Quảng Nam: Rừng cổ thụ liên tục bị “xẻ thịt”

Cảnh sát môi trường - Ngày đăng : 14:34, 03/05/2019

(TN&MT) - Tại hiện trường vụ phá rừng, lực lượng chức năng đã thống kê tổng cộng 18 cây gỗ lâu năm trong rừng tự nhiên xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị “xẻ thịt”.
Rừng Quảng Nam liên tiếp bị tàn phá
Rừng Quảng Nam liên tiếp bị tàn phá

Ngày 3/5, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, sau thời gian vào cuộc kiểm tra hiện trường, Hạt Kiểm lâm Nam Giang đã có báo cáo kết quả bước đầu về vụ phá rừng tự nhiên ở 2 thôn Pà Căng và Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang).

Cụ thể, tại khoảnh 3, 6, 9 tiểu khu 324 và khoảnh 3 tiểu khu 323 (thôn Pà Căng), lực lượng chức năng phát hiện 8 cây gỗ bị chặt hạ trái phép. Trong đó, có 2 cây gỗ chua, hoàng linh đã được Hạt Kiểm lâm Nam Giang kiểm tra và xử lý năm 2018. Còn lại 6 cây khai thác mới, khối lượng gỗ thiệt hại 12,876 m3, khối lượng gỗ tại hiện trường 4,735 m3 gỗ tròn và 1,148 m3 gỗ xẻ (nhóm IIA, III, V, VI).

Tại khoảnh 6, 9 tiểu khu 314, thôn Bến Giằng, lực lượng chức năng phát hiện 4 cây gỗ bị chặt hạ trái phép (nhóm II, VI). Khối lượng gỗ thiệt hại 4,519 m3, khối lượng gỗ còn tại hiện trường 1,157 m3 gỗ xẻ.

Ngoài ra, tại khu vực thôn Pà Căng, tổ kiểm tra còn phát hiện có rất nhiều trâu nuôi thả rông trong rừng, không có người chăn dắt. Điều đáng nói, việc phá rừng tại đây diễn ra trong thời gian dài, ngay gần Trung tâm hành chính huyện Nam Giang, nhưng các ngành chức năng nơi đây không hề hay biết.

Hiện trường vụ phá rừng xã Cà Dy, huyện Nam Giang
Hiện trường vụ phá rừng xã Cà Dy, huyện Nam Giang

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, Hạt Kiểm lâm Nam Giang đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND xã Cà Dy kiểm tra hiện trường và điều tra, xử lý vi phạm.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2019, người dân đã phát hiện hàng chục cây gỗ chuồn có đường kính gần 2m bị lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 343 thuộc rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) .

Liên tiếp, đầu tháng 4/2019, tại khoảnh 12, tiểu khu 675 khu vực rừng phòng hộ Đắk Mi (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Hàng chục cây gỗ xoan đào (nhóm 4) đường kính 1-2m bị đốn hạ không thương tiếc, nằm la liệt trên mặt đất, cùng nhiều phách gỗ được cắt theo quy cách thương mại chuẩn bị chuyển ra khỏi rừng. Qua kiểm tra, tổng khối lượng gỗ bị đốn hạ khoảng 20m3. Đến nay, lực lượng chức năng đã xác định được 2 đối tượng trong vụ phá rừng là Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú tại thôn 4, xã Phước Đức). Vụ phá rừng cũng đã bị khởi tố.

Dấu vết kéo gỗ ra khỏi rừng hằn sâu dưới đất nhưng chính quyền không hay biết
Dấu vết kéo gỗ ra khỏi rừng hằn sâu dưới đất nhưng chính quyền không hay biết

Tương tự, nhiều cây rừng tự nhiên thuộc xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cũng đã bị đốn hạ trong suốt thời gian dài với số lượng lên đến hàng chục mét khối. Một số cánh rừng tự nhiên vài năm trước vẫn còn rậm rạp, bây giờ chỉ còn là bãi đất hoang hóa do cây rừng bị đốn hạ.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 04 vụ phá rừng tự nhiên với hàng trăm cây cổ thụ bị đốn hạ. Hầu hết sự việc trên đều không được cán bộ kiểm lâm hay chính quyền địa phương hay biết dù diễn ra trong một thời gian dài mà lại do người dân cung cấp thông tin cho báo chí. Điển hình như vụ phá rừng cổ thụ tại xã Trà Leng, “lâm tặc” ngang nhiên kéo gỗ tập kết tại con đường chính vào trụ sở UBND xã Trà Leng vết mòn hằn sâu dưới đất, người dân ai cũng biết nhưng lực lượng chức năng lại không hay.

Trước thực trạng rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án, nhiều đối tượng, tuy nhiên những cánh rừng tự nhiên, lâu năm ở Quảng Nam vẫn liên tiếp bị tàn phá suốt thời gian dài. Điều này cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Quảng Nam còn rất lỏng lẻo.