TP. Hồ Chí Minh: Khan hiếm nguồn quỹ đất phát triển dự án bất động sản mới

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 22/08/2017

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, điểm nghẽn đối với doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) hiện nay chính là thiếu mặt bằng để tạo dựng dự án mới nên từ nay đến cuối năm 2017 sẽ ít dự án hơn so với năm 2016.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế dẫn chứng, năm 2017 lượng giao dịch BĐS có giảm nhẹ so với năm 2016, tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là thời gian qua căn hộ cao cấp lại tiêu thụ tốt hơn căn hộ bình dân. Phân khúc bình dân tiêu thụ được 59%, trung cấp tiêu thụ 68%, còn mức tiêu thụ của căn hộ cao cấp tăng mạnh với tỷ lệ 87%. Điều này chứng tỏ, thị trường vẫn chủ yếu là nhà đầu tư và người có thu nhập khá.

Mặc dù thị trường BĐS được đánh giá là khá ổn định nhưng giới đầu tư đang lo ngại thiếu đất làm dự án. Vì vậy, từ nay đến cuối năm nguồn cung sản phẩm đưa ra thị trường không nhiều như những năm trước.

Các DN BĐS đang “đau đầu” tìm kiếm quỹ đất phát triển dự án nhà ở
Các DN BĐS đang “đau đầu” tìm kiếm quỹ đất phát triển dự án nhà ở

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) chia sẻ, điểm nghẽn đối với DN BĐS hiện nay chính là thiếu mặt bằng để tạo dựng dự án mới, cho nên năm 2017 ít dự án hơn năm 2016.

Nêu trường hợp cụ thể, ông Phúc nói: Theo kế hoạch phát triển của Công ty CP kinh doanh địa ốc Him Lam, trong năm 2017 Him Lam sẽ phát triển 3 dự án nhà ở. Thế nhưng, nhìn từ thực tế khan hiếm về mặt bằng cho thấy, DN chỉ có thể thực hiện được 1 dự án. Thiếu đất làm dự án nên nguồn cung từ giờ đến cuối năm ra thị trường không nhiều so với trước đó.

“Khan hiếm mặt bằng ở TP. Hồ Chí Minh là có thật và sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Từ nhà thờ Đức Bà (quận 1) rộng ra với bán kính 10km không còn đất. Tại quận 9 có dự án rộng 7 - 8 ha bao gồm cả đất nông nghiệp được chào bán với giá ban đầu khá thấp, sau đó tăng đột biến khiến chủ đầu tư ngần ngại tiếp nhận. Nguồn cung mặt bằng hạn chế, DN muốn tạo dự án mới phải mất nhiều chi phí. Kết quả, giá sản phẩm ra thị trường ở mức cao”, ông Đinh Thế Hiển cho biết.

Theo ông Ngô Quang Phúc, hiện nay DN BĐS đang “đau đầu” tìm kiếm quỹ đất phát triển dự án nhà ở. Ông Phúc cũng cho biết, các DN có ba cách giải quyết mặt bằng hướng đến lập dự án như: tự kiếm đất; đi mua lại đất, mua lại dự án từ DN khác; hợp tác kinh doanh bằng cách người có đất, người có kinh nghiệm. Tuy nhiên, một trong ba phương án nêu trên đều không đơn giản.

Cụ thể, phương án một gần như khó khăn thực hiện. Phương án mua lại thì thời gian qua làm rất nhiều nhưng gặp khó vì có thể công ty A làm được với ý tưởng đó, nhưng ý tưởng công ty B lại khác. Rút cuộc có mua lại dự án cũng mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện. Đối với phương án hợp tác kinh doanh đang được chủ đầu tư làm nhưng trong việc hợp tác này cũng khó vì không chung định hướng phát triển. Đa phần DN BĐS muốn chủ động tìm mặt bằng để phát triển đúng kế hoạch, đúng thời gian.

HoREA và giới kinh doanh địa ốc khẳng định, ngoài việc thiếu mặt bằng, thủ tục hành chính cũng đang kiềm sự phát của các dự án nhà ở. Do đó, trong năm 2017 và 2018, chắc chắn không có dự án nhiều như những năm trước vì các vướng mắc nêu trên.

Theo Báo Công thương