Tây Nguyên: Muốn phát triển thì cần tháo gỡ "điểm nghẽn"

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2017

  (TN&MT) -  Ngày 3-11-2017, Viện Khoa học xã hội Tây nguyên phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo "Phát triển kinh tế vùng...

 

(TN&MT) -  Ngày 3-11-2017, Viện Khoa học xã hội Tây nguyên phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế vùng Tây nguyên: tiềm năng và những vấn đề. Tham dự Hội thảo là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chính sách, quản lí và lãnh đạo các tỉnh ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng và Kon Tum, sau gần 3 thập kỷ đổi mới và hội nhập tuy đã có nhiều thay đổi về mọi mặt, song nhìn chung vẫn còn là một vùng nghèo. Cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với qui mô nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống, phụ thuộc vào tự nhiên là chủ yếu và chưa thật sự xây dựng được các chuỗi giá trị sản xuất để gia tăng giá trị. Ngoài ra, các cơ chế phối hợp, liên kết vùng chủ yếu mang tính tự nguyện, không có chế tài ràng buộc trách nhiệm; các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su… kém về mặt thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đó là chưa kể, Tây Nguyên hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, bất cập như sự suy thoái về môi trường tự nhiên, xã hội, hạn chế về trình độ nguồn nhân lực, vấn đề di cư tư do và những vấn đề phức tạp khác khiến cho sự phát triển bị tác động, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng bền vững của toàn vùng.

Do đó, mục tiêu của buổi hội thảo là nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin kinh nghiệm, phân tích, đánh giá những tiềm năng thế mạnh và những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, quản lí, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên thì cần phải xác định rõ các ‘điểm nghẽn’ đang tồn tại qua đó cấp thiết xây dựng mô hình tăng trưởng mới, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chung tạo ra một không gian thống nhất để thúc đẩy sự hợp tác nội vùng và liên vùng.

Buổi hội thảo đánh giá những tiềm năng thế mạnh và những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của Tây Nguyên
Buổi hội thảo đánh giá những tiềm năng thế mạnh và những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của Tây Nguyên

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy-Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Tây Nguyên nêu ra 3 ‘điểm nghẽn’ lớn mà các tỉnh Tây nguyên cần phải tháo gỡ để phát triển. Về ‘điểm nghẽn’ thứ nhất, theo ông Thụy, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của các tỉnh Tây Nguyên thì vấn đề liên kết kinh tế nội vùng chưa đặt đúng vị trí trong quy hoạch phát triển tổng thể toàn vùng. Sự liên kết giữa các tỉnh, các cấp thiếu đồng bộ, gắn kết và còn mờ nhạt dẫn đến việc trao đổi thông tin, cơ chế phối hợp không rõ ràng, yếu và thiếu một ‘nhạc trưởng’ điều phối, cầm trịch. Ngoài ra, bài toán quy hoạch, áp dụng các mô hình sản xuất tại các tỉnh trong vùng còn mang tính máy móc, rập khuôn theo khuynh hướng chung đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm thiếu thương hiệu và dễ bị tổn thương bởi quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường. Thứ hai, khoa học và công nghệ là một tác nhân đóng vai trò đòn bẩy và kết nối các nguồn lực, tuy nhiên hiện nay trình độ và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp tại Tây Nguyên vẫn còn thiếu đồng bộ, hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Và cuối cùng là điểm nghẽn trong nghiên cứu, ứng dụng và khai thác các tài nguyên văn hóa hiện đã lộ những bất cập nhưng vẫn chưa có giải pháp tiếp cận. Các tỉnh Tây Nguyên còn loay hoay, lúng túng trên cả hai phương diện nghiên cứu và ứng dụng. Các giá trị văn hóa, tôn giáo tâm linh tộc người và các giá trị khác chưa được xây dựng chuyển hóa thành các sản phẩm du lịch vừa mang tính đặc thù, vừa thêm tính đa dạng, phong phú.

Ngọc Linh