập chứng cứ, tài liệu mà nguyên đơn không thể tự mình thu thập; cũng không thực hiện việc trưng cầu định giá, kiểm toán đối với toàn bộ tài sản của Công ty CPKS Chu Lai để xác định giá trị tài sản tranh chấp, việc này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn”.

Dương Bùi