Nâng cao năng lực công trình chống hạn
Kinh tế - Ngày đăng : 14:59, 12/12/2018
Vụ đông xuân 2018-2019, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ chịu trách nhiệm cấp nước tưới và tạo nguồn cho 45.902ha sản xuất nông nghiệp của các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thanh Trì… Nguồn nước cung cấp cho các trạm bơm tưới được lấy từ hệ thống sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và hạ thấp lòng dẫn nên những năm gần đây mực nước sông Hồng vào mùa kiệt (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) thường bị suy giảm, không đủ điều kiện tạo nguồn cho sông Nhuệ, sông Đáy qua cống Cẩm Đình, Liên Mạc… Theo số liệu quan trắc của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, từ tháng 11 đến nay, mực nước trung bình trên sông Hồng tại thượng lưu cống Liên Mạc chỉ đạt 1,88m, thấp hơn trung bình nhiều năm; trong đó có nhiều thời điểm nước từ sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng. Mặc dù hằng năm các nhà máy thủy điện tăng lượng xả bổ sung nhưng mực nước hạ du sông Hồng vẫn thường không được duy trì liên tục ở mức yêu cầu. Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, vụ đông xuân 2017-2018, mực nước cao nhất tại thượng lưu cống Liên Mạc chỉ đạt 2,86m, trong khi mực nước thiết kế của công trình là 3,77m. Với mực nước này, nước sông Hồng chảy qua cống Liên Mạc chỉ đạt 17,46m3/s, nhỏ hơn nhiều so với lưu lượng thiết kế của cống là 36,25m3/s. Ngoài ra, do thời gian xả nước của các hồ chứa thủy điện ngắn, hệ thống trục chính sông Nhuệ dài gần 114km nên việc lấy nước vào sông Nhuệ, đặc biệt là phía giữa và cuối hệ thống thường gặp nhiều khó khăn… Vì thế vào mùa kiệt, mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ thường nghiêm trọng hơn và chất lượng nước không bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp…
Theo ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, vụ đông xuân 2018-2019, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước tưới cho 37.568ha. Nếu các nhà máy thủy điện không xả nước bổ sung cho sông Hồng thì trên toàn hệ thống của đơn vị phục vụ sẽ có khoảng 2.356ha gieo cấy bị thiếu nước sản xuất.
Để cung cấp đủ nước sản xuất vụ đông xuân, ngoài việc đề nghị Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng lưu lượng và điều chỉnh thời gian các đợt xả hồ chứa thủy điện phù hợp lịch gieo cấy, các doanh nghiệp thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT kiểm tra, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ nạo vét doi cát chắn trước cửa hút Trạm bơm Đan Hoài; tiếp tục nạo vét lòng dẫn sông Đáy. Đặc biệt, do nguồn sinh thủy của hồ Quan Sơn thường xuyên suy giảm vào mùa kiệt nên Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các trạm bơm: Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ để chủ động lấy nước từ sông Đáy tưới cho khoảng 2.600ha của huyện Mỹ Đức… Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đề nghị cho phép nạo vét kênh dẫn thượng lưu cống Liên Mạc; đầu tư kinh phí xây dựng Trạm bơm tưới Quang Lãng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Trạm bơm Liên Mạc… Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thủy lợi Hà Nội đề nghị đầu tư nâng cấp Trạm bơm dã chiến Ấp Bắc, sửa chữa kênh tưới Trạm bơm Cẩm Hà…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, Sở đang tổng hợp đề xuất của các doanh nghiệp thủy lợi, báo cáo UBND thành phố quyết định đầu tư các công trình lấy nước ứng phó với mực nước sông Hồng xuống thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để cung cấp đủ nước cho diện tích sản xuất, kịp thời vụ, sử dụng hiệu quả nguồn nước… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, công trình thủy lợi…