Cần Thơ: Cần mở rộng điều tra hành vi "bảo kê" giao thông

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 01/08/2016

(TN&MT) - Như báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, dư luận cả nước đang rúng động về vụ cơ quan điều tra bất ngờ bắt một loạt 3 cán bộ thanh tra...

 

(TN&MT) - Như báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, dư luận cả nước đang rúng động về vụ cơ quan điều tra bất ngờ bắt 3 cán bộ thanh tra giao thông (Sở Giao thông – Vận tải TP.Cần Thơ) cùng 1 “cò” dắt mối nhận tiền “bảo kê” 3,4 tỉ đồng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung đang họp Quốc hội đã chỉ đạo Công an TP.Cần Thơ tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý đúng người, đúng tội…

Sau hơn 1 tuần bắt các nghi phạm liên quan, thông tin cơ quan công an TP.Cần Thơ chính thức công bố và sự giải thích từ phía Sở Giao thông – Vận tải TP.Cần Thơ chưa thấu tính chất hành vi, bao hàm phạm vi lộng hành của các phương tiện giao thông đã và đang diễn ra trên thực tế.

Chạy trách nhiệm (?)

Cơ quan điều tra đã cho biết việc nộp tiền “bảo kê” của các doanh nghiệp, chủ phương tiện thực chất là hành vi đưa hối lộ, có người dắt mối, chuyển khoản, định kỳ và diễn ra trong thời gian gần 2 năm qua… với tổng số tiền là 3,4 tỉ đồng được “cống nộp” từ 50-60 đơn vị doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải.

3 cán bộ thanh tra giao thông của Sở GTVT TP.Cần Thơ và cò nhận tiền “bảo kê” bị cảnh sát bắt về hành vi “bảo kê”.
3 cán bộ thanh tra giao thông của Sở GTVT TP.Cần Thơ và cò nhận tiền “bảo kê” bị cảnh sát bắt về hành vi “bảo kê”.

Thế nhưng, trả lời báo chí, Chánh thanh tra Sở GT-VT TP.Cần Thơ - Trương Văn Phúc cho biết mặc dù ông vẫn thường xuyên theo dõi giám sát công việc của anh em nhưng đã không phát hiện gì bất thường. Ông Phúc thừa nhận, có sự chủ quan, quá tin tưởng anh em cấp dưới. Song mặt khác lại cũng cho biết là có nghe dư luận phản ảnh này nọ về ông Đoàn Vũ Duy (một cán bộ thanh tra đã bị bắt) - lúc ông Duy công tác ở đội cơ động quận Ninh Kiều về hành vi “bảo kê” cho doanh nghiệp và ông Phúc đã ký quyết định điều chuyển công tác ông Duy từ đội cơ động về đội số 11 (quận Bình Thủy) để tránh dư luận không hay và để ông Duy không có cơ hội tiêu cực nữa.

Nội dung trả lời của ông Phúc khác với những gì phóng viên ghi nhận được: Cụ thể là Quyết định điều chuyển ông Duy được ký vào ngày 17/6/2016 và có hiệu lực 10 ngày sau đó (tức ngày 27/6). Như vậy, từ lúc được điều chuyển đến lúc ông Duy bị bắt (20/7) là chưa đầy 1 tháng. Trong khi dư luận phản ánh về ông Duy đã xuất hiện rất lâu. Thậm chí, trong tháng 5/2015 báo chí đã có những loạt bài điều tra về nạn “bảo kê” của thanh tra giao thông Cần Thơ, trong đó, có ông Duy. Chính lãnh đạo Sở GTVT TP.Cần Thơ khi đó cũng hứa sẽ xử lý nghiêm những cán bộ này.

- Xe quá tải, quá khổ của bê tông xi măng Tây Đô “dàn trận” lấn hết nữa đường Cách mạng tháng 8, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ để bơm bê tông.
Xe quá tải, quá khổ của bê tông xi măng Tây Đô “dàn trận” lấn hết nữa đường Cách mạng tháng 8, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ để bơm bê tông.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Lư Thành Đồng – Giám đốc Sở GT-VT TP.Cần Thơ, cho biết: “Tôi nhớ đã có chỉ đạo xử lý vụ này, để tôi cho anh em thanh tra rà soát lại, vì nhiều thứ quá, nhớ không nổi. Có gì em qua sở gặp anh Trần Văn Thành - Phó Chánh thanh tra sở”. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên qua điện thoại thì ông Thành, lại nói: “Tôi là Phó Chánh Thanh tra sở nhưng được giao phụ trách địa bàn quận Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ, còn chuyện này xảy ra ở các đội Ninh Kiều và Bình Thủy, nên tôi không thể trả lời báo chí được”.

Còn nhiều nhân vật chưa lộ diện (?)

Thực chất 3 cán bộ thanh tra giao thông cấp đội mới bị bắt, là những người được phân công tác nghiệp hiện trường trong phạm vi địa phận quận Ninh Kiều - nếu họ không có sự thông đồng với lực lượng ở địa bàn các quận, huyện khác hoặc các nhân vật có thẩm quyền cao hơn, thì có thể bao che được hành vi của các phương tiện vận tải đã tung hoành vi phạm trên phạm vi rộng, lớn như “bê tông Hamaco”, “bê tông xi măng Tây Đô” và những chiếc xe kéo “siêu khủng” chở cọc bê tông… được không (?).

Không khẳng định giàn xe “siêu khủng” của “bê tông Hamaco”, “bê tông xi măng Tây Đô” và giàn xe kéo cọc bê tông quá khổ, quá tải… đã và đang tung hoành trên địa bàn TP.Cần Thơ thời gian qua có được “bảo kê” hay không. Tuy nhiên, khi các phóng viên đề cập đến tình trạng tung hoành vi phạm của những phương tiện quá khổ, quá tải này thì ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ, có nói đến việc một số chủ phương tiện đến xin phép và Sở này đã có “cấp phép” cho một số trường hợp đi qua những tuyến đường, cầu quá tải trọng cho phép, với mục tiêu “tạo điều kiện xây dựng các công trình trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố”.

- Xe quá tải của Công ty CP Bê tông Bảo Anh “dàn trận” hết cả đường Ngô Gia Tự, tải trọng trong nội ô thành phố Cà Mau.
Xe quá tải của Công ty CP Bê tông Bảo Anh “dàn trận” hết cả đường Ngô Gia Tự, tải trọng trong nội ô thành phố Cà Mau.

Ông Vĩnh không nói rõ việc “cấp phép” đó có đúng các qui định của pháp luật hay không và cũng không nêu cụ thể trong số những đơn vị, doanh nghiệp, chủ phương tiện “được Sở GT-VT cấp phép” có giàn xe “bê tông Hamaco”, “bê tông xi măng Tây Đô” và giàn xe kéo chở cọc bê tông… hay không.

Từ kiểu trả lời mập mờ ấy đang làm cho dư luận bán tín bán nghi. Vì trên thực tế giàn xe “siêu khủng” của “bê tông Hamaco”, “bê tông xi măng Tây Đô” và xe kéo chuyên chở cọc bê tông của các doanh nghiệp khác chỉ chủ yếu phục vụ việc kinh doanh trộn, bơm bê tông tươi cho các công trình dân dụng. Những chiếc xe này ngang nhiên xông vào nhiều con đường vượt tải trọng rất nhiều lần để trộn, bơm bê tông tươi cho công trình dân dụng, nhỏ lẻ - chứ không phải “phục vụ các công trình trọng điểm của thành phố” như lời của ông Vĩnh, nói.

Nhưng nếu những chiếc xe này không nằm trong số những phương tiện được Sở này “cấp phép” thì chắc chắn không thể “vượt qua” được sự kiểm soát dày đặc của các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự. Thậm chí, ngày 6/5/2016 nhiều người dân đã vây bắt một loạt 6 chiếc xe bê tông của xi măng Tây Đô tải trọng trên 20 tấn/chiếc hành quân vào những tuyến đường chỉ có tải trọng 3,5 tấn, giao cho công an phường An Nghiệp sau đó chuyển về Công an quận Ninh Kiều nhưng rồi việc xử lý đã “chìm vào yên lặng” (?!).

Một người dân cho biết: “Tui không biết tại sao những chiếc xe bê tông này ngang nhiên di vào những tuyến đường quá tải trọng cho phép, nhưng không thấy ai xử lý. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ gây hư hỏng đường sá, tàn phá hạ tầng giao thông của TP”.

Được biết, danh sách các doanh nghiệp, chủ phương tiện nộp tiền “bảo kê” mà cơ quan điều tra ghi nhận được đến nay đã lên đến 50-60 đơn vị. Trong số đó có “Bê tông HaMaCo” và “Bê tông xi măng Tây Đô”. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra và nhiều vấn đề công luận đang chờ câu trả lời từ kết quả điều tra.

Cũng cần phải nói thêm rằng ngoài TP.Cần Thơ tình trạng xe bê tông “siêu khủng” quá tải, quá khổ lấn chiếm lòng, lề đường cũng đang hoạt động náo nhiệt ở nhiều đô thị các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL. Phải chăng tình trạng đó đã và đang tồn tại cũng nhờ đã được các lực lượng chức năng “bảo kê” (?)

Hùng Minh