Hành trình của xế hộp hối lộ Giám đốc Sở - Bài 1: Tay không bắt… “cá khủng”
Pháp đình - Ngày đăng : 15:59, 24/02/2018
Khi bà buôn chuyến liên tục được ưu ái các dự án lớn
Cáo trạng thể hiện, từ năm 1986 đến năm 2004, bị cáo Trần Thị Quý Phượng (sn 1969, trú TP. Pleiku, Gia Lai) hành nghề buôn chuyến tuyến Quy Nhơn-Pleiku. Đến năm 2004, người phụ nữ này “lột xác” trở thành giám đốc công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bình An (gọi tắt là Bình An) với số vốn điều lệ lên đến 50 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian từ 2009 đến năm 2011, dù đất nước gặp nhiều khó khăn, nhiều công trình bị cắt vốn song Bình An vẫn liên tục được ưu ái trúng thầu 11 công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn Gia Lai, với tổng số tiền trên 112 tỷ đồng. Bình An đã tạm ứng tại bốn Ban Quản lý dự án với số tiền hơn 49 tỷ đồng song chỉ thi công theo kiểu nhỏ giọt được các phần việc như phát quang tuyến, san ủi nền, bóc đất phong hóa, lu lèn, đổ đất nền… rồi rút toàn bộ nhân tài vật lực ra khỏi công trường mà không thông báo lý do với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát. Đối với số tiền tạm ứng, Phượng đã sử dụng vào các việc như mua ô tô, trả nợ ngân hàng, trả các khoản vay cá nhân… Phượng còn thể hiện là nhà quản lý theo kiểu “con buôn nhỏ lẻ” khi rút tạm ứng, thanh toán bằng tiền mặt về nhưng không nhập quỹ tiền mặt nên các khoản này khi dùng làm chi phí không hạch toán được trên sổ quỹ tiền mặt mà chỉ theo dõi bằng các chứng từ viết tay. Cơ quan điều tra xác định, Bình An lập sổ quỹ tiền mặt chỉ để đối phó nên những thông tin thể hiện ở đây không phản ánh đúng các khoản thu, chi của công ty như không có sổ sách theo dõi số tiền ứng và các chi phí cho từng công trình, không xác định được số lượng, thời gian mua vật tư cho mỗi công trình. Từ đó, giám đốc Phượng không xác định được tổng số tiền thực tế đã đầu tư vào 11 công trình và cho mỗi công trình là bao nhiêu. Sau khi biết không có khả năng thi công và hoàn trả tiền cho nhà nước, Phượng đã bỏ trốn và bị công an bắt giữ vào giữa tháng 10/2012. Tại cơ quan điều tra, Phượng khai rằng, toàn bộ tài sản của Phượng và Bình An đã thế chấp tại ngân hàng và đã bị phong tỏa để thu hồi nợ.
Tiền nhà nước như lá me, lá mít
Trong thời còn tung hoành trong ngành xây dựng, để đối phó với cơ quan chức năng, Phượng đã nhờ đến nhiều doanh nghiệp quen biết xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài ra còn để kê khai thuế, hoàn thuế. Đơn cử là trường hợp các doanh nghiệp do vợ chồng Võ Thị Thụ làm chủ là Minh Tiên và Toàn Thắng. Cơ quan điều tra xác định, Bình An và hai doanh nghiệp trên có quan hệ làm ăn từ năm 2009 đến tháng 3/2011. Trong khoảng thời gian trên, hai doanh nghiệp này đã xuất cho Bình An tổng cộng 26 hóa đơn trị giá hơn 20 tỷ đồng, trong đó có 17 hóa đơn khống với giá trị hàng hóa hơn 12 tỷ đồng (10% VAT). Trong số này, 11 hóa đơn có nội dung bán mặt hàng nhựa đường, sắt, đá, xi măng… với giá trị hàng hóa là hơn 7,2 tỷ đồng (nhựa đường chiếm hơn 6,6 tỷ đồng). Số hóa đơn khống nhựa đường này được Thụ mua lại từ Công ty TNHH SXTM Việt Vương (quận Gò Vấp, TP. HCM-hiện giám đốc đã bỏ trốn) với giá 1% giá trị hàng hóa thể hiện trên hóa đơn là gần 5,6 tỷ đồng. Thụ đã bán lại cho Bình An với giá gấp đôi (2%) nhằm thu lời bất chính số tiền hơn 65 triệu đồng. Để có chứng từ thể hiện việc chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng nhằm hợp thức hóa các hóa đơn đầu vào mua vật tư, Bình An đã có 26 lần chuyển khoản trả cho hai doanh nghiệp trên với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, có tổng cộng 16 lần hai doanh nghiệp trên rút gần 12 tỷ đồng trả lại Bình An. Sau này, Bình An đã dùng 17 hóa đơn khống trên kê khai, làm thủ tục hoàn thuế chiếm đoạt số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, số hóa đơn khống về mặt hàng nhựa đường đã được chi cục thuế TP. Pleiku cho hoàn thuế với số tiền hơn 666 triệu đồng. Ngoài ra, Phượng còn dùng 67 hóa đơn bất hợp pháp được lấy từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (khống hoàn toàn và khống một phần) để làm thủ tục hoàn thuế, chiếm đoạt của nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng. Kết quả giám định tư pháp còn thể hiện, Bình An còn có hành vi trốn thuế hơn 140 triệu đồng thế nhưng điều lạ là các doanh nghiệp xuất hóa đơn cho Bình An là Phú Hưng (huyện Đak Pơ), Tân Châu (Đak Pơ), Dung Thiện (thị xã An Khê), Nguyên Vỹ (An Khê), Hiến Dư (An Khê) đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự(?).
Để đối phó với các chủ đầu tư trong việc rút tiền tạm ứng, Phượng đã dùng các hóa đơn khống để qua mặt. Cụ thể, công trình xây dựng tuyến đường biên giới Ia Chía-Ia O có giá trị 20 tỷ đồng, Phượng đã dùng 3 hóa đơn vật tư do DN Minh Tiên phát hành với giá trị hàng hóa gần 5,5 tỷ đồng trình ra cho BQLDA huyện Ia Grai thấy rằng mình có mua vật tư phục vụ xây dựng để ứng 10 tỷ đồng. Song trên thực tế Phượng chỉ chi hơn 1,9 tỷ tiền mua vật tư và hơn 833 triệu đồng cho việc thi công khối lượng công trình này. Cơ quan điều tra kết luận Phượng đã chiếm đoạt của BQLDA huyện Ia Grai tổng cộng hơn 7,2 tỷ đồng. Cũng thủ đoạn tương tự, đối với công trình đường Đak Pling (Kông Chro), tổng giá trị gần 30 tỷ đồng, Phượng đã ứng hơn 17 tỷ đồng, thi công được hơn 8,4 tỷ đồng, còn nợ chủ đầu tư 8,6 tỷ đồng.
Xung quanh việc hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền Nhà nước, Phượng khai rằng, trong thời gian thanh tra thuế Bình An, Phượng có hỏi bà Cáp Thị Hồng Ngọc-Trưởng đoàn kiểm tra Chi cục Thuế TP. Pleiku và được bà cán bộ này trả lời rằng… Bình An đủ điều kiện hoàn thuế. Sau đó, Phượng sai kế toán xin biểu mẫu về tiến hành làm thủ tục hoàn thuế.
Bài 2: Hối lộ Giám đốc Sở bằng siêu xe