Lộn xộn trong đô thị

Kinh tế - Ngày đăng : 10:36, 30/05/2019

(TN&MT) - Cho đến hôm nay, bộ mặt đô thị Việt Nam đã có những thay đổi đáng mừng: dáng dấp khang trang, hiện đại hơn. Nhưng, dường như còn nhiều điều chưa ổn trong tổng thể bộ mặt kiến trúc hôm nay. Có nơi thật sự chưa được như mong muốn, thậm chí, còn kéo theo những thứ rất tệ hại.
file 370659
Ảnh minh họa

Và Dự án Luật Kiến trúc đang được đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến cũng với mong muốn Luật hóa một lĩnh vực hết sức đặc thù này. 

Bây giờ, nhìn lại mình, sẽ thật khó có thể đoán định chúng ta đang đứng ở đâu! Bộ mặt kiến trúc đô thị của Việt Nam đang dần thay đổi với những cái được và chưa được. Một số công trình kiến trúc đẹp, hiện đại. Một số đường phố mới thật khang trang. Thật là hữu hạn. Cái chung và cái phổ biến lại là những công trình kiến trúc chưa đẹp, thị hiếu cầu kỳ, kém thẩm mỹ. Cố vươn lên hiện đại mà thiếu tiềm thức về bản sắc Việt Nam.

Tại sao bây giờ chúng ta thấy đầy rẫy những công trình “chưa đẹp”? Đó không phải là ý muốn của kiến trúc sức mà là ý muốn của các “ông chủ” (người quản lý). Ông chủ đó có thể chỉ giữ quyền 5 năm, nhưng sản phẩm kiến trúc ấy sẽ tồn tại lâu dài hơn thế. Vì vậy, không thể để ý tưởng, mong muốn của một cá nhân lãnh đạo có quyền nào đó mà đẻ ra những sản phẩm kiến trúc “chẳng giống ai”, “trọc phú” giữa đô thị hôm nay.

Ở các nước khác, người đứng đầu Nhà nước có quyền quyết định. Song, bên cạnh họ còn có một đội ngũ cơ quan phản biện độc lập. Vì thế, những quyết định của họ đưa ra bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội cao.

Không đâu xa, việc xây dựng các khu ở ngay tại Thủ đô vẫn tồn tại kiểu có tiền thì làm gì cũng mặc. Tất cả những sản phẩm kiểu như thế sẽ làm méo mó hình ảnh kiến trúc và của kiến trúc sư Việt Nam. Phải trả lại những gì thuộc về trách nhiệm của những người làm kiến trúc. Nếu không kiến trúc Việt Nam sẽ ngày càng lạc hậu. Và người nước ngoài đến họ cũng sẽ chẳng hiểu kiến trúc đô thị của Việt Nam theo xu hướng nào, kiểu gì?

Sẽ là thất bại nếu như mỗi đô thị không tồn tại nét đẹp riêng trên cái gốc truyền thống, văn hóa của mình. Những khu vực phố cũ, phố cổ cảnh quan thiên nhiên đang có nguy cơ bị chen lấn, xô đẩy bởi thiếu cái nhìn của một quy hoạch tổng thể, thống nhất đa ngành. Thiếu một phương tiện pháp lý cần thiết để quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch. Thiếu ý thức nhận dạng bản sắc văn hóa và trách nhiệm cộng đồng, làm mất đi dáng vẻ truyền thống, thế mạnh của một đô thị cần phải có, nhất là trong xu hướng hiện đại hóa hôm nay.

Đã đến lúc cần phải có những quy định, những văn bản pháp luật cụ thể điều chỉnh hoạt động của kiến trúc sư, để các tổ chức, cá nhân phải tuân theo. Không thể đem ý kiến cá nhân, đem sở thích riêng của mình ra áp đặt được. Những lộn xộn trong kiến trúc đang diễn ra ở nhiều đô thị Việt Nam hôm nay phản ánh khá rõ tình trạng này. Chúng ta không có được khu đô thị mới nào ra hồn, đúng nghĩa của nó. Sự tùy tiện, áp đặt kiến trúc thể hiện khá rõ ở đây. Như lời một kiến trúc sư đã nói: Hình hài, bộ mặt đô thị kiểu gì sẽ phản ánh thực tế vận hành của xã hội ấy mà thôi. Bởi vậy, nếu không có sự điều chỉnh bằng pháp luật, bộ mặt đô thị sẽ vẫn mãi còn tình trạng “xôi đỗ”, lai tạp, thiếu bản sắc.