Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn xét xử 21 bị cáo

Pháp đình - Ngày đăng : 12:07, 22/01/2018

(TN&MT)- Trong quá trình xét xử, do xuất hiện chứng cứ mới nên Tòa án Quân sự khu vực I (Quân khu V) đã tạm hoãn phiên xét xử đề nghị trả hồ sơ để tiếp tục điều tra và được HĐXX chấp nhận.
Các bị cáo tại HĐXX vào chiều 21/1
Các bị cáo tại HĐXX vào chiều 21/1

Sau 3 ngày xét xử, Tòa án Quân sự khu vực I (Quân khu V) đã tạm hoãn phiên xét xử bị cáo Lê Xuân Chính (39 tuổi, Đại úy- nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, huyện Nam Giang) và 20 bị cáo khác về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009.

Tại phiên xử chiều 21/1, Đại diện Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang cung cấp tài liệu chứng cứ mới thể hiện hiện trường vụ việc chỉ có 35 gốc pơ mu bị chặt hạ. Chứng cứ này, mâu thuẫn với con số 41 gốc pơ mu mà cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự khu vực 2 đã công bố. Ngoài ra, do xuất hiện tình tiết mới mà vai trò các bị cáo trong vụ phá rừng pơ mu, huyện Nam Giang chưa làm rõ nên đại diện Viện kiểm sát Quân sự khu vực 2 đề nghị trả hồ sơ để tiếp tục điều tra và được HĐXX chấp nhận.
 

Quang cảnh HĐXX
Quang cảnh HĐXX

Khi được HĐXX Tòa án Quân sự khu vực I cho nói lời sau cùng, các bị cáo đều bày tỏ thái độ ăn năn, hối cải, xin được Tòa xem xét giảm án để sớm về với gia đình, tiếp tục làm việc để có điều kiện khắc phục hậu quả vụ việc.

Theo bản cáo trạng, Lê Xuân Chính, Nguyễn Văn Quang (36 tuổi), trú huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam và Tiêu Hồng Tư (51 tuổi), Giám đốc Công ty CP Minh Hà, trụ sở ở Đà Nẵng có mối quan hệ thân thiết, nên khoảng đầu năm 2016 Quang đã vào rừng khảo sát, tìm gỗ pơ mu để khai thác. Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ pơ mu ở khu vực rừng thuộc khoảnh 3, khoảng 8 Tiểu khu 351 rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, thì Chính, Quang đã thỏa thuận thống nhất với nhau về giá tiền công khai thác, vận chuyển.
 

Khu vực nơi xảy ra vụ phá rừng pơ mu, huyện Nam Giang
Khu vực nơi xảy ra vụ phá rừng pơ mu, huyện Nam Giang

Khi nhận được quy cách xẻ gỗ và tiền, bị cáo Quang đã thuê các bị từ Quảng Bình vào tiến hành khai thác gỗ pơ mu trái phép. Khi cưa xẻ, gủi (cỏng) được 26 phách gỗ về cột Mốc 717, các bị can Quang, Chính, Tư gọi cho nhau để liên hệ gửi gỗ ở Trạm Hải quan, nhưng bị Hải Quan không cho gửi vì gỗ xẻ không đúng quy định. Khoảng từ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016, các bị can đã khai thác trái phép 41 cây gỗ pơ mu là loại gỗ thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp), trên lãnh thổ Việt Nam.

Quá trình khai thác trong việc khai thác, vận chuyển gỗ; các bị can Chính, Quang thường xuyên đốc thúc các bị can khác trong việc vận chuyển gỗ, hướng dẫn thời gian hoạt động, cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu và đề xuất với Tiêu Hồng Tư trong việc ứng, chuyển tiền.

Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Chính đã thông báo cho Quang yêu cầu các bị can rút về quê và thúc giục Quang bỏ trốn sang Lào nhưng Quang trốn một thời gian thì bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh. Hậu quả rừng phòng hộ Nam Sông Bung ở Tiểu khu 351 thôn xã La Dêê, huyện Nam Giang bị các bị can chặt hạ, cưa xẻ 41 gốc cây gỗ pơ mu, là gỗ nhóm IIA, tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỷ đồng.