Đà Nẵng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu năng lực cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 31/03/2017

(TN&MT) - TP. Đà Nẵng hiện có hơn 12 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 64.000 tỷ đồng. DNNVV đã và đang tham gia ngày càng sâu rộng trong quá trình phát triển kinh tế, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn thu ngân sách và sự tăng trưởng GDP của TP. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản vì năng lực cạnh tranh còn thấp.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Đà Nẵng phải ngừng hoạt động vì không đủ năng lực cạnh tranh
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Đà Nẵng phải ngừng hoạt động vì không đủ năng lực cạnh tranh

Thiếu năng lực quản lý

Theo thống kê, năm 2012, toàn TP. Đà Nẵng có 286 DN giải thể, gần 3000 DN ngừng hoạt động, năm 2013 có khoảng 1.194 DN ngừng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thiếu năng lực quản lý và trình độ nguồn nhân lực thấp.

Hiện nay, đối với DNNVV, chủ doanh nghiệp vừa thực hiện công tác quản lý vừa điều hành doanh nghiệp, không có sự phân biệt chức năng lãnh đạo, xây dựng chiến lược của doanh nghiệp và chức năng quản lý, điều hành của người quản lý.

Vấn đề nhận thức và tiếp cận trong việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 một cách có hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành còn nhiều bất cập.

Mặt khác, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế nên hầu hết các DNNVV chưa nắm bắt được các chủ trương, chính sách cũng như định hướng phát  triển kinh tế - xã hội. Những hạn chế trong năng lực điều hành, quản lý, tiếp cận thông tin đã ảnh hưởng nhiều đến quyết định đầu tư, đổi mới, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất hoặc phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, DNNVV vẫn chưa thấy hết vai trò quan trọng của hoạt động quản trị nên chưa chú trọng đến đội ngũ quản lý. Trình độ cán bộ quản lý thấp, hạn chế trong tiếp cận với những kiến thức và phong cách quản lý hiện đại, chưa có chính sách tối ưu trong tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện và tạo điều kiện cho đội ngũ quản lý nâng cao trình độ, đặc biệt là kinh nghiệm giao dịch, nghiên cứu tiếp cận với thị trường thế giới. Trong điều kiện hội nhập, trình độ quản lý của doanh nghiệp giữ vị trí quyết định trong việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp vì vậy doanh nghiệp cần đặt công việc nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý lên hàng đầu.

Một trong những hạn chế lớn đối với DNNVV hiện nay là thiếu đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn. Khuynh hướng phổ biến cho thấy các doanh nghiệp này hoạt động quản lý theo kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn chiến lược, nghèo nàn về kiến thức trên các mặt quản lý và điều hành, chiến lược kinh doanh, phát triển quảng bá thương hiệu, áp dụng công nghệ... và như thế sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và hạn chế khả năng cạnh tranh. Cho nên, việc đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo  nói riêng và lực lượng lao động nói chung của DNNVV là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp
Đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp

Quy mô vốn nhỏ, công nghệ tụt hậu

Đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt, đối với những DNNVV không có hoặc ít tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, phần lớn các DNNVV đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ dẫn tới tình trạng định mức tiêu hao về chi phí nguyên vật liệu lớn và phát sinh thêm nhiều chi phí cho sửa chữa, bảo dưỡng.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thương hiệu  có giá trị rất cao, là tài sản vô hình của doanh nghiệp, tuy nhiên, DNNVV trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chưa quan tâm đúng mức để xây dựng được các thương hiệu mạnh, chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu, chưa khẳng định được uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Rất nhiều DNNVV chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ và việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng xâm nhập thị trường, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu thị trường của các DNNVV chưa được tổ chức một cách khoa học mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Có rất ít doanh nghiệp xây dựng được chương trình xúc tiến bán hàng, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng một cách tốt nhất. Chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng rất nhỏ và có rất ít doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ triển lãm của thành phố, khu vực và các tỉnh khác trong và ngoài nước.

Với những tồn tại trên đã dẫn đến tình trạng yếu kém về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh của DNNVV trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Không hấp dẫn được các nhà đầu tư, đồng thời khong thu hút được niềm đam mê khởi nghiệp của giới trẻ.

Bài và ảnh:Yến Nhi