Đà Nẵng tiến hành thanh tra vụ phá rừng Sơn Trà

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 03/04/2016

(TN&MT) - Sau khi cách chức lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn vì để xảy ra tình trạng phá rừng ở bán đảo Sơn Trà trong thời gian qua, Đà Nẵng tiếp tục quyết định thanh tra các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ở bán đảo Sơn Trà.
Đà Nẵng chính thức công bố quyết định thanh tra các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ở bán đảo Sơn Trà
Đà Nẵng chính thức công bố quyết định thanh tra các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ở bán đảo Sơn Trà

Ngày 3/4, Thanh tra TP. Đà Nẵng cho biết, đã chính thức công bố quyết định thanh tra các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ở bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) sau khi xảy ra các vụ phá rừng trong thời gian qua, khiến dư luận dậy sóng.

Theo đó, đoàn thanh tra gồm 6 thành viên do bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Trưởng phòng Thanh tra 2 (Thanh tra TP. Đà Nẵng) làm Trưởng đoàn. Đoàn sẽ tiến hành thanh tra trong thời hạn 45 ngày (kể từ ngày công bố quyết định); thời kỳ thanh tra: từ khi được giao chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng đến thời điểm thanh tra. 

Trước đó, chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc, ngày 7/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã ký văn bản 1577/UBND -NCPC triển khai kết luận của Thường trực Thành ủy, trong đó “giao Thanh tra TP. Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra toàn diện các hoạt động quản lý, bảo vệ và khai thác rừng trên bán đảo Sơn Trà; đề xuất xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP”.

Rừng Sơn Trà sau khi bị chặt phá, cây cối đã chết khô trong thời gian qua
Rừng Sơn Trà sau khi bị chặt phá, cây cối đã chết khô trong thời gian qua

Đồng thời, văn bản cũng phê bình nghiêm khắc Giám đốc, Phó Giám đốc (phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp) Sở NN-PTNT trong công tác chỉ đạo, điều hành để xảy ra vụ việc xâm hại rừng tại bán đảo Sơn Trà. Văn bản nêu rõ: “Giám đốc, Phó Giám đốc (phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp) Sở NN -PTNT chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy nếu tiếp tục để xảy ra các vụ xâm hại, phá hại rừng trên địa bàn TP”. Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở NN-PTNT xem xét trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng vì để xảy ra nhiều vụ phá rừng lớn trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua.

Văn bản cũng yêu cầu, Sở NN - PTNT ngừng việc bàn giao hồ sơ giao khoán đất rừng giữa Sở NN-PTNT với UBND quận Sơn Trà. Đề xuất hình thức xử lý, thu hồi giấy phép đối với diện tích rừng giao khoán thực hiện không đúng quy định; tham mưu các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt rừng tại bán đảo Sơn Trà theo hướng từ nay về sau không giao khoán rừng khu vực này. Dừng thực hiện nội dung “chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan hoàn thành việc bàn giao rừng và đất lâm nghiệp (hồ sơ, sổ sách, thực địa) cho địa phương quản lý trước ngày 31/3/2016” thuộc Điểm 1, Thông báo số 36/TB-VP ngày 2/3 của Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cũng đã quyết định cách chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đối với ông Trần Văn Thanh; cách chức Phó Hạt trưởng đối với ông Lê Phước Bảy và xử lý kỷ luật 2 cán bộ của Hạt này do để xảy ra phá rừng Sơn Trà. Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã có quyết định điều chuyển 6 cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đến nhận công tác nơi khác.

Bán đảo Sơn Trà có diện tích 4.439 hecta đất liền, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông. Đây là bán đảo được xem là “viên ngọc quý” với bờ biển dài, uốn lượn cùng hệ động thực vật đa dạng. Việc tàn phá rừng như vậy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh tồn và vùng sống của nhiều loại động thực vật tầm thấp, trong đó có khoảng 143 loại cây thuốc dược liệu đa số là thân thảo và dây leo, làm mất đi thảm hệ thực vật sống trên mặt đất.

Mong mỏi lớn nhất của người dân Đà Nẵng là làm sao để khu rừng bị chặt phá xanh trở lại
Mong mỏi lớn nhất của người dân Đà Nẵng là làm sao để khu rừng bị chặt phá xanh trở lại

Đặc biệt là loại voọc chà vá chân nâu, loại này được các tổ chức bảo tồn trên thế giới cũng như sách đỏ Việt Nam xếp vào mức nguy cấp có khả năng tuyệt chủng. Đáng nói số linh trưởng ở bán đảo Sơn Trà chiếm đến 83% số lượng Voọc trong thiên nhiên được biết đến trên thế giới. Theo số liệu khảo sát nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn Voọc chà vá quốc Rtế và theo các nghiên cứu được công bố mới nhất của nhiều chuyên gia trong nước cho thấy.

Trao đổi với Báo TN&MT, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng khẳng định: “Rừng bán đảo Sơn Trà như một nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá của TP. Đà Nẵng. Một khi nguồn tài nguyên mất đi thì không bao giờ lấy lại được. Vì vậy, cần được bảo tồn nguồn đa dạng sinh học trên bán đảo nhằm mang lại những giá trị lợi ích to lớn sau này cho sự phát triển của thành phố, đặc biệt các giá trị khoa học, giáo dục, lịch sử, nghệ thuật, nhân văn và kinh tế. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi và cũng là của người dân Đà Nẵng là làm sao để khu rừng bị chặt phá đó xanh trở lại”.

Bài & ảnh: Xuân Lam