Đầu tư khách sạn đang "đẻ trứng vàng"?

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 19/10/2017

Thị trường khách sạn tại Hà Nội đang hoạt động rất tốt xét về cả công suất lẫn giá phòng. Công suất khách sạn 5 sao luôn luôn ở mức cao nhất thị trường, có thời điểm khan hiếm phòng. Điều này khiến phân khúc đầu tư khách sạn trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi riêng tại Hà Nội có hàng chục dự án khách sạn đi vào hoạt động.

Theo khảo sát của Savills, về nguồn cung, trong quý III/2017, thị trường có một khách sạn 5 sao và 2 khách sạn 3 sao với tổng cộng 509 phòng gia nhập thị trường. Tổng nguồn cung khách sạn đạt khoảng 9.840 phòng, tăng 5% theo quý và 8% theo năm. Mùa thấp điểm ghi nhận công suất cho thuê trung bình giảm 5 điểm % theo quý nhưng nhìn chung tăng 7 điểm % theo năm. Giá thuê phòng trung bình giảm 1% theo quý nhưng tăng 26% theo năm. Doanh thu phòng trung bình giảm 8% theo quý nhưng tăng 39% theo năm. Theo Savills, áp lực cạnh tranh thị trường khách sạn tại Hà Nội sẽ gia tăng kể từ sau năm 2018 với 36 dự án tương lai.

Mới đây, InterContinental Hotels Group (IHG) đã đánh dấu bước phát triển trong kinh doanh tại thị trường Việt Nam bằng việc khai trương InterContinental Hanoi Landmark72. Bà Leanne Harwood - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của IHG - cho biết: “Sự kiện khai trương InterContinental Hanoi Landmark72 là dấu mốc đối với Tập đoàn IHG và thương hiệu InterContinental: lần đầu tiên khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn có vị trí cao nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai trương khách sạn InterContinental thứ 2 tại Hà Nội sẽ góp phần khẳng định và nâng cao vị thế điểm đến du lịch MICE của Thủ đô”.

Với lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh, việc đầu tư kinh doanh khách sạn đang phát triển mạnh. Ảnh: P.V
Với lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh, việc đầu tư kinh doanh khách sạn đang phát triển mạnh. Ảnh: P.V

Một tập đoàn khách sạn khác là Hilton cũng đặt mục tiêu có gấp 10 lần số khách sạn đang hoạt động tại Việt Nam trong 5 năm tới. Đây là thông tin do ông Guy Phillips - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Hilton, công bố. Tập đoàn này hiện có 4 dự án khách sạn khác đang triển khai ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long. Loạt dự án này dự kiến sẽ tham gia thị trường khách sạn từ năm 2018-2020. Hilton đặt mục tiêu vận hành 20-30 khách sạn tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Đánh giá tổng quan về thị trường khách sạn Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, thị trường khách sạn tại Hà Nội đang hoạt động rất tốt xét về cả công suất lẫn giá phòng. Công suất khách sạn 5 sao luôn luôn ở mức cao nhất thị trường, có thời điểm khan hiếm phòng. Lý giải về việc công suất khách sạn 5 sao đạt kỷ lục về công suất trong 9 tháng đầu năm 2017, bà Hằng cho rằng, thời gian qua du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, theo Cục Thống kê Hà Nội, trong 9 tháng năm 2017 đã có 3,5 triệu lượt khách quốc tế đã đến Hà Nội, tăng 24% theo năm trong khi nguồn cung thị trường khách sạn Hà Nội hầu như không đổi.

Bà Hằng cho biết: “40% du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ lưu trú lại tại Hà Nội, nhu cầu khách sạn 5 sao tăng cao trong khi nguồn cung không tăng thêm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách sạn tại Hà Nội hoạt động hết công suất, đồng thời, kéo giá phòng tăng lên”.

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, việc gia tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước cùng sự chuyển dịch và phát triển của các phân khúc khách du lịch có nhu cầu cao hơn là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đến với dòng khách sạn cao cấp với các thương hiệu quốc tế. Điều này là hoàn toàn phù hợp về mặt cung - cầu của thị trường. “Tuy nhiên, việc đầu tư vào mảng bất động sản khách sạn, đặc biệt là phân khúc cao cấp, cần được cân nhắc cẩn thận và có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn, tránh dẫn thị trường tới tình trạng mất cân bằng”, ông Khương khuyến cáo.

Theo LĐO