Vì sao 70% diện tích chợ trung tâm TP. Bạc Liêu bỏ trống?
Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 23/11/2017
Tư nhân xây chợ mới trên đất vàng vẫn "ế"
Chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu do Công ty CP thương mại xây dựng Minh Thắng Bạc Liêu (Công ty Minh Thắng) đầu tư trên 190,8 tỉ đồng xây dựng trong 4 năm, hoàn tất vào tháng 4/2015. Thiết kế 4 tầng. Tọa lạc tại khu đất vàng 4.163,3 m² (bốn mặt chợ giáp 4 tuyến đường: Phan Ngọc Hiển - Hà Huy Tập - Điện Biên Phủ - Lê Văn Duyệt) mật độ dân cư đông đúc và được xây trên nền Chợ A cũ, có sẵn trên 1.500 hộ tiểu thương buôn bán ổn định từ nhiều năm.
Nhiều bà con tiểu thương đang bám trụ tại chợ tạm Trần Huỳnh kiên quyết không trở lại chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu vì phí cao, không muốn lên lầu buôn bán |
Nhà đầu tư đưa vào khai thác từ tháng 5/2015, nhưng theo báo cáo của UBND thành phố Bạc Liêu thì đến nay, chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu mới chỉ bố trí được 266/276 quầy sạp, kiot tại tầng trệt, 6/36 quầy sạp, ki - ốt tại tầng lửng, còn 2 tầng lầu phía trên với tổng diện tích 3.000m² hoàn toàn bỏ trống.
Sở dĩ, phần lớn diện tích chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu bỏ trống vì việc di dời trên 1.500 hộ tiểu thương buôn bán tại chợ A cũ từ trước trở lại chợ mới trung tâm thành phố Bạc Liêu buôn bán không diễn ra theo kế hoạch ban đầu của chính quyền và nhà đầu tư. Khi tổ chức di dời 1.512 hộ tiểu thương từ chợ A cũ qua chợ tạm Trần Huỳnh (chợ tạm cũng do Công ty Minh Thắng đầu tư) để lấy mặt bằng xây dựng chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu, thì tiểu thương phải đóng phí với mức từ 107.142 đồng đến 300.000 đồng/1m2/tháng (phải đóng gộp 5 kỳ trong 1 năm đầu cho đủ cho cả 2 năm). Nên đã có trên 1.000 hộ tiểu thương thuộc diện tự sản tự tiêu đã tùy nghi di tản, chỉ còn 480 hộ theo về chợ tạm Trần Huỳnh, thuê lô buôn bán để chờ Công ty Minh Thắng xây chợ mới.
Tiểu thương bức xúc vì bị xáo trộn và đóng góp cao
Qua tìm hiểu, các hộ tiểu thương tại chợ tạm Trần Huỳnh, bà con rất bức xúc vì suốt 5 năm (từ 2011 – 2015), buôn bán ế ẩm, lại phải đóng phí quá cao. Đơn cử, hộ Trần Đức Sanh, bán bách hóa tổng hợp trong chợ A cũ dời về chợ tạm Trần Huỳnh phải đóng cho Công ty Minh Thắng 800 triệu đồng để thuê các lô bán vải vóc suốt mấy năm qua vẫn không bù lại được số tiền đã đóng.
Chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu có 2 tầng lầu còn bỏ trống suốt 2 năm qua không thu hút được tiểu thương vào thuê buôn bán |
Việc thu phí tại chợ tạm Trần Huỳnh của Công ty Minh Thắng lại có sự nhập nhằng kéo dài vì tiến độ xây dựng chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu của công ty này quá hạn 18 tháng. Xung đột giữa tiểu thương với Công ty Minh Thắng đã xảy ra, từ năm 2015 tiểu thương không đóng tiền mặt bằng, phí vệ sinh, bảo vệ... cho công ty mà chỉ chấp nhận đóng cho chính quyền địa phương.
Một số tiểu thương cho biết, có lúc Công ty Minh Thắng đã cắt điện, nước để dẹp chợ tạm Trần Huỳnh với lý do thu hồi tài sản đầu tư trên đất nhằm ép bà con tiểu thương trở về chợ A (chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu). Tháng 11/2016, các hộ tiểu thương đã có đơn kêu cứu tới UBND tỉnh Bạc Liêu và nêu rõ sẽ kiên quyết không trở lại chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu do Công ty Minh Thắng đầu tư xây dựng.
Ở tầng trệt chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu một lô có diện tích hơn 11m2 tiểu thương phải đóng trên 1,1 tỉ đồng |
Bà Tào Thị Hoa, đại diện các hộ tiểu thương đang bám trụ buôn bán vất vưởng tại chợ tạm Trần Huỳnh, bức xúc nói: “Chợ tạm này cũng không buôn bán được gì nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Chúng tôi không thể trở lại chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu vì không có khả năng và Công ty Minh Thắng đã tranh thủ bán lô sạp, ki - ốt ở những vị trí thuận lợi tại tầng trệt hết rồi. Việc bố trí sắp xếp ngành hàng trong chợ mới lộn xộn, không khu nào ra khu nào. Chỉ còn tầng lửng, 2 tầng lầu kêu chúng tôi dời về thì không buôn bán được. Chúng tôi đang cố bám lại đây để nhà nước xây dựng xong chợ B (chợ Nông sản thực phẩm) sẽ dời về đó buôn bán ổn định, cho dù có thể phải chuyển đổi ngành hàng buôn bán…”.
Có thể thay đổi công năng chợ mới
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, tâm lý bà con tiểu thương xưa nay buôn bán trong chợ nhà nước, nộp phí ít, nay không muốn lên lầu buôn bán và do mâu thuẫn về lợi ích từ chợ tạm Trần Huỳnh nên tiểu thương không hợp tác với Công ty Minh Thắng là những nguyên nhân dẫn đến việc thu hút tiểu thương hạn chế.
Trong đó, nguyên nhân chính là do phương án thu phí Công ty Minh Thắng đưa ra tính theo chu kỳ dài (15 – 20 năm) nên mức giá trị hợp đồng thuê cao - vượt khả năng của tiểu thương. Ví dụ: để có 1 ki-ốt nhỏ nhất tại tầng lửng 6,4m², tiểu thương phải đóng trên 326 triệu đồng và 1 ki - ốt diện tích 11,17m2 tại tầng trệt, tiểu thương phải đóng tới 1 tỉ 142 triệu đồng. Phương án thu này không vi phạm quy định pháp luật, nhưng chưa phù hợp với điều kiện của tiểu thương.
Nhiều hộ tiểu thương đang chờ Chợ B (chợ nông sản thực phẩm) xây dựng xong sẽ dời về buôn bán |
Để hỗ trợ giải quyết khó khăn trong việc khai thác chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất chủ trương cho Công ty Minh Thắng chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án khai thác (kể cả trường hợp chuyển đổi công năng sang các loại hình kinh doanh khác ngoài chợ truyền thống), trình UBND tỉnh để được xem xét, hỗ trợ xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay Công ty Minh Thắng chưa tìm được đối tác, nhà đầu tư thứ cấp cũng như chưa có phương án khai thác cụ thể.
Được biết, khu đất vàng xây dựng chợ trung tâm thành phố Bạc Liêu Công ty Minh Thắng được giao thuê 50 năm (kể từ ngày 30/11/2011 đến 30/11/2061). Đơn giá 391.830 đồng/m2/năm, tổng số tiền sử dụng đất nộp hàng năm là 1 tì 631 triệu đồng. Áp dụng ổn định trong 5 năm đầu, sau đó được tính toán để xác định lại cho chu kỳ tiếp theo theo quy định tại Thông tư 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính.
Hùng Long