Nghề nuôi chim yến tự phát phát triển rộ ở Bình Định

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 30/07/2017

(TN&MT) - Nghề nuôi chim yến phát triển tự phát từ nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đang nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh...

 

(TN&MT) - Nghề nuôi chim yến phát triển tự phát từ nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đang nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Song đến nay, chưa có quy định chính thức nào về quản lý nuôi chim yến được ban hành, khiến địa phương gặp lúng túng trong công tác quản lý, kiểm tra.

Một trường hợp nuôi chim yến tự phát ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước).
Một trường hợp nuôi chim yến tự phát ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước).

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, toàn tỉnh hiện có gần 300 nhà nuôi yến, phân bổ trên 45 xã, phường, thị trấn; tập trung nhiều ở TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ. Nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng chưa bền vững. Cơ sở nuôi chung với nhà ở, gần khu dân cư, trường học... nên việc sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến suốt ngày đêm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng. Việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các cơ sở nuôi cũng chưa đảm bảo tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm trên đàn chim yến.

Khổ vì âm thanh dẫn dụ yến

Nhiều người ở TP Quy Nhơn đã đầu tư hàng tỉ đồng cho cả ngôi nhà cao tầng hoặc tận dụng tầng thượng để nuôi yến. Không ít nhà nghỉ, khách sạn cũng tranh thủ kiếm thêm bằng cách xây chuồng nuôi yến ngay phía trên phòng lưu trú của du khách. Đến nay, TP Quy Nhơn có 127 nhà nuôi chim yến. Trên những con đường Ỷ Lan, Điện Biên Phủ, Hùng Vương,… suốt từ sáng sớm tới tối mịt lúc nào cũng nghe thấy âm thanh rất khó chịu được phát ra từ những thiết bị dẫn dụ chim yến.

Tại huyện Hoài Nhơn, nghề nuôi chim yến phát triển không kém với gần 80 nhà nuôi yến, chủ yếu ở xã Tam Quan Bắc, Hoài Hảo hoặc thị trấn Tam Quan. Riêng xã Tam Quan Bắc, nhẩm tính có gần 50 hộ dân đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng nhà cao tầng nuôi chim yến, trong đó nhiều nhất ở các thôn Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2, Tân Thành 2 với khoảng 30 nhà. Đáng nói, do không được quản lý nên việc nuôi yến ở các địa phương khá lộn xộn; các nhà nuôi yến được xây dựng xen lẫn trong các khu dân cư. Việc lắp đặt hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chưa kể mùi hôi từ phân chim yến thải ra khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.

Việc nuôi chim yến tự phát ở đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn gây phiền hà đến cuộc sống của người dân.
Việc nuôi chim yến tự phát ở đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn gây phiền hà đến cuộc sống của người dân.

Tại huyện Tuy Phước, 2 năm gần đây, nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến ở nhiều xã, thị trấn cũng nở rộ. Thống kê chưa đầy đủ, cả huyện có 47 nhà nuôi yến phân tán ở nhiều xã như Phước Sơn, Phước Quang, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Lộc,… Người nuôi yến bước đầu mang lại nguồn khá ổn định cho người nuôi, nhưng gây ra không ít phiền hà.  “Thiết bị âm thanh dẫn dụ chim yến kêu cà réc, cà réc cả ngày lẫn đêm làm mấy đứa nhỏ, người già không lúc nào ngủ tròn giấc. Trong bán kính vài chục mét mà có tới hai nhà nuôi chim yến, tờ mờ sáng là họ mở loa rồi. Âm thanh cà réc nhức cả đầu”, một hộ dân ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), kể khổ.

Đề cập về công tác quản lý, kiểm tra, ông Võ Văn Thọ, cán bộ địa chính - nông nghiệp - môi trường UBND xã Phước Hòa, thừa nhận: “Cả xã có 5 hộ tự phát xây nhà, lắp thiết bị dẫn dụ, gây nuôi chim yến làm phát sinh tiếng ồn. Song đến nay, do chưa có văn bản, quy định cụ thể nào về hoạt động nuôi chim yến, nên xã cũng không biết căn cứ vào đâu để xử lý”.

Lúng túng do “vướng” nhiều quy định

Đề cập về việc quản lý, kiểm tra, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, cho biết: “Đến nay, Bộ NN&PTNT chưa ban hành quy định quản lý nuôi chim yến chính thức nào, chưa ban hành văn bản hướng dẫn cũng như quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật nuôi chim yến cho các địa phương làm cơ sở thực hiện. Do đó, việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng”.

Đáng chú ý để kiểm soát tình hình nuôi chim yến, ngày 22.7.2013, Bộ NN&PTNT từng ban hành tạm thời Thông tư 35/2013/TT-BNN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Tuy nhiên, sau thông tư này, ngày 29.6.2016, Bộ NN&PTNT ban hành quyết định 2655/QĐ-BNN-PC về việc bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đã thể hiện tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 35 (quy định về việc khai báo của chủ cơ sở nuôi chim yến, vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến và cường độ âm thanh, thời gian cho phép sử dụng để dẫn dụ chim yến). Ngày 1.7.2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 11 của Nghị định này chỉ thể hiện nội dung: “Đối với dẫn dụ, gây nuôi chim yến, thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 dBA”.

Việc nuôi chim yến tự phát ở đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn gây phiền hà đến cuộc sống của người dân.
Việc nuôi chim yến tự phát ở đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn gây phiền hà đến cuộc sống của người dân.

Chờ quy định chính thức của Bộ NN&PTNT

Ông Diệp, cho biết, theo quy định này thì người ta có thể hiểu âm thanh dẫn dụ chim yến có thể hoạt động 24/24 giờ. Nếu cơ quan chức năng căn cứ vào quy định này để kiểm tra thì phải có máy chuyên dụng, song không dễ kiểm tra bởi khó “bắt tận tay, day tận tráng”. Để hạn chế việc nuôi chim yến tự phát, năm 2016, Sở NN&PTNT Bình Định đã xây dựng dự thảo Quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét thông qua lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Song qua thẩm định, Sở Tư pháp cho hay dự thảo còn thiếu một vài yếu tố; trong đó, cần có quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung.

Nhưng theo ông Diệp, muốn làm được vùng nuôi chim yến tập trung mất chừng 5-7 năm. Do vậy, dự thảo này đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để UBND tỉnh thông qua. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Thông tư 35 cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT xem xét đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý nuôi chim yến để làm căn cứ pháp lý, cơ sở cho các địa phương thực hiện.

“Cục Chăn nuôi đang tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các địa phương để điều chỉnh, bổ sung quy định về nghề nuôi chim yến. Tôi hi vọng qua cuộc họp này, Cục sẽ hoàn thiện những quy chuẩn, quy định về việc quản lý, nuôi chim yến để trình Bộ NN&PTNT để ban hành làm cơ sở cho ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả nhất”, ông Diệp bày tỏ.

Hoàng Nguyên