Điện Biên: Ai "gỡ vướng" cho doanh nghiệp?

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 15/04/2017

(TN&MT) - Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, liên tục phản ánh về việc UBND tỉnh Điện Biên áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở mức “cao chót bảng”. Câu hỏi đặt ra, trước những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải thì ai sẽ là người “gỡ vướng”?
Mỏ đá của doanh nghiệp tư nhân xây dựng Minh Quý, tại thị trấn Mường Ảng.
Mỏ đá của doanh nghiệp tư nhân xây dựng Minh Quý, tại thị trấn Mường Ảng.

Có thể thấy, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp là đúng đắn về mặt pháp lý và chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây là một chính sách mới, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời là tiền đề quan trọng để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra cho địa phương.

Trong thời gian qua, những nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, của tỉnh Điện Biên trên tất cả các mặt. Trong đó, thuế do các doanh nghiệp đóng góp chiếm một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 12/2014/QĐ-UB ngày 16/6/2014, về việc Ban hành bảng giá thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên vô hình chung khiến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh điêu đứng, bởi mức thuế quá cao.

Kể từ khi Quyết định 12 của UBND tỉnh Điện Biên ra đời đến nay đã gần 3 năm, đơn kiến nghị của các doanh nghiệp đã gửi đi nhiều sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên. Song đến nay vẫn chưa biết ai sẽ trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc? Các doanh nghiệp vẫn cứ phải chờ, còn chờ đến khi nào thì không ai biết...

Những thắc mắc của doanh nghiệp tập trung phản ánh vào việc UBND tỉnh Điện Biên áp dụng mức thuế tài nguyên của sản phẩm đá hộc(130.000đ) nhân với hệ số nở rời ở mức độ tối đa(1,5) để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo bảng tính này, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường sẽ phải nộp 195.000đ/m3.

Trong khi đó, theo Công văn số 921/ĐCKS-KTĐCKS ngày 31/3/2017 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, cho rằng: “Việc quy định giá thuế tài nguyên làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh”. Cùng với đó, Công văn số 1553/ĐCKS-KTĐCKS ngày 29/5/2015 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, trả lời kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: “Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giá tính thuế tài nguyên đá hỗn hợp chưa qua chế biến của UBND cấp tỉnh ban hành”.

 Xét thấy, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải tính theo giá trữ lượng địa chất hoặc (đá xô bồ chưa qua sàng tuyển). Việc tỉnh Điện Biên đang áp và tính theo giá thuế tài nguyên của đá thành phẩm (đá hộc) là chưa thỏa đáng. Cùng với hệ số nở rời ở mức tối đa đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản điêu đứng trong việc nộp thuế. Từ đó dẫn đến việc nợ đọng thuế hàng năm ngày càng nhiều. Các những doanh nghiệp dường như khó trụ bám trên địa bàn.

Việc Điện Biên áp dụng mức phí cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quá cao khiến nhiều doanh nghiệp “điêu đứng”
Việc Điện Biên áp dụng mức phí cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quá cao khiến nhiều doanh nghiệp “điêu đứng”

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc tài chính, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh cho biết: Đã rất nhiều lần kiến nghị bằng văn bản đến UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan nhưng đến nay các kiến nghị của Công ty Hoàng Anh nói riêng và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói chung vẫn chưa được tháo gỡ.

Tháng 1- 2017, UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND về việc ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh, thay thế cho Quyết định số 12 trước đó. Tuy nhiên, tại Quyết định này vẫn chưa có mục giá đá hỗn hợp sau nổ mìn chưa qua sàng tuyển để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mà trong bảng giá mới chỉ có bảng giá đá thành phẩm các loại để tính thuế tài nguyên. Nên việc áp dụng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định sẽ phải chờ tới khi giá đá hỗn hợp sau nổ mìn được ban hành.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay, Điện Biên vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn thi hành hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ từ phía Bộ tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh cách tính và phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoảng sản cho các doanh nghiệp hiện đang khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường tại địa phương.

So với các tỉnh khác trong khu vực, hệ số nở rời của tỉnh Điện Biên được áp ở mức tối đa 1,5. Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La được áp dụng tại thời điểm tháng 1/2016, hệ số nở rời tối thiểu là 1,2 và tối đa là 1,4 (áp theo chất lượng địa chất từng  mỏ); tỉnh Lào Cai hệ số nở rời được tính mức trung bình là 1,47. Cùng với việc UBND tỉnh Điện Biên tính theo giá tính thuế tài nguyên của đá hộc thành phẩm với đơn giá 130.000đ/m3, cao hơn rất nhiều so với các tỉnh khác như: Tỉnh Yên Bái quy định tại QĐ số 11/2016/QĐ-UBND ngày 28/03/2016 thì giá đá hộc là 118.000 đ/m3; giá đá hỗn hợp sau nổ mìn là 60.000 đ/m3; Tỉnh Cao Bằng quy định tại QĐ số 04/2016/QĐ-UBND  ngày 06/02/2017 thì giá đá hộc là 100.000 đ/m3, giá đá sô bồ chưa qua sàng tuyển là 60.000 đ/m3...

Câu hỏi đặt ra là việc quy định giá thuế tài nguyên làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, trong khi các tỉnh khác áp dụng giá tính thuế tài nguyên cảu đá hỗn hợp chưa qua chế biến để tính tiền cấp quyêng khai thác khoáng sản thì tỉnh Điện Biên lại không áp dụng hay điều chỉnh để áp dụng?

Việc áp dụng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quá cao cũng như chậm ban hành mức giá mới, vô hình chung đã khiến cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trăn trở không biết mình có thể trụ bám trong bao lâu?

Giả sử, nếu các doanh nghiệp không thể trụ bám và lần lượt bỏ đi hoặc chỉ vì mức thuế quá cao mà doanh nghiệp nợ đọng thếu hàng năm, thì “người” chịu tổn thất cuối cùng vẫn là tỉnh Điện Biên...

Bài và ảnh: Hà Thuận