Xử lý tội phạm môi trường: Cuộc chiến còn gian nan
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 14/01/2016
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) , Bộ Công An phát hiện và thụ lý 41 vụ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 23 vụ với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
“Tình hình vi phạm về môi trường đang diễn biến phức tạp, tội phạm môi trường có những biến đổi về hành vi, tính chất phạm tội. Thủ đoạn của loại đối tượng này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng...”, đây là cảnh báo thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49, Bộ Công An.
Ảnh minh họa |
Xét về hành vi cấu thành tội phạm, nổi lên là vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải, rác thải. Tại nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, người dân và chủ doanh nghiệp đang vô tình hoặc cố ý thực hiện các vi vi phạm pháp luật môi trường. Bên cạnh các vi phạm nhỏ như vứt rác, xả rác tại nơi công cộng, nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng đang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường C49, hiện nay, hơn 70% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp đang xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nhất là ở các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy...
Trong khi đó, các vi phạm liên quan đến việc khai thác khoáng sản, buôn bán động vật hoang dã trái phép, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…cũng đang ngày một gia tăng.
0,25% tội phạm bị truy tố
Tội phạm môi trường ngày một gia tăng, trong khi đó, công tác tuy tố, xét xử và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, thực tế, từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc hai tội danh: huỷ hoại rừng (theo Điều 189, Bộ Luật Hình sự) và vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (theo Điều 190, Bộ Luật Hình sự). Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây thiệt hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe, tài sản của người dân nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Hàng loạt các vụ việc như như Vedan, Nicotex Thanh Thái, Hào Dương vấn đề xử lý hình sự đều được đặt ra. Tuy nhiên, kết quả chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính vì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Theo một thống kê khác của Tòa án Nhân dân Tối cao, từ năm 2000 đến 2012, chỉ có 1.686 vụ với 2.985 bị cáo liên quan đến tội phạm môi trường được xét xử từ, chủ yếu là nhóm tội liên quan đến rừng và động vật hoang dã. Con số này chỉ chiếm tương ứng 0,25% tổng số vụ án và 0,27% tổng số bị cáo được Tòa án này xét xử trong cùng khoảng thời gian.
Trong khi đó, việc bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân của ô nhiễm môi trường cũng gần như không thể thực hiện trên thực tế do gánh nặng nghĩa vụ chứng minh. Người dân – khách thể bị thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất trong các vụ vi phạm môi trường đang thiếu các công cụ pháp lý để bảo vệ mình; cũng như chịu bất lợi khi phải chứng minh thiệt hại. Chính vì vậy, trong hầu hết các vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng đã xảy ra, việc bồi thường thiệt hại chỉ được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và người dân. Và người dân thường phải chịu thiệt thòi hơn cả.
Hành vi gây ô nhiễm môi trường luôn để lại những hậu quả lâu dài cho sức khỏe người dân và chất lượng môi trường. Chính vì vậy, việc buộc đối tượng vi phạm hoàn nguyên và khắc phục hậu quả ô nhiễm là quy định cần thiết. Tuy nhiên, quy định này hiện chưa được thực hiện một cách triệt để, có nguy cơ để lại nhiều hệ lụy lên con người và hệ sinh thái.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các vụ vi phạm môi trường khó phát hiện và xứ lý, truy cứu trách nhiệm là do chính sách, pháp luật của nhà nước đối với hành vi này đang còn nhiều thiếu sót. Hơn nữa, hệ thống các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm thực thi pháp luật bảo vệ môi trường đang còn chồng chéo, chưa thống nhất.
P. Oanh