Tội phạm, vi phạm pháp luật về BVMT gia tăng, tinh vi hơn

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 08/12/2015

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Thượng tá Đỗ Đình Phú – Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường ( PC49) Công an tỉnh Thanh Hoá trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại Thanh Hoá.

Từ đầu năm 2015 đến nay, qua đấu tranh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính Phòng PC49 Công an tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện, kiểm tra xử lý 117 tổ chức, cá nhân vi phạm. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 117 vụ việc và nộp vào ngân sách Nhà nước tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng, tăng 43 vụ việc so với cùng kỳ năm 2014, đồng thời số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 802 triệu đồng. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp xây dựng, môi trường đô thị có 21 vụ, phạt tiền 1,427 tỷ đồng; lĩnh vực tài nguyên khoáng sản có 61 vụ, phạt tiền 696 triệu đồng; lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm có 28 vụ, phạt tiền gần 600 triệu đồng; lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, làng nghề có 7 vụ, phạt tiền 66,15 triệu đồng.

Đặc biệt, có những vụ việc điển hình như: Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần giấy Lam Sơn – Nông Cống về hành vi vi phạm xả nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải trên 10 lần trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 200 m3 – 400 m3/giờ với mức tiền phạt 343,6 triệu đồng; Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH May mặc xuất khẩu APARTEC (huyện Vĩnh Lộc) về hành vi xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp nước thải từ 40 m3 – 60m3/ngày với mức tiền phạt 251,5 triệu đồng; Phối hợp với Chi cục quản lý thị trường kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Văn Tiến lái xe mang BKS 16M – 5462 chở bì lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hoá vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 14, Nghị định 178 với mức tiền phạt 15,75 triệu đồng...

Xả nước thải chưa qua xử lý ra sông bằng hệ thống cống ngầm tinh vi
Xả nước thải chưa qua xử lý ra sông bằng hệ thống cống ngầm tinh vi

Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị chủ yếu là các vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải như: Xả thải (nước thải, khí thải...) không qua xử lý, xả thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường. Tập trung tại các lĩnh vực sản xuất giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giầy da. Thải chất thải rắn không đúng quy định về bảo vệ môi trường của một số dự án đang thi công, một số bãi tập kết rác thải thải tập trung chưa có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong quần chúng nhân dân (bãi rác Đông Nam – Đông Sơn, bãi rác thị xã Sầm Sơn...). Vi phạm không vận hành hệ thống xử lý nước thải, xả thải vượt tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại các nhà máy thuộc KCN Hoàng Long, KCN Lễ Môn, KCN Tây Bắc ga và Khu kinh tế Nghi Sơn.

Khai thác ở huyện Tĩnh Gia và tập kết về huyện Nông Cống là chiêu trò gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý của “cát tặc” xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống
Khai thác ở huyện Tĩnh Gia và tập kết về huyện Nông Cống là chiêu trò gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý của “cát tặc” xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống

Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản thì hoạt động khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng diễn ra phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống... Đáng chú ý, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng, nhiều tổ chức, cac nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền hoạt động khai thác, vận tải cát sỏi trên sông để khai thác, vậnn chuyển cát trái phép, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Tập trung tại các tuyến đường trọng điểm như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, 47, Đường mòn Hồ Chí Minh...

Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi vẫn xảy ra nhiều vi phạm, chủ yếu là vi phạm về xử lý nước thải và mùi hồi thối khó chịu vào môi trường, nhìn chung các trang trại mới chỉ áp dụng xử lý nước thải sơ bộ qua hệ thống Biogas chưa áp dụng công nghệ kỹ thuật nào khác nên nước thải được thải trực tiếp ra môi trường, lưu giữ nước thải sau Biogas tại các ao chứa, hồ sinh học tiềm ẩn nguy cơ thẩm thấu nước thải gây ô nhiễm môi trường. Lĩnh vực sản xuất mía đường, cao su vi phạm chủ yếu là hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường, Thượng tá Đỗ Đình Phú – Phó Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá ngày càng gia tăng và tinh vi,từ đầu năm đến nay đã tăng 43 vụ việc so với cùng kỳ, đó là chưa kể đến dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng sẽ có nhiều hành vi vi phạm phức tạp hơn. Đồng thời các hành vi vi phạm cũng ngày một tinh vi hơn như: xả thải vào ban đêm hoặc xây dựng hai hệ thống xử lý một chìm, một nổi để lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; Chất thải rắn xảy ra tình trạng đổ trộm hoặc đổ không đúng vị trí... Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, có như vậy tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT mới được đẩy lùi.

Bài & ảnh:Tuyết Trang - Anh Tú