Doanh nghiêp hóa chất hành động tự nguyện vì môi trường xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 28/06/2017

(TN&MT) - Hoạt động của các doanh nghiệp hóa chất thành viên của Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam – VRCC (sau đây gọi tắt là “doanh nghiệp VRCC”) trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trách nhiệm cao đối với xã hội, đối với cộng đồng, với môi trường xung quanh.

Trước tiên, các doanh nghiệp VRCC tự nguyện xây dựng và cam kết thực thi các hành động vì trách nhiệm với xã hội theo đặc thù của ngành công nghiệp hoá chất (CNHC). Khởi đầu bằng việc thay đổi cách nghĩ truyền thống, theo nguyên tắc tự nguyện hành động, làm những gì mà đạo lý cho là đúng; không những đáp ứng yêu cầu của luật pháp mà còn thường xuyên phấn đấu làm tốt hơn thế vì trách nhiệm với xã hội. Tiếp đến là triển khai nguyên tắc đạo đức mới này thành những hành động cụ thể (hoạt động RC) liên quan đến việc bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động, của cộng đồng, bảo vệ môi trường, an toàn trong tất cả các khâu từ thiết kế, đến sản xuất, phân phối với một tư tưởng xuyên suốt là tự nguyện làm tốt nhất những gì có ích cho xã hội, cho môi trường thiên nhiên .

Hầu hết các doanh nghiệp VRCC từ các tập đoàn hóa chất lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam - VINACHEM, các doanh nghiệp FDI: Bayer, BAFS, Unilever, Dow Chemical .... ngày càng chú ý chăm lo bảo vệ môi trường, đều lựa chọn giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi  trường làm nội dung ưu tiên trong hoạt động SX-KD của mình. Mục tiêu là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm.

Hoạt động RC đòi hỏi sự thay đổi thái độ, thực hành quản lý môi trường với ý thức trách nhiệm cao đối với xã hội và việc đánh giá, lựa chọn tốt các giải pháp kỹ thuật. Kết quả là RC vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa có cả lợi ích về các mặt khác như môi trường, văn hoá, hình ảnh doanh nghiệp, uy tín thương hiệu…

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất ở Nhà máy Hóa chất Biên Hòa - Đồng Nai (thuộc Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam)
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất ở Nhà máy Hóa chất Biên Hòa - Đồng Nai (thuộc Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam)

Các lợi ích này có thể tóm tắt như sau:

-   Sử dụng năng lượng và nguyên liệu hiệu quả hơn. Giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm. Nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản suất.

-   Giảm ô nhiễm, giảm lượng thải  ra môi trường. Tái sử dụng được những vật chất trước đây bị coi là chất thải.

-   Cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp cho người lao động và cải thiện môi trường làm việc cũng như môi trường thiên nhiên xung quanh nhà máy.

-   Tạo nên hình ảnh về các doanh nghiệp hoá chất tốt đẹp hơn.

-   Các dự án phát triển thường gắn liền với sự đổi mới công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Do đó, có thể thuận lợi hơn khi tiếp cận với các nguồn hỗ trợ hoặc cho vay tài chính.

-   Khi áp dụng SXSH có thể sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ hơn, ... do đó có thể mở ra được nhiều cơ hội thị trường mới hơn.

-   Áp dụng SXSH vào hoạt động RC cũng giúp các doanh nghiệp trong VRCC tuân thủ các quy định của luật pháp tốt hơn.

Có thể điểm một số dẫn chứng như sau tại các doanh nghiệp hóa chất đang hoạt động RC:

Nhằm mục đích tiết giảm chi phí năng lượng, nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, lại làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chủ động áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ sản xuất; xử lý triệt để chất thải, tái sử dụng …

Công ty CP Supe phôtphat và HC Lâm thao nghiên cứu triển khai vào sản xuất thành công đề tài sản xuất supe lân đơn đi từ 100% quặng tuyển ẩm thay thế quặng nguyên khai nghiền, tiết kiệm được khoảng 9.000 tấn than/năm; thực hiện định mức điện giảm khoảng 5 KWh/tấn so với trước, tiết kiệm được khoảng 4,5 triệu kwh/năm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi do không phải vận hành bộ phận sấy nghiền; giảm lượng phát thải khí CO2 ra môi trường.

Việc áp dụng công nghệ điện phân xút-clo dùng màng trao đổi ion (màng membran) ở Nhà máy Hóa chất Biên Hòa – Công ty CP Hóa chất cơ bản Miền Nam và ở Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì làm tăng năng lực sản xuất của 2 nhà máy lên trên 50.000 tấn/năm và tạo sản phẩm có chất lượng vượt trội (NaOH>32%), giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, bảo đảm môi trường.

Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cải tiến công nghệ lò cao chạy từ than cốc sang than antraxit nội địa, giảm định mức hơn 1 tấn than/tấn sản phẩm, giảm lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu than cốc. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành đóng bánh than vụn nhằm tận dụng phế thải. Chuyển từ sử dụng nguyên liệu quặng apatit loại 1 sang sử dụng quặng loại 2, nhưng vẫn sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiêu hao nguyên liệu đã giảm từ 1,7 tấn xuống còn 1,1-1,2 tấn. Đồng thời, giảm tiêu hao điện từ 45 kWh/tấn xuống còn khoảng 40 kWh/tấn sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn.

Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển… đã đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý nước thải, tuần hoàn tái sử dụng lại gần 100% lượng nước thải công nghiệp.

Công ty CP cao su Đà Nẵng - DRC, Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam - Casumina hiện đang triển khai những giải pháp về quản lý và kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhằm đạt hiệu quả cao nhất về chất lượng sản phẩm cũng như các yêu cầu về An toàn, Sức khoẻ và Môi trường.

Các doanh nghiệp VRCC ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường và SXSH. Triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện công tác bảo vệ môi trường và SXSH của ngành dầu khí…

Cùng với việc sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, có chỉ số phát thải thấp và áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn từ 2013-2018, PVFCCo phấn đấu thực hiện cải tiến liên tục công nghệ để tiết kiệm từ 1-3% nhiên liệu tiêu thụ tại PVFCCo;

.
.

Dow Chemical Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), tích cực góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam như Chương trình trang bị kiến thức về SXSH cho các doanh nghiệp thông qua 36 cuộc hội thảo "Đào tạo Sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho doanh nghiệp tại Việt Nam"; Chương trình đào tạo Tiêu chuẩn ISO 14001-2015 cho hơn 800 kỹ sư, giúp họ nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phát triển hoạt động kinh doanh đi đôi với công tác bảo vệ môi trường là định hướng mang tính bền vững cũng như trách nhiệm của Unilever Việt Nam đối với xã hội và cộng đồng. Tại các quy trình sản xuất sản phẩm, Công ty đã ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước, lắp đặt thiết bị thu gom và tái sử dụng nước mưa, xây dựng quy trình phân loại bao bì phế liệu, rác thải sinh hoạt, lắp đặt thành công lò hơi sử dụng nguyên liệu sinh khối, đều là những thành tự đáng khích lệ từ nhà máy Unilever Việt Nam.

Mục tiêu cao nhất của những nỗ lực này là mang lại sự an toàn cho con người và môi trường đồng thời cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Sự cam kết của các doanh nghiệp trong VRCC không ngừng tăng cường hơn nữa trách nhiệm đối với xã hội, đối với cộng đồng và môi trường sống, góp phần phát triển ngành CNHC một cách bền vững đã thể hiện rõ nét đạo đức về trách nhiệm đối với xã hội của ngành CNHC Việt Nam ./.

                                                                                                                         Chử Văn Nguyên

                                                                                                                         Phó chủ tịch VRCC