Tài chính, kinh tế tuần qua: Giá điện, gas 'đua nhau' tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 02/12/2017

(TN&MT) - Tuần qua, trái ngược với diễn biến giảm giá của vàng thì giá điện, gas lại "đua nhua" tăng.
(TN&MT) - Tuần qua, trái ngược với diễn biến giảm giá của vàng thì giá điện, gas lại "đua nhua" tăng.
 
Giá điện tăng 6,08%
 
Tuần qua, thông tin kinh tế thu hút dư luận nhiều nhất là việc Bộ Công Thương quyết định tăng giá điện. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh là từ 01/12/2017.
 
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.
 
Theo thống kê, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%). Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.
 
Giá điện tăng lên 1.720 đồng/kWh kể từ 01/12/2017.
Giá điện tăng lên 1.720 đồng/kWh kể từ 01/12/2017.
 
Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đ/kWh; tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đ/kWh; tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đ/kWh; tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đ/kWh.
 
Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng (chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực...).
 
Theo Bộ Công Thương, việc tăng giá điện đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN.
 
Giá gas nhích nhẹ
 
Cùng đà tăng với giá điện, từ ngày 01/12, giá gas sẽ tăng nhẹ 1.000 đồng/bình 12 kg so với giá gas tháng trước đó. Theo đó, giá gas bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng của các thương hiệu khoảng 350.000 đồng/bình 12 kg.
 
Từ ngày 01/12/2017, giá gas sẽ tăng nhẹ 1.000 đồng/bình 12 kg.
Từ ngày 01/12/2017, giá gas sẽ tăng nhẹ 1.000 đồng/bình 12 kg.
 
Nguyên nhân giá bán lẻ gas trong nước được các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas lý giải là do giá giao dịch thế giới tháng 12/2017 tăng nhẹ 32,5 USD/tấn so với tháng trước đó, chốt giá ở mức 580 USD/tấn. Trước đó, tháng 11/2017 giá gas bán lẻ trong nước không thay đổi so với tháng 10/2017.
 
Vàng SJC mất giá
 
Giá vàng SJC tuần qua chưa tạo ra được sư đột phá trong các phiên giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 36,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,49 triệu đồng/lượng (bán ra).
 
Trong khi đó, tại Công ty SJC thị trường Hà Nội, giá vàng niêm yết chiều mua vào là 36,36 triệu đồng/lượng, ở chiều bán ra có mức giá là 36,58 triệu đồng/lượng. Còn tại thị trường TP. HCM, chiều bán ra niêm yết ở mức giá 36,56 triệu đồng/lượng và 36,36 triệu đồng/lượng.
 
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI trong tuần qua.
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI trong tuần qua.
 
Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC đã giảm khoảng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Giá vàng trong nước tuần qua diễn biến chậm và ổn định hơn mặc dù giá thế giới biến động trong tuần. Vào nửa cuối tuần này, giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng vàng trong nước cũng chỉ giảm nhẹ khoảng 50 nghìn đồng/lượng. Bởi vậy doãng chệnh lệch giữa vàng nội – ngoại cũng được mở rộng lên 1,4 triệu đồng/lượng.
 
Theo báo cáo phân tích của DOJI, hiện kim loại quý trong nước chịu áp lực chính từ chính sách lãi suất từ Cục dự trữ liên bang Mỹ, nhà đầu tư trong nước nên có sự phân tích đúng đắn để có chiến lược tốt nhất.
 
Trên thị trường thế giới, dù giá vàng đã hồi phục ở 2 phiên cuối tuần do đồng USD và chứng khoán Mỹ tăng cao kỷ lục trước dữ liệu kinh tế Mỹ sáng sủa nhưng tính chung cả tuần quý kim vẫn giảm 0,7% và đang ở ngưỡng 1.280,95/oz.
 
Theo DOJI, thị trường đang lo lắng cho đà tăng giá của quý kim trong dài hạn và nhấn mạnh tính chất mong manh của giá vàng vào thời điểm này khi không có thêm sự kiện căng thẳng địa chính trị nào. Với điều kiện chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt trong năm tới ở nhiều nơi trên thế giới, vàng có thể tìm thấy ít sự hỗ trợ hơn khi thị trường bước vào tháng cuối cùng của năm.
 
 
 
Doãn Hưng - Văn Huy