Mía… đắng

Kinh tế - Ngày đăng : 12:34, 16/07/2019

(TN&MT) - Mía đắng, đó là lời than của nông dân trồng mía cả nước niên vụ 2018 - 2019 vừa khép lại. Nguyên nhân có phải do “ông trời” hay phân bón giả khiến mía kém sản lượng? Không phải! Mà chính là do nhiều nhà máy được phép nhập đường thô về chế biến, khiến cho nhiều nhà máy “tự nguyện” đóng cửa hoặc không chịu thu mua mía nguyên liệu của người nông dân.
miachaykho cvrw
Ảnh minh họa

Niên vụ mía 2018 - 2019 đã kết thúc, giá thu mua mía nhiều vùng trên cả nước đều ở mức thấp, thậm chí, dưới giá thành đầu tư.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía 2018 - 2019 trên cả nước có 36/41 nhà máy đường hoạt động, thu mua mía cho nông dân.

Đến hết tháng 6/2019, các nhà máy đường đã sản xuất lũy kế ép được 12 triệu tấn mía và sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn đường. Giá mía 10 CCS (chữ lượng đường) tại ruộng ở khu vực phía Bắc được các nhà máy thu mua từ 750 đến 900 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên từ 720 đến 800 đồng/kg và miền Nam từ 720 đến 800 đồng/kg. Giá mía nguyên liệu mua tại nhà máy có cao hơn một chút nhưng cũng chỉ để bù giá cước vận chuyển. Đây là giá mía được thu mua thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây và người nông dân trồng mía đang bị thua lỗ nặng.

Giá mía nguyên liệu giảm sâu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người trồng mía, diện tích mía niên vụ 2019 - 2020 liệu có giảm? Dù chưa có câu trả lời ngay, nhưng con số nhà máy sản xuất mía đường đã giảm, nhiều nhà máy đã đóng cửa trước giờ “G” là có thật.

Suy cho cùng, trăm dâu đổ đầu người trồng mía, chúng ta đã có bài học về khoai lang, điều, mắc ca, chè… Nhưng qua bao bài học ấy, hình như các nhà hoạch định chiến lượng phát triển ngành nông nghiệp chỉ rút ra bài học kinh nghiệm và “gói ghém” lại rồi để đó.

Hơn bao giờ hết, người nông dân họ không và sẽ không bao giờ mong đợi một mùa “mía đắng”, trắng tay vì “vàng trắng”, hồ tiêu, ca cao… mất giá trên sân nhà! Hay bị thương lái nước ngoài “làm giá” với những mặt hàng nông sản thuộc thế mạnh của Việt Nam. Đã đến lúc các nhà hoạch định phát triển chiến lược ngành nông nghiệp, hay nói chính xác hơn các Bộ, ngành và địa phương có thế mạnh hãy ngồi với nhau, bàn bạc và đưa ra những sáng kiến, giải pháp lâu dài cho nền nông nghiệp nước nhà. Đừng để nông nghiệp nước ta bị thua thiệt với thế giới và quan trọng hơn đừng “ngủ quên” trên vương miện.

Còn quá nhiều điều phải làm để những vùng đất trồng mía, làm nông nghiệp trở lên phồn vinh thực sự của nông thôn Việt Nam và người nông dân có một thu nhập tương xứng. Đây đang là trọng trách mà các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý tầm vĩ mô cần nhìn thấu đáo.