Vụ án “vay tiền dân sự” ở Hưng Yên - Bài 1: Cáo trạng đã thấu tình đạt lý?

Pháp đình - Ngày đăng : 16:37, 08/04/2018

(TN&MT) - Mặc dù tại tòa các luật sư bào chữa cho bị cáo đã trưng ra hàng loạt chứng cứ khẳng định việc vay mượn giữa bị cáo và bị hại chỉ là giao dịch dân sự,...
(TN&MT) - Mặc dù tại tòa các luật sư bào chữa cho bị cáo đã trưng ra hàng loạt chứng cứ khẳng định việc vay mượn giữa bị cáo và bị hại chỉ là giao dịch dân sự, tuy nhiên ở lần xử thứ 4 sau khi bị TAND cấp cao huỷ án sơ thẩm, TAND tỉnh Hưng Yên vẫn tuyên phạt bị cáo 12 năm tù về tội ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản''.

Vụ án Đỗ Văn Chung (SN 1982, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu) được xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Hưng Yên và tuyên án vào ngày 09/12/2015. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng mà phạm tội ''Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'' đối với số tiền 160 triệu đồng.

Sau phiên tòa, bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng VKSND tỉnh Hưng Yên kháng nghị đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử Chung về “tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/12/2016, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đã rút một phần kháng nghị của VKSND tỉnh Hưng Yên do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo là chưa có cơ sở và TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên bản án phúc thẩm số 738/2016/HSPT, quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Cùng đó, bị can Đỗ Văn Chung đã chính thức được cho tại ngoại sau gần 3 năm bị tạm giam.

Đến ngày 28/12/2017, VKSND tỉnh Hưng Yên ra quyết định phê chuẩn thay đổi quyết định khởi tố bị can với bị can Đỗ Văn Chung. Theo đó, bị can Đỗ Văn Chung bị thay đổi từ tội ''Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'' sang tội ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản''.
TAND tỉnh Hưng Yên.
Trụ sở TAND tỉnh Hưng Yên.
Sáng 06/04/2018, TAND tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án với bị cáo Đỗ Văn Chung. Tại phiên tòa, ông Mai Văn Tuyên, đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên công bố cáo trạng quy kết bị cáo Chung phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị TAND tỉnh Hưng Yên tuyên phạt bị cáo mức án từ 11 đến 12 năm tù.

Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã đưa ra hàng loạt chứng cứ, phân tích để khẳng định việc vay mượn giữa bị cáo và bị hại chỉ là giao dịch dân sự và bị cáo bị oan trong vụ việc được các luật sư cho rằng đã hình sự hóa quan hệ dân sự.

Điều khiến những người tham gia phiên tòa bất ngờ là việc bị cáo Đỗ Văn Chung đã nộp cho HĐXX Vi bằng số 82/2018/VB-TPLBĐ do Văn phòng thừa phát lại Ba Đình lập ngày 15/3/2018 với nội dung được các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng liên quan đến việc thương lượng, mặc cả vụ án này giữa một người được cho là bà Hoàng Thị Thanh Huyền - Viện phó VKSND huyện Ân thi (Hưng Yên) với anh rể bị cáo.

Theo vi bằng, ông Đỗ Văn Chung (bị cáo) đã trình bày với thừa phát lại: Ngày 01/04/2017, bà Hoàng Thị Thanh Huyền trước kia là kiểm sát viên tỉnh Hưng Yên (nay là phó viện trưởng VKSND huyện Ân Thi), là người từng thường xuyên vào trại tạm giam để làm việc với bị cáo Chung, đã có hẹn gặp anh Bùi Quang Hưng Đô (ảnh rể bị cáo Chung) để nói chuyện về vụ án của Chung vì bà Huyền là bạn học với anh Đô.
Có hình sự hóa trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Hưng Yên?
Đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Hưng Yên (đứng) tại phiên tòa.
Hai vợ chồng bà Huyền đã gặp anh Đô tại một nhà hàng trên phố Giảng Võ (Hà Nội). “Trong buổi nói chuyện này, bà Huyền với danh nghĩa là thay mặt ông Mai Văn Tuyên, kiểm sát viên, người đang trực tiếp giải quyết vụ án, thay mặt Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên đến dàn xếp, thương lượng vụ án của tôi. Bà Hoàng Thị Thanh Huyền đã đề nghị anh tôi nói với gia đình không đưa báo chí, luật sư vào làm rõ việc xét xử đang có dấu hiệu oan sai của tôi; đồng thời cũng đưa ra hướng giải quyết vụ việc của tôi và đồng ý đền bù riêng theo đề nghị của gia đình. Qua quá trình trao đổi trên, anh rể tôi đã bí mật ghi âm lại toàn bộ”, vi bằng được lập ghi rõ.

Vi bằng được lập dài 42 trang giấy khổ A4 ghi nhận nhiều nội dung liên quan đến vụ án. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng vi bằng chứa các nội dung thương lượng, mặc cả rất rõ ràng.

Tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX cho công bố một số nội dung trong vi bằng được lập. Nhiều đoạn hội thoại của người tên Huyền với anh Đô khiến cả phòng xét xử im phắc, kinh ngạc.

Như tại trang 26 của vi bằng, người tên Huyền nói: “Tôi đang nói ở góc độ gia đình và cái mục đích của các ông ý là không muốn rùm beng lên báo chí. Và cũng không muốn luật sư trọc chịa vào nhiều nữa, còn đâu tất cả mọi cái tôi có thể đảm bảo với ông là tôi trao đổi và báo cáo ông Cảnh, và ông Cảnh ông cũng phải thực hiện: thứ nhất là thay đổi biện pháp ngăn chặn cho thằng Chung, thứ hai là đình chỉ thôi chứ không nói miễn theo khoản 1 điều 25.

Mọi việc nó êm thấm luôn và phải bồi thường cho thằng Chung trong cái 3 năm tạm giam, phải có trách nhiệm bồi thường trong thời gian đó và xin lỗi gia đình, còn xin lỗi trên báo chí thì người ta lại không có cuộc nhờ tôi lên nói với ông như thế này.

Xin lỗi trên báo chí thì thôi cứ cho trôi luôn và xin lỗi công khai luôn theo quy định của pháp luật như ông nói là ông làm đến cùng thì như thế không bao giờ ấy”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đã công bố nhiều đoạn nội dung tại vi bằng và viện dẫn các quy định của pháp luật khẳng định vi bằng là chứng cứ tại phiên tòa được pháp luật thừa nhận.
Có hình sự hóa trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Hưng Yên?
Bị cáo Đỗ Văn Chung tại phiên tòa.
Tại phiên tòa xét xử, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu ông Mai Văn Tuyên, kiểm sát viên (người được nhắc đến trong vi bằng) trả lời các nội dung liên quan đến vi bằng này.

Ông Tuyên cho rằng bản thân ông cũng như lãnh đạo VKSND tỉnh Hưng Yên không có nhờ cậy gì bà Huyền mà bà Huyền thực hiện việc này với tư cách cá nhân và phải tự chịu trách nhiệm.

Ông Tuyên nói tại tòa rằng: Bà Huyền chỉ là kiểm sát viên sơ cấp, khi ở VKSND tỉnh Hưng Yên chỉ là người giúp việc được phân công các nhiệm vụ đơn lẻ trong vụ án. Kiểm sát viên được giao theo dõi vụ án ở cấp tỉnh phải là kiểm sát viên trung cấp. Đến năm 2015, bà Hoàng Thị Thanh Huyền được điều chuyển xuống VKSND cấp huyện.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo đã đưa ra các tài liệu khẳng định bà Huyền là người đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên từng tống đạt nhiều quyết định đến bị cáo Chung. Vì vậy, các luật sư cho rằng bà Huyền hoàn toàn liên quan đến sự việc.

Đặc biệt, tại phiên tòa, thẩm phán chủ tọa đã công khai công văn mà TAND tỉnh Hưng Yên gửi đề nghị VKSND tỉnh Hưng Yên trả lời những nội dung liên quan đến vi bằng mà bị cáo cung cấp và công khai nội dung VKSND tỉnh Hưng Yên hồi đáp.

Theo đó, VKSND tỉnh Hưng Yên trả lời như sau: Tháng 4/2017, vào ngày thứ 7 là ngày nghỉ, kiểm sát viên Hoàng Thị Thanh Huyền được các bạn học rủ lên Hà Nội chơi, ăn uống. Trong số những người bạn này có cả Bùi Quang Hưng Đô là anh rể bị cáo Chung. Sau khi ăn xong, ngồi uống nước thì Đô gọi Huyền ra hỏi về vụ án của Chung. Kiểm sát viên Huyền nói chuyện với anh Đô tư cách cá nhân, bạn bè, không có mục đích vụ lợi gì. Kiểm sát viên Mai Văn Tuyên hay lãnh đạo không có chỉ đạo, không nhờ. Kiểm sát viên Hoàng Thị Thanh Huyền có sai sót về mặt phát ngôn. VKSND tỉnh Hưng Yên sẽ xử lý theo quy định của ngành.

Cuối giờ chiều cùng ngày 06/04, HĐXX TAND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định đồng tình với buộc tội của VKSND tỉnh Hưng Yên với bị cáo Đỗ Văn Chung, tuyên phạt bị cáo Chung 12 năm tù giam.

Trước phán quyết của HĐXX, bị cáo Chung cùng gia đình vô cùng bức xúc cho biết sẽ lập tức thực hiện các thủ tục kháng cáo lên TAND Cấp cao và giao nộp các bằng chứng liên quan, vi bằng đã được lập lên các cơ quan trung ương theo thẩm quyền.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Toan (SN 1955), trú tại thôn Hạ, xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là mẹ của bị cáo Đỗ Văn Chung đã có đơn kêu cứu tới các cơ quan báo chí về sự việc của con trai mình.

Theo kêu cứu của bà Toan: “Năm 2013, con trai tôi là Đỗ Văn Chung có vay một khoản tiền của chị Bùi Thị Trang (thôn 1, Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên). Đây hoàn toàn là quan hệ dân sự cho vay tiền; nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh Hưng Yên lại có dấu hiệu hình sự hóa các mối quan hệ dân sự khi khởi tố, điều tra con trai tôi theo tội danh tại Điều 139 Bộ luật hình sự trong vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên cơ sở điều tra Đơn tố cáo của chị Trang”.

Theo bà Toan, việc vay mượn số tiền này là dưới hình thức vay nặng lãi và gia đình bà cũng đã có trao đổi với chị Bùi Thị Trang để trả số nợ.

Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Hưng Yên, để có tiền tiêu xài cá nhân và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet, trong khoảng thời gian từ 27/2/2013 đến ngày 7/10/2013, Đỗ Văn Chung nhiều lần đã dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền chị Bùi Thị Trang với số tiền gần 2,4 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/tháng. Đến thời hạn thanh toán không thấy Chung trả tiền, chị Trang nhiều lần đòi tiền thì Chung trốn tránh và tiếp tục gian dối khất nợ nhằm chiếm đoạt tài sản đã vay. Chị Trang đã làm đơn ra CQĐT tố cáo Chung. Vì vậy, VKSND tỉnh Hưng Yên đã truy tố Đỗ Văn Chung về  “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong đơn kêu cứu của gia đình bị can Đỗ Văn Chung gửi đến các cơ quan chức năng cho rằng, Trang đã cho vay nặng lãi ở địa phương và Chung đã vay tiền của Trang để tiêu xài. Tổng số tiền Chung vay là 1,2 tỷ đồng và số nợ hiện nay lên đến gần 2,4 tỷ đồng mà Trang tố cáo với cơ quan điều tra là đã cộng cả phần lãi vay. Điều đáng nói là trong suốt quá trình điều tra, Đỗ Văn Chung được triệu tập lên cơ quan điều tra đều nhận sẽ trả nợ cho chị Trang số tiền đã vay chứ không có ý định chiếm đoạt. Bà Nguyễn Thị Toan, mẹ đẻ Chung cho biết, chính bản thân bà đã cam kết trước Trang và cơ quan điều tra sẽ trả nợ số tiền trên cho Chung nhưng vẫn không được chấp nhận.

Luật sư bào chữ cho bị cáo Chung cho biết: Vụ án của Đỗ Văn Chung, cơ quan Tòa án đã nhiều lần ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những chứng cứ quan trọng trong vụ án nhằm xét xử khách quan, toàn diện và có căn cứ hợp pháp, không làm oan sai người vô tội. Tuy nhiên, qua nhiều lần trả hồ sơ và công bố cáo trạng thì điều rất khó hiểu đó là các cơ quan tố tụng của tỉnh Hưng Yên liên tục thay đổi tội danh của bị cáo Chung từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ngược lại, tổng cộng có 4 lần như vậy.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.